Dệt may là một trong ít những ngành sản xuất cán đích sớm trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này cao hơn cả khi có dịch COVID-19 xuất hiện. Đây được coi là một nỗ lực rất lớn, trong bối cảnh các nhà máy phía Nam phải đóng cửa trong nhiều tháng.
Đáng chú ý, năm 2021 xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 9 tỷ USD. Trong đó, những đối thủ xuất khẩu dệt may như Bangladesh hay Myanmar cũng đã nhập khẩu vải và xơ sợi của Việt Nam.
Năm 2020, 2021, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU - EVFTA, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được đánh giá là đi vào có hiệu lực ở một thời điểm rất kịp thời, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường thuận lợi hơn.
"Những hiệp định giống như một hành lang để các doanh nghiệp của chúng tôi tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu vào các nước. Ví dụ các khách hàng ở thị trường Anh hiện nay đã đặt hàng sản xuất kín hết năm 2022", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay.
Dệt may là một trong ít những ngành sản xuất cán đích sớm trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Liên kết chuỗi yếu lâu nay vẫn là vấn đề mà ngành dệt may trăn trở. Tuy nhiên, để ứng phó với dịch COVID-19, doanh nghiệp đã buộc phải tăng cường liên kết, để nâng cao sức mạnh toàn ngành.
"Quan hệ phối hợp giữa các doanh nghiệp ngành dệt, nhuộm và may đáp ứng được điều khoản trong các hiệp định thương mại, tạo ra một mô hình chia sẻ cac đơn hàng với nhau. Trong bối cảnh dịch, những đơn vị tại các tỉnh thành phía Nam đã được hỗ trợ của các doanh nghiệp Bắc miền Trung và miền Bắc", ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Sự "chuyển mình" ấn tượng của doanh nghiệp dệt may đã đóng góp tích cực cho thành tích tăng trưởng của ngành dệt may năm 2021, tạo tiền đề phát triển cho năm 2022.
Kỳ vọng của doanh nghiệp dệt may năm 2022
Năm 2022 chuyên gia dự báo, tổng kim ngạch thương mại dệt may toàn cầu sẽ hồi phục hoàn toàn với khoảng trên 700 tỷ USD.
Ngành dệt may có cơ hội duy trì đà tăng trưởng nhưng cùng với đó doanh nghiệp cũng vẫn cần chuẩn bị cho những nguy cơ tiềm ẩn do dịch COVID-19 bởi đây là ngành thâm dụng lao động và phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng. Vậy doanh nghiệp ngành này đang kỳ vọng gì và có kế hoạch như nào trong năm 2022?
Kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành doanh nghiệp dệt may đã phục hồi mạnh mẽ. Ảnh minh họa - VGP.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói: "Chúng ta sẽ phấn đấu tăng trưởng cỡ khoảng 10% về kim ngạch xuất khẩu đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhưng trong đó hướng mạnh hơn về các cái sản phẩm nguyên liệu. Xuất khẩu sợi xuất khẩu vải sẽ dần dần có tỷ trọng cao hơn dệt may".
"Chúng tôi mong muốn của Chính phủ cần quan tâm hơn đó là hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, giá thuê đất, để kéo những doanh nghiệp, những đất nước có tiềm lực về ngành dệt, nhuộm họ vào sẽ tốt hơn cho chúng ta", ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Công ty CP May Hưng Yên bày tỏ.
Ông Phan Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro-Sports kỳ vọng: "Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ đưa ra những chính sách thực sự phù hợp để ủng hộ những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào phát triển bền vững. Chúng tôi chấp nhận chi phí bỏ ra nhiều hơn, chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng sẽ mang lại hình ảnh và thực sự mang lại những sản phẩm có giá trị gia tăng".