Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, đến cuối tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định và có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022. Tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Sau công bố từ Ngân hàng Nhà nước, ngày 8/3 có thêm TPBank công bố giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm.
Lãi suất cơ sở giảm đáng kể
Thực tế khảo sát của chúng tôi tại thời điểm ngày 9/3 cho thấy đã có nhiều nhà băng giảm lãi suất cơ sở - lãi suất để tính lãi suất cho vay.
Tại Sacombank , lãi suất cơ sở cao nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn, của khách hàng cá nhân giảm từ mức 10,4% hồi cuối tháng 2 xuống còn 10%/năm, áp dụng từ ngày 6/3.
Tại SeABank , lãi suất cơ sở đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ của khách hàng cá nhân hiện đang là 11%/năm, giảm 1% so với lần cập nhật trước.
Tại Techcombank , từ ngày 09/3/2023, lãi suất cơ sở đối với các gói vay của khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn 1-12 tháng áp dụng ở mức 10,23-11,53%/năm.
VPBank cũng đã cập nhật lãi suất cơ sở đối với các doanh nghiệp lớn. Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn dưới 1 năm là 10,2-11%/năm.
Với TPBank , lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân là 10,25 -11,75%/năm; với doanh nghiệp là 9,55-10,65%/năm.
Các khoản vay trước 2019 đang được VIB áp dụng mức lãi suất cơ sở 11,5%. Với các dư nợ được giải ngân từ 2019, con số sẽ dao động từ 9,3-11,7%/năm.
SHB cũng đang áp dụng lãi suất cơ sở từ 10,7-11%/năm đối với các khoản tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có kỳ hạn dưới 12 tháng.
Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ kinh doanh từ 3-4%. Với các đợt điều chỉnh lần này, gánh nặng lãi vay của các khách hàng trong giai đoạn thả nổi được kỳ vọng sẽ nhẹ hơn đáng kể.
Nhiều gói tín dụng ưu đãi
Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói vay với lãi suất ưu đãi.
Như BIDV vừa tung ra 2 gói tín dụng 100.000 và 30.000 nghìn tỷ với lãi suất từ 8-10,9% để hỗ trợ khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh.
Tại ACB , từ 23/02 bắt đầu triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Theo đó, khách hàng đủ điều kiện sẽ được giảm lãi suất từ 1-3%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đưa ra các gói tín dụng lớn để hỗ trợ thị trường như Agribank có chương trình giảm 3% cho khách hàng có dư nợ kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. VietinBank đang triển khai gói 100.000 tỷ hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm.
Techcombank cũng có chương trình giảm lãi suất 2% cho các khách hàng hiện hữu, với giá trị 30.000 tỷ đồng.
TPBank thì có 2 gói tín dụng tổng trị giá 11.000 tỷ để hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi dành cho các khoản vay bằng VND chỉ từ 7,5%.
Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm sau khi lãi suất huy động hạ nhiệt
Gần đây các ngân hàng đã đồng thuận kéo giảm lãi suất huy động. Tại thời điểm ngày 9/3, khảo sát của chúng tôi cho thấy chỉ còn vài ba ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất trên 9%, thay vì mức 9,5 - 10%, thậm chí 11% như trước.
Theo giới chuyên gia, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, mặc dù lãi suất huy động đã giảm ít nhiều, nhưng lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào cung cầu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng khi thấy rủi ro tín dụng cao, có thể họ yêu cầu NIM chênh lệch huy động cao để có dư địa, sau đó trích lập dự phòng.
Để giảm lãi suất cho vay trở thành xu hướng và trên diện rộng, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng ngành ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.