Theo thông tin từ CTCP Dệt May – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), doanh thu công ty mẹ đạt hơn 8,6 triệu USD (gần 200 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế trên 411.000 USD (tương đương hơn 9,5 tỷ đồng.
So với con số doanh thu 17,8 triệu USD doanh thu và 1,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của TCM trong tháng đầu năm nay giảm mạnh chỉ bằng 1/2 con số hồi tháng 1/2019, lợi nhuận sau thuế giảm đến 63%.
Giải trình, TCM cho rằng tháng Giêng rơi vào đợt nghỉ tết 10 ngày. Bên cạnh đó, năm 2019 dịp Tết rơi vào tháng 2 dương lịch trong khi Tết năm nay rơi vào tháng giêng nên ghi nhận kết quả kinh doanh cùng kì có phần chênh lệch.
Năm 2019, TCM đạt doanh thu thuần hợp nhất 3.644 tỷ đồng, gần như đi ngang năm 2018. Lợi nhuận sau thuế gần 217 tỷ đồng, giảm gần 17%. So với kế hoạch doanh thu và lãi ròng, Công ty thực hiện khoảng 92% và 88%.
Mặc dù chưa công bố con số kế hoạch 2020 cụ thể, trong bản tin mới nhất, TCM hé lộ mục tiêu đạt doanh số 300 triệu USD sau năm 2019, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng. Có thể thấy đây là một tham vọng lớn của TCM những năm tiếp theo.
Điểm qua về thị trường may mặc, điểm sáng mới nhất vào tối 12/2 (theo giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA) với 401 phiếu thuận (tỷ lệ 63,33%), 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng đã được bỏ phiếu thông qua.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Trong đó với hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Nhưng, ngắn hạn dịch virus Corona đang tác động tiêu lực lên doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong khi nguồn cung chủ lực từ Trung Quốc đang ngưng trệ. Theo các chuyên gia trong ngành, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc, việc xảy ra dịch virus Corona đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng, nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng.
Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây