Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGI) vừa được công bố, nhằm cung cấp những bằng chứng xác thực với số liệu phù hợp, đáng tin cậy, nhất quán có thể so sánh quốc tế và dễ tiếp cận để theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững .
Bộ chỉ tiêu thống kê nêu rõ các mục tiêu cụ thể như: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; xóa đói đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp bền vững; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm, bền vững, tăng cường đổi mới sáng tạo…
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, mục tiêu của bộ chỉ tiêu VSDGI là không để ai bị bỏ lại phía sau và đảm bảo nỗ lực tập trung vào giải quyết sự bất công trong xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 chấm dứt tình trạng thiếu đói, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp.
Có một số chỉ tiêu đã có trong hệ thống chỉ tiêu Bộ, ngành, nhưng còn nhiều chỉ tiêu mới, phải lồng ghép việc thu thập các chỉ tiêu được phân công này vào các cuộc điều tra hoặc chế độ báo cáo thống kê của Bộ ngành. Khi đó, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện vai trò hướng dẫn chuyên môn, điều phối và thẩm định, ông Lâm cho hay.
Ông Martin Hoppe - Tham tán Phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, cho rằng phát triển bền vững được coi là nguyên tắc định hướng cho các chính sách quốc gia, trong đó tăng trưởng xanh là nội dung trọng tâm trong phát triển bền vững.
Để giám sát, đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh cần có các chỉ tiêu phản ánh. Tuy nhiên từ trước đến nay, chưa có 1 hệ thống chỉ tiêu nào bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu phản ánh tăng trưởng xanh để đánh giá mà được lấy từ nhiều nguồn số liệu rời rạc, không đầy đủ. Do đó, ông Martin Hoppe đánh giá, Bộ Chỉ tiêu VSDGI đã xây dựng rất nhiều chỉ tiêu phản ánh tăng trưởng xanh, đây sẽ là căn cứ quan trọng để giám sát, đánh giá về tăng trưởng xanh ở Việt Nam như: các chỉ tiêu về năng lượng tái tạo; các chỉ tiêu về môi trường; lượng phát thải khí nhà kính; các tỷ lệ xử lý chất thải, nước thải; chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh: Việt Nam đã nỗ lực to lớn để xây dựng và hoàn thành Bộ chỉ tiêu thống kê Phát triển bền vững. Các tổ chức UN luôn đồng hành với chính phủ Việt Nam trong suốt chặng đường xây dựng xây dựng kế hoạch hành động và các chỉ số phát triển bền vững.
“Hỗ trợ của chúng tôi tập trung vào tư vấn, nâng cao năng lực cho các đối tác Việt Nam trong cung cấp các bằng chứng số liệu có chất lượng cho tư vấn và xây dựng chính sách. Những hỗ trợ này luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, hỗ trợ người dân thực hiện các quyền cơ bản của mình trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất”, bà Astrid Bant nói.
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, những nội dung cơ bản của Bộ chỉ tiêu thống kê Phát triển bền vững của Việt Nam gồm 158 chỉ tiêu phản ánh 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, trong đó: 38 chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định tại Luật Thống kê 2015; 112 chỉ tiêu tương tự 101 chỉ tiêu phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu; 140 chỉ tiêu thống kê có lộ trình A (thực hiện từ năm 2019); 18 chỉ tiêu thống kê có lộ trình B (thực hiện từ năm 2025)…/.