Dệt may tăng trưởng âm so với cùng kỳ
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, kim ngạch xuất khẩu của ngành có cải thiện được hay không vẫn phải trông chờ vào việc xử lý dập dịch của thế giới. Trong điều kiện này, doanh nghiệp dệt may nào bám trụ lại được là cả một sự nỗ lực rất lớn.
Bởi, theo ông Trường, xuất khẩu dệt may 3 tháng qua dù chưa rơi vào khủng hoảng, sụt giảm đơn hàng quá mức, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 thì đã tăng trưởng âm, chỉ đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ và đến hết quý II này, các doanh nghiệp mới thực sự “ngấm đòn” vì bị hủy, hoãn đơn hàng.
Hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019.
“Ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 6.800 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động. Quy mô tiêu thụ của toàn ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD, trong đó năng lực tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 5 tỷ USD, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu. Đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đã khiến ngành dệt may Việt Nam rơi vào khó khăn do thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất. Mới đây, các đối tác tại thị trường Mỹ và EU tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng, nên khó khăn sẽ càng chồng khó khăn. Có thể, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp không bám trụ được”, ông Trường nói thêm.
Tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhiều đơn hàng đã ký từ trước tết bị hủy hoặc tạm ngưng. Không có đơn hàng, đơn vị này phải tạm dừng hoạt động sản xuất một phần. Từ đầu tháng 4 đến nay DN này đã phải cho công nhân luân phiên 1 ngày làm/1 ngày nghỉ và chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất 500.000 chiếc/ngày để giữ chân lao động trong lúc trống đơn hàng.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, kỳ vọng đầu ra khẩu trang vải tốt thì sẽ tổ chức cho công nhân đi làm toàn thời gian trở lại.
“Từ đầu tháng 4, chúng tôi đã tiến hành sản xuất khẩu trang, với 3 nhà máy tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM, công suất mỗi ngày khoảng 500 nghìn cái. Đây là sản phẩm trái ngành trái nghề, nhưng là trách nhiệm đóng góp với cộng đồng. Ngay từ đầu doanh nghiệp chúng tôi xác định chỉ lấy đủ tiền vốn, trong đó có nguyên liệu và tiền điện tiền công nhân, còn lại là… free (miễn phí-PV) hết”, ông Việt chia sẻ.
Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu khẩu trang vào đầu tháng 4, Việt Thắng Jean bắt đầu sản xuất sản phẩm này, cung cấp một phần cho nhu cầu trong nước và phần lớn để xuất khẩu. Nhờ rẽ hướng kịp thời, Việt Thắng Jean giải quyết được việc làm cho 1.000 công nhân.
"Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, không có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Do đó, việc duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Nếu bây giờ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc thì hàng trăm nghìn con người sẽ đi đâu, làm gì và khi vượt qua được khủng hoảng, doanh nghiệp làm cách nào để tuyển được lao động khôi phục sản xuất là câu hỏi chưa ai trả lời được", ông Phạm Văn Việt bày tỏ lo ngại.
Kế hoạch xuất khẩu 4 tỷ USD điều sẽ không đạt được
Huyện Đức Linh (Bình Thuận) có diện tích trồng điều gần 10.000 ha, mọi năm huyện xuất khẩu đi Trung Quốc 60 - 80% sản lượng hạt điều.
Ông Lê Văn Năm, chủ công ty chế biến điều ở huyện Đức Linh, người tiêu dùng ở Trung Quốc thường ưa chuộng hạt hạnh nhân hơn hạt điều. Dịch Covid-19 khiến giá hạnh nhân giảm. Người tiêu dùng Trung Quốc lại càng giảm mạnh việc tiêu thụ hạnh nhân khiến hạt điều lâm tình cảnh dư nguồn cung và giá cả khó cạnh tranh.
Mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD điều năm nay khó đạt được
Công ty của ông Năm do thiếu đơn hàng từ các đơn vị xuất khẩu điều đi Trung Quốc nên đành chọn giải pháp chế biến thủ công thay vì sử dụng 90% máy móc để giảm chi phí điện vừa giữ chân lao động.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, Hội nghị Điều quốc tế năm 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 3 nhưng phải lùi lại đến tháng 6, cuối cùng phải lùi hẳn sang năm 2021. Việc tổ chức Đoàn khảo sát, xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc (thuộc Chương trình XTTM quốc gia) cũng phải tạm gác lại.
"Dù yếu hơn nhưng DN bất động sản phải gánh trên lưng 100kg” “Hầu hết các DN đang còn hoạt động đều đang gồng mình chịu đựng để vượt qua khó khăn này, còn đối với các DN bất động sản khi mà thị trường đã chậm thanh khoản, giá trị giảm từ Quý 2/2019 đã là một thách thức thì nay thách thức thêm bội phần. Doanh nghiệp ví như một người lúc trước đang phải gồng gánh trên mình chỉ 50kg thì nay cũng từng đó sức lực hoặc thậm chí yếu hơn nhưng phải gánh đến cả 80kg hay 100kg, thì thời gian các DN chịu đựng sẽ có giới hạn… Dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đối với Cty Đất Xanh miền Trung, trong đó công tác bán hàng sự kiện không triển khai được, thu hồi công nợ chậm và không thu được. Các công trình thi công tại các dự án bị chậm lại. Hàng hóa trang thiết bị nội, ngoại thất nhập từ châu Âu bị ngừng thông quan nên các hoạt động khai trương và tiến độ chậm lại ít nhất 14 ngày” - Ông Trần Ngọc Thái - Giám đốc Khối đầu tư & Phát triển quỹ đất của Công ty CP Đất Xanh Miền Trung |
Trong dịch, nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ giới hạn việc đi lại của người dân. Nhu cầu vận chuyển gặp khó khăn. Một số chuyên gia và nhà chế biến cho rằng giá nhân điều sẽ giảm hơn nữa. Giá hạt điều thô cũng tiếp tục giảm và ít người mua.
