Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, toàn bộ công nhân Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm đã có mặt đông đủ để bước vào năm làm việc mới. Không có tình trạng nhảy việc, xin nghỉ việc để có điều này không dễ nhất là năm 2023 được dự đoán là năm nhiều khó khăn đối với ngành dệt may.
Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cho biết, đây là sự nỗ lực cũng như chủ động rất lớn từ phía Tập đoàn. Không chỉ nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới mà còn chấp nhận bù giá để duy trì và tạo việc làm ổn định cho người lao động. “Nếu như những năm 2021 và nửa đầu năm 2022 chúng tôi được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty thì từ cuối năm 2022 đến nay là có đơn hàng nào nhận đơn hàng đó. Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác “ép giá” hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn buộc phải kí để duy trì sản xuất” - ông Trịnh chia sẻ.
Cũng theo ông Trịnh, hiện nay đơn hàng công ty kí đến tháng 4/2023 song theo tính toán công ty không có lãi thậm chí lỗ nhưng đổi lại giữ ổn định sản xuất, giữ chân người lao động. “Thông thường bước vào quý 2 sẽ là cao điểm đơn hàng trong khi đó ngành dệt may có đặc thù riêng dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất. Hy vọng bước sang quý 2 tình hình sẽ khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị “ép giá” - ông Trịnh nói.
Để giữ được nguồn nhân lực, dù trước Tết gặp khó khăn bị ép giá song May Hồ Gươm vẫn thực hiện chính sách lương, thưởng tết cho người lao động đầy đủ thậm chí còn nhỉnh hơn so với năm trước. Sau kỳ nghỉ tết, 100% người lao động nhận được hỗ trợ 30 ngàn đồng/ngày. Nhờ chính sách phúc lợi tốt, 100% công nhân đã quay trở lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, theo ông Trịnh, nếu khó khăn về đơn hàng kéo dài doanh nghiệp rất khó đủ lực để bù giá. Không có đơn hàng sản xuất cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải nghỉ việc điều này không chỉ áp lực với DN mà còn là gánh nặng an sinh với nhà nước rất lớn khi số lao động thất nghiệp gia tăng.
Tại Hà Nội, thống kê của Liên đoàn lao động thành phố cho thấy, tính đến 11 giờ ngày 30/1/2023 (mùng 9 Tết), 99,2% DN đã mở xưởng để sản xuất, với 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc. Trong đó ngành dệt may có 67,74% DN mở cửa sản xuất, với 69,06% công nhân lao động quay trở lại làm việc, do các DN thiếu đơn hàng sản xuất. Điều này cho thấy những khó khăn của DN dệt may rất lớn.
Bà Lê Hoàng Anh - Giám đốc Nhà máy Sợi Vinatex Phú Cường cho biết, sau kỳ nghỉ tết nhà máy đã bắt tay ngay vào sản xuất. Số lao động quay trở lại làm việc đạt trên 95%, đơn hàng ký đến hết quý 1/2023. Năm 2023, Phú Cường phấn đấu đạt trên 5 tỷ đồng lợi nhuận, tiếp tục đảm bảo và nâng cao đời sống, việc làm cho người lao động.
Trong khi đó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết, quý 1 năm nay số đơn hàng giảm từ 25 đến 27% do sức mua toàn cầu giảm, DN làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu... Hiện các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, DN chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn nhằm giữ nhịp độ sản xuất.
Dù dự báo sẽ có nhiều khó khăn, nhưng theo ông Giang, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may - da giày giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035". Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ DN, theo đó tiếp tục duy trì chính sách thuế VAT 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho DN chậm đóng bảo hiểm xã hội 1 - 2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, than, vận tải, xăng dầu, dịch vụ cảng biển đối với DN sử dụng nhiều lao động...
Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu thuận lợi cả năm nay và có thể đạt kim ngạch 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Hiện, ngành dệt may đã chủ động từ khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu.