Các cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng, thậm chí 200 tỷ đồng/ngày đang xuất hiện "như cơm bữa". Cổ phiếu thi nhau tạo thanh khoản kỷ lục cho thấy thị trường đang có lượng tiền cực kỳ dồi dào.
FPT tích lũy đi ngang tại đỉnh lịch sử tháng 11/2019 trong hơn 4 tuần rồi đột nhiên bùng nổ. Đóng cửa hôm nay FPT tăng 3,91% lên đỉnh lịch sử mới ở 53.200 đồng. Khối lượng giao dịch gần 5,77 triệu cổ tương đương 304,7 tỷ đồng giá trị cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 5/2020.
Kết quả kinh doanh của FPT không có gì đặc biệt vì công ty này công bố hàng tháng. Tuy nhiên thanh khoản bình bình kéo dài không thể hiện phản ứng khác biệt nào của thị trường. Đột nhiên hôm nay lực cầu vào rất mạnh đẩy giá vượt đỉnh. FPT bắt đầu "lên đồng" từ khoảng 10h30, giá từ tham chiếu 51.200 đồng đùng đùng tăng lên 53.900 đồng chỉ trong chưa đầy 5 phút. Mức tăng tối đa này trên tham chiếu tới 5,27%.
Không rõ lý do FPT thu hút được lực cầu đột biến như vậy, nhưng phần lớn thời gian còn lại là tranh chấp giằng co mua bán ở vùng giá cao. FPT bị chặn đà tăng, thậm chí ép xuống dần về cuối phiên, dù mức tăng so với hôm qua vẫn rất ấn tượng. Không có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài tại FPT.
Hai cổ phiếu đình đám nhất các phiên trước là MSN và TCB đã nguội đi nhiều, chỉ còn thanh khoản là đáng chú ý. TCB giảm giá 0,88% với lượng giao dịch gần 27,1 triệu cổ, trị giá 620,2 tỷ đồng, lớn nhất thị trường. MSN lao dốc giảm 1,36% với thanh khoản chừng 6,5 triệu cổ tương đương 517,8 tỷ đồng, đứng thứ hai.
Cả hai mã này đều có thanh khoản rất cao, tương đương hôm qua nhưng giá yếu hơn. Đó có thể là hiệu ứng của việc chốt lời. Khối ngoại thỏa thuận nội bộ lớn ở TCB còn giao dịch khớp lệnh chủ đạo vẫn là nhà đầu tư trong nước. MSN xuất hiện lực bán lớn từ khối ngoại với tổng bán ra tới 3,25 triệu cổ xấp xỉ 50% tổng lượng giao dịch trong ngày. Như vậy MSN đã ghi nhạn phiên giảm giá đầu tiên sau 9 phiên tăng liên tục cực kỳ ấn tượng tới 50%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay nhiều mã phản ứng với kết quả kinh doanh và tăng giá mạnh: CTG tăng 3,66%, MBB tăng 1,42%, HDB tăng 0,81%, VPB tăng 2,29%, TPB tăng 0,6%. Tuy nhiên ngay cả nhóm này cũng gặp lực bán chặn rất lớn. CTG có giá mạnh nhất với thanh khoản cao nhất nhóm tăng nhưng cũng giống FPT, chủ đạo là nhịp tăng sớm đầu phiên còn sau đó tụt dần, để mất xấp xỉ 1% so với giá đỉnh. VPB đóng cửa cũng rất khỏe và thanh khoản tính theo giá trị là cao nhất kể từ đỉnh tháng 5 vừa qua, nhưng giá thậm chí tụt giảm tới 1,8% so với đỉnh ngay đầu phiên.
Nhóm ngân hàng giảm là VCB giảm 0,45%, TCB giảm 0,88%, STB giảm 0,72%, BID giảm 0,12%, EIB giảm 1,42%. Tính về vốn hóa, duy nhất CTG là hỗ trợ được cho VN-Index còn vài mã tăng tốt như VPB, FPT, PNJ mức ảnh hưởng không đáng kể. Nhóm trụ còn lại gần như mất hiệu lực khi chỉ có GAS tăng 0,53%, VIC tăng 0,1%, còn lại VHM, VNM, SAB đều giảm.
Ngoài số ít cổ phiếu gây bất ngờ, thị trường chung hôm nay tiếp tục diễn biến yếu đi. VN-Index tăng không đáng kể 0,54 điểm mà cũng chỉ nhờ diễn biến vài phút cuối. Độ rộng của chỉ số này kém đi nhiều khi số mã giảm giá tăng cao còn số tăng giá lại ít đi. Vn30-Index tăng 0,27%, Midcap giảm 0,04% và Smallcap giảm 0,49%.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì quy mô bán ra cực lớn và tiếp tục bán ròng. Sàn HSX hôm nay ghi nhận tổng giá trị bán tới 1.280 tỷ đồng trong khi chỉ mua hơn 856 tỷ đồng. Rổ VN30 bị bán ròng 320 tỷ, tập trung vào MSN, CTG, VPB, POW, STB, BID. Phía mua ròng cũng có vài blue-chips lẻ tẻ là VCB, VIC, VNM. CII, HSG, HBC cũng là các mã bị bán ròng cực lớn. Tính chung tuần này, cổ phiếu sàn HSX bị rút ròng trên 1.600 tỷ đồng.
Trong 20 cổ phiếu thanh khoản nhất hai sàn phiên này (đều khớp tối thiểu trên 100 tỷ đồng) thì một nửa là đóng cửa dưới tham chiếu. 20 mã này chiếm 57,4% tổng giá trị khớp lệnh chung.