Hiện nay, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN dệt may đang định vị lại và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Thị trường nội địa tuy rất tiềm năng, nhưng thời gian qua nhiều nhãn hàng thời trang lớn của thế giới đã có mặt, khiến sự cạnh tranh giữa DN nội và ngoại ngày càng khốc liệt.
Bán hàng theo nhiều cách
Năm 2022, Công ty Việt Thắng Jean, một trong những DN dệt may xuất khẩu lớn của Việt Nam, giảm 30- 70% đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Hiện nay, DN này chỉ sản xuất khoảng 80% công suất. Việt Thắng Jean đang đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa bằng cách bán hàng trực tiếp qua 20 cửa hàng trong cả nước và 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean (người ngồi ngoài cùng bên trái) trao đổi với nhân viên thiết kế về sản phẩm cho thị trường nội địa.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết, nhờ có kinh nghiệm sản xuất cho các nhãn hàng lớn, có nguồn nguyên liệu tốt, đội ngũ thiết kế am hiểu thị trường nội địa nên sản phẩm denim của Việt Thắng Jean hiện cạnh tranh khá tốt với các thương hiệu ngoại tại Việt Nam. Doanh thu thị trường nội địa của doanh nghiệp này tăng trưởng đến 300%.
“Cách kinh doanh bây giờ không giống ngày xưa là mở cửa hàng rộng khắp, bây giờ DN chỉ tập trung mở cửa hàng ở TP.HCM để trải nghiệm, còn lại sẽ bán online, qua website của DN và qua các sàn thương mại điện tử. DN tập trung bán hàng livestream để sản phẩm tiếp cận trực tiếp khách hàng nhanh, đồng thời tổ chức bán hàng qua KOLs để tăng độ nhận diện và đa dạng phong cách”, ông Việt cho biết.
Không chỉ Việt Thắng Jean, nhiều DN xuất khẩu dệt may đang định vị lại, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Công ty May Nhà Bè, Công ty May An Phước…phát triển thêm mạng lưới bán hàng trong nước.
Sau khi mở chuỗi cửa hàng Viettien House tại thị trường nội địa, mới đây, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến khai trương Viettien Mall ở Quận 12 với tổng diện tích 2.000m2, tạo điểu kiện trải nghiệm, lựa chọn cho khách hàng. Tổng Công ty May 10 cũng liên tục mở cửa hàng mới và ra mắt các nhãn hàng thời trang mới cho từng phân khúc khách hàng trong nước.
Tăng thị phần nội địa không dễ
Nhiều hãng thời trang ngoại cũng tăng cường mở rộng thị trường ở Việt Nam. Mới đây, một số thương hiệu thời trang lớn của Hàn Quốc, Italy đã xuất hiện và thu hút giới trẻ quan tâm. Trước đó, hàng chục thương hiệu thời trang nước ngoài, từ hàng trung bình đến cao cấp như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo …cũng đã có mặt tại Việt Nam, chiếm lĩnh các vị trí đắc địa tại các đô thị lớn.
Chị Huỳnh Tuyết thường mua quần áo thời trang chia sẻ, hàng của Việt Nam không đa dạng nên rất khó để bắt trend kịp với thương hiệu nước ngoài. So về giá có thể rẻ hơn Zara, Uniqlo… nhưng thời trang Việt Nam thường may theo kiểu truyền thống, không đa dạng. “Trong khi hàng nhập khẩu mẫu mã luôn mới, cập nhật liên tục, còn hàng trong nước có khi người ta ra mẫu mã mới vẫn chưa ra kịp”, chị Tuyết nhận xét.
DN trong nước có lợi thế hiểu thị trường và văn hóa tiêu dùng nhưng tiềm lực tài chính mỏng, khó cạnh canh với DN ngoại. Thêm vào đó, từ trước tới nay có đến 80% DN dệt may nội địa sản xuất hàng hóa xuất khẩu, gia công hoặc mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB) nên giờ trực tiếp bán hàng, phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa gặp khó khăn. Khi DN xây dựng thương hiệu ở thị trường nội địa, tự thiết kế mẫu mã, khó theo kịp xu hướng thời trang thay đổi liên tục.
Các nhãn hàng thời trang của DN nước ngoài liên tục cập nhập mẫu mới, đáp ứng thị hiếu giới trẻ. Ảnh: Lệ Hằng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại phía Nam cho rằng, DN nội phải thay đổi cách kinh doanh, nếu cứ làm theo cách truyền thống sẽ không thể cạnh tranh được với DN ngoại.
“DN may phải có bộ phận thiết kế tốt, có đội ngũ biết tìm nguồn vải phù hợp để làm ra sản phẩm mang thương hiệu riêng. DN xác định cạnh tranh với thương hiệu quốc tế ngay tại Việt Nam, bởi vì họ hiểu biết thị trường nội địa còn hơn cả người Việt Nam. Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, DN cần phải có đội ngũ riêng chuyên bán hàng thương mại điện tử và bộ phận này không thể có quy mô nhỏ”, bà Mai chỉ rõ.
Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may với nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, thị trường trong nước với 100 triệu dân đang là “miếng bánh ngon”. Để chiếm lĩnh thị trường nội địa. DN phải nhanh chóng nắm bắt, đáp ứng xu hướng thời trang, thiết kế tốt, xây dựng thương hiệu, marketing chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối...