Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 làng nghề nuôi rắn đã được công nhận tại các địa phương: Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); thôn Hùng Mạnh và thôn Xóm Làng (xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô). Do hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với những loài vật nuôi khác, nghề nuôi rắn hổ mang đã mang đến diện mạo mới cho các làng nghề.
Đàn rắn hổ mang thương phẩm của gia đình anh Vũ Văn Kiên, thôn Hồng Sen, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc không thể xuất bán trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nhiều hộ dân nhờ nuôi rắn mà vươn lên thoát nghèo, trở thành tỷ phú, góp phần làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, một số hộ dân tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như: Xã Tân Tiến, Đại Đồng, Bình Dương (Vĩnh Tường); xã Hải Lựu (Sông Lô) cũng phát triển kinh tế bằng nghề nuôi rắn.
Hiện nay, sản phẩm của các làng nghề nuôi rắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, động vật hoang dã được cho là có liên quan đến chủng mới virus corona nên Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm việc mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Khi thị trường chính ngừng thu mua, người nuôi rắn hổ mang bị rơi vào cảnh lao đao vì rắn không xuất bán được.
Với 2 làng nghề được công nhận, hiện, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) có 109 hộ chăn nuôi rắn hổ mang với tổng số lượng gần 40.000 con, trong đó, có 22.700 con rắn hổ mang bố mẹ và 16.600 con rắn hổ mang thương phẩm. Tổng giá trị vốn đã đầu tư của các hộ nuôi rắn hổ mang toàn xã ước tính hơn 35 tỷ đồng. |
Nhìn chung, nghề nuôi rắn hổ mang ở địa phương cho thu nhập cao hơn so với các ngành chăn nuôi khác. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 1/2020, tình hình sản xuất kinh doanh tại các làng nghề nuôi rắn xã Bạch Lưu bị đình trệ do tác động của dịch Covid-19. Không có giao dịch mua bán, người chăn nuôi rắn hổ mang không có thu nhập và vốn để duy trì sản xuất.
Là một trong những hộ nuôi rắn hổ mang với số lượng lớn nhất trên địa bàn xã Bạch Lưu, gia đình anh Vũ Văn Kiên đang nuôi gần 3.000 con, trong đó, có 1.800 con rắn hổ mang thương phẩm và hơn 1.000 con rắn hổ mang bố mẹ. Hàng năm, gia đình anh cung cấp ra thị trường vài nghìn trứng rắn hổ mang và hàng tấn rắn hổ mang thương phẩm với doanh thu từ 600-700 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.
Hiện, đàn rắn hổ mang thương phẩm của gia đình anh Kiên đã tới thời kỳ xuất bán nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, chúng vẫn phải nằm im trong chuồng.
Nhìn vào công trình chuồng trại bị dang dở vì thiếu vốn, anh Kiên tâm sự: “Rắn thương phẩm đã đạt trọng lượng tối đa, có nuôi thêm cũng không thể lớn, chỉ tốn tiền mồi, tiền điện sưởi ấm. Đàn rắn con đang nuôi tập trung, đã đến thời kỳ tách chuồng nhưng cũng chưa biết nhốt ở đâu vì rắn thương phẩm chưa xuất được. Rắn hổ mang bố mẹ cũng chuẩn bị tới thời kỳ sinh sản, gia đình cũng không biết có nên cho phối giống để đẻ trứng hay không. Nếu đẻ ra mà không tiêu thụ được cũng chẳng có chỗ nuôi”.
Nghề nuôi rắn hổ mang đem lại thu nhập cao, việc làm cho nhiều hộ dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng giờ đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làng rắn Vĩnh Sơn đang "ùn ứ" hơn 1 triệu con rắn hổ mang các loại. Ảnh: Vnexpress.net.
Lợi nhuận từ việc nuôi rắn những năm trước đã được tái đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất nên hiện nay, gia đình anh Kiên đang rơi vào cảnh nợ nần vì bị “kẹt” vốn. Theo tính toán của anh Kiên, mỗi con rắn hổ mang tiêu thụ khoảng 0,5kg mồi/tháng. Thức ăn của rắn hổ mang là gà, vịt con thải loại hiện rơi vào khoảng 30 nghìn đồng/kg; với số lượng đàn rắn khoảng 3.000 con, mỗi tháng, gia đình phải bỏ ra gần 45 triệu tiền mồi.
Ngoài ra, người nuôi rắn hổ mang như anh Kiên còn chịu một số chi phí khác như: Lãi ngân hàng, thuốc men cho rắn, điện sưởi ấm chuồng nuôi… cũng tốn thêm khoảng hàng chục triệu đồng.
Là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi tiếng khắp gần xa bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ rắn, đến nay, làng nghề rắn Vĩnh Sơn có khoảng 800 hộ chăn nuôi với tổng số lượng gần 1 triệu con rắn hổ mangg bố mẹ và rắn thương phẩm.
Năm 2019, giá trị từ chăn nuôi rắn hổ mang của xã Vĩnh Sơn chiếm hơn 92% tổng giá trị chăn nuôi toàn xã. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ dân của làng nghề rắn Vĩnh Sơn hiện cũng đang trong cảnh điêu đứng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Làng nghề rắn Vĩnh Sơn cho biết: “Xã hiện có hơn 1.400 hộ, trong đó có tới 800 hộ nuôi rắn. Những năm trước, sản lượng rắn hổ mang thương phẩm của xã khoảng 300 tấn/năm; trứng rắn nhiều vô kể. Ước tính doanh thu từ nuôi rắn hổ mang của toàn xã lên tới 250 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận thu về từ con rắn được nhiều bà con dùng để xây dựng nhà cửa, cải thiện cuộc sống, đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động giao thương đều bị đình trệ. Không bán được rắn, thiếu vốn sản xuất, nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh lao đao, bởi hàng ngày vẫn phải gồng mình lo chi phí thức ăn cho rắn, tiền điện, tiền lãi ngân hàng... Ước tính, các hộ nuôi rắn trên địa bàn đang vay khoảng 400 tỷ đồng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong đó, dư nợ cho vay của Quỹ TDND xã lên tới 70 tỷ đồng”.
Nhằm khắc phục những thiệt hại, cũng như hỗ trợ, động viên các hộ nuôi rắn yên tâm sản xuất, bảo tồn đàn rắn hổ mang bố mẹ và thương phẩm hiện có, UBND xã Bạch Lưu và xã Vĩnh Sơn khuyến cáo bà con không nên tăng đàn trong thời điểm này. Đồng thời, gửi công văn đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí mua thức ăn duy trì đàn rắn; giãn nợ, giảm lãi suất nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người chăn nuôi rắn vượt qua khó khăn. |