Sau dịch, với sự tàn phá nặng nề đến nền kinh tế thế giới, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hạt điều là thực phẩm phụ, sẽ giảm sút lượng tiêu thụ so với trước.
“Dịch Covid-19 làm lượng điều nhân xuất khẩu và giá sẽ giảm mạnh. Kế hoạch 4 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 của ngành điều Việt Nam sẽ không thể đạt được”, ông Công nói.
Theo đó, Ban Thường vụ Vinacas khuyến cáo hội viên và các doanh nghiệp trong ngành, nếu chưa có hợp đồng đầu ra hay chưa cân đối được chi phí với giá bán thì chưa vội mua điều thô.
Cần đánh giá tình hình thị trường, tác động của dịch bệnh, khả năng thực tế của doanh nghiệp trước khi quyết định ký hợp đồng mua bán cũng như dự trữ nguyên liệu, thành phẩm trong kho.
Đồng thời, để giữ và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, Vinacas kêu gọi các doanh nghiệp, trong điều kiện của mình, cố gắng mua điều thô cho nông dân trong nước.
Nguồn cung tôm sụt giảm mạnh
Với ngành thủy sản, theo TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vasep, Trung quốc và Ấn Độ đang phong toả quy mô quốc gia khiến chuỗi cung ứng con tôm bị gián đoạn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu lao động cho nuôi lẫn chế biến. Khả năng hai quốc gia này giảm sản lượng tôm rất lớn, ít ra 20%. Nếu tình hình Covid kéo dài hết quý II, mức sụt giảm sẽ cao hơn.
Indonesia, Ecuador, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức độ nhẹ hơn nhưng đều bị tác động trong nuôi lẫn chế biến. Sản lượng tôm không thể tăng mà chỉ giảm, dù ít hay nhiều.
Việt Nam thực hiện phong toả xã hội trong thời gian ngắn nhưng cũng khiến nhiều người nuôi lo âu về đầu ra.
Mặt khác, hiện nay thời tiết khá khắc nghiệt, tôm dễ bị nhiễm bệnh, khiến người nuôi tôm chùng tay, ít dám thả nuôi giai đoạn hiện nay. Nhìn chung, nguồn cung tôm năm 2020 thế giới giảm khá mạnh so năm trước.
Về nhu cầu: Covid-19 đang làm hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu lao động các nước tiên tiến thất nghiệp. Một số không nhỏ lao động giảm thu nhập vì giảm việc.
Nếu Covid-19 được giải quyết cơ bản cuối quý II, kinh tế thế giới sẽ hồi phục, có thể lan toả qua lĩnh vực tiêu dùng dù thu nhập chưa hồi phục ngay. Nếu Covid-19 kéo dài đến cuối năm, kéo dài thời gian phải ở nhà, làm sức tiêu thụ càng giảm, kể cả thực phẩm thiết yếu. Vì hạn chế thu nhập, người dân phải tiết kiệm mọi chi tiêu.
Ngành tôm Việt Nam đối mặt với áp lực nguồn cung
Tình hình ở trong nước, thời tiết là yếu tố tác động nhiều nhất sắp tới đây vì tháng 5 là tháng cao điểm thả nuôi tôm. Thông thường, tới đầu mùa mưa thời tiết luôn mát dịu, nhiệt độ ngày đêm không còn chênh lệch nhiều, người nuôi sẽ an tâm thả giống nhiều hơn. Vì thế, Covid-19 vẫn là mối quan tâm nhiều nhất tới cung cầu và giá tôm.
Nếu Covid-19 được khống chế sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước do trình độ chế biến của VN cao. Sản phẩm sẽ sớm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. Nhà chế biến và người nuôi có thể chia sẻ nhau.
"Nếu tình huống Covid-19 kéo dài, người nuôi sẽ giảm việc thả nuôi tôm giống. Vì thế, dù mức cung trong nước sẽ giảm nhưng do giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung thì giá tôm cũng không giảm nhiều. Tóm lại, Covid-19 có tác động tới giá tôm nhưng không lớn, dù Covid-19 tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, sẽ không nhiều nhưng xu thế giá tăng là xu thế mạnh hơn", TS Hồ Quốc Lực nói.
LTS: Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 bằng những giải pháp đúng đắn và quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra. Với kết quả này, hiện các ngành nghề kinh tế cũng đang bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 sau khi bị dịch bệnh này giáng những đòn nặng nề. Chính phủ cũng đã kịp thời đưa ra những gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, ngành nghề nhắm thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, muốn nền kinh tế "bật như lò xo" sau dịch, muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá thì phải hành động quyết liệt và khôn ngoan. Điều này sẽ là thách thức không nhỏ cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế. Ngoài ra, để "chữa trị" cho một nền kinh tế bị tổn thương, ngoài những liều thuốc đặc hiệu, Chính phủ cũng cần thêm sự quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là lợi dụng chính sách hỗ trợ để ăn chặn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân... Loạt bài "Liều thuốc đặc hiệu cho kinh tế thời hậu Covid-19?" sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn khá toàn diện về những hậu quả nặng nề doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu do Covid-19 gây ra, họ đã chuẩn bị những gì sau thời gian "ngủ đông" vừa qua, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc hồi phục lại nền kinh tế, đề xuất của các chuyên gia về những "liệu thuốc" đặc hiệu - giải pháp cấp bách, cần thiết ngay lúc này. Xin mời bạn đọc đón xem trên Dân Việt. |