Mới đây trên tờ New York Times, từ những tài liệu được chia sẻ bởi tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung, đã đăng tải một bài viết tiết lộ ngân hàng Deutsche Bank đã hối lộ các quan chức cấp cao của Trung Quốc như thế nào để có thể làm ăn thuận lợi hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo bài viết, các món quà hối lộ đều là những thứ xa xỉ như 1 con hổ bằng pha lê và hệ thống âm thanh Bang&Olufen trị giá 18.000 USD, ngựa bằng pha lê giá 15.000 USD, chai rượu Château Lafite Rothschild giá 4.254 USD, tour chơi golf giá 10.000 USD, áo len cashmere, túi xách Louis Vuitton...
Hàng chục triệu USD đã được Deutsche Bank chi trả cho các cố vấn người Trung Quốc. 7 cố vấn được trả hơn 14 triệu USD một phần để giúp Deutsche mua cổ phần ở 1 ngân hàng Trung Quốc và giành được các hợp đồng béo bở với các tập đoàn nhà nước.
Hơn 100 con cháu, họ hàng thân thích của các quan chức đã được vào làm việc tại ngân hàng dù nếu tuyển dụng công bằng thì không ít người trong số này không đạt tiêu chuẩn. Theo ước tính của các luật sư bên ngoài, chỉ 19 nhân viên được tuyển dụng kiểu này đã giúp mang về cho Deutsche Bank 189 triệu USD doanh thu.
Đó là những gì ngân hàng Đức đã thực hiện khi theo đuổi chiến lược trở thành một "người chơi lớn" ở Trung Quốc, bắt đầu từ gần 2 thập kỷ trước, khi Deutsche Bank thậm chí chưa hề có mặt ở đây. Và chiến lược này đã tỏ ra hiệu quả. Đến năm 2011, Deutsche được Bloomberg xếp hạng là ngân hàng số 1 về các dịch vụ liên quan đến IPO trên thị trường Trung Quốc cũng như châu Á ngoại trừ Nhật Bản.
Các tài liệu mà Süddeutsche Zeitung tiếp cận được cho thấy hành vi của ngân hàng Đức tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì giới chức Mỹ công khai buộc tội, và tệ hơn là những lãnh đạo cấp cao nhất của Deutsche Bank đã được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục những hành động này. Năm 2012, trong cuộc phỏng vấn với tờ Times, CEO Josef Ackerman dù bác bỏ những chi tiết trong tài liệu nhưng vẫn bảo vệ cách hành xử của ngân hàng. "Đó là một phần của việc làm ăn ở đất nước này", ông nói.
Năm 2000, khi Ackermann được chọn là người sẽ trở thành CEO tiếp theo, tham vọng của ông là Deutsche Bank sẽ được công nhận là người dẫn đầu trên toàn thế giới. Và ông muốn làm điều đó thật nhanh. Trong khi đó Trung Quốc là thị trường rất quan trọng khi là nước đông dân nhất thế giới và đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên Deutsche Bank đang bị các đối thủ bỏ lại khá xa ở đây.
Khi đó Goldman Sachs và Morgan Stanley đang là những ngân hàng đi đầu trong việc giúp Trung Quốc hiện đại hóa hệ thống tài chính và cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước. Năm 1995, Morgan Stanley giúp đặt nền móng cho ngân hàng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc - China International Capital Corporation. Đến năm 1997, Goldman giành quyền mang China Telecom (khi đó là công ty điện thoại độc quyền ở Trung Quốc) ra thị trường quốc tế với vụ IPO ở Hong Kong.
Bước đầu tiên của Ackermann là "cướp" Lee Zhang từ Goldman Sachs, người khi đó đang là người đứng đầu văn phòng của Goldman ở Bắc Kinh. Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, du học ở Canada và sau này chuyển về California để làm việc cho tập đoàn máy tính HP và học ngành quản trị kinh doanh, Zhang am hiểu tường tận cả văn hóa kinh doanh của phương Tây và Trung Quốc.
Nhiệm vụ mà Zhang được giao phó là biến Deutsche Bank thành một tay chơi lớn ở Trung Quốc. Ông bắt đầu tuyển dụng ồ ạt, mà theo tài liệu thì hàng chục người được Zhang tuyển về là những người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm nhưng có các mối quan hệ và thân nhân rất tốt.
Có bố mẹ là lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước, Ma Weiji tham dự phỏng vấn tuyển dụng của Deutsche Bank năm 2007. Một lãnh đạo của Deutsche nói với ông Zhang trong email rằng "có lẽ Ma là một trong những ứng viên tệ nhất". Tuy nhiên Ma vẫn được nhận nhưng là để đảm bảo ngân hàng có thể làm ăn với công ty của bố mẹ cậu.
Kể cả đối với những ứng viên chất lượng cao thì các mối kết nối chính trị của họ vẫn luôn được xem xét. Wang Xisha, người có bố là 1 lãnh đạo của tỉnh Quảng Đông khi cô ứng tuyển năm 2010, đã từng làm việc tại UBS và thực tập tại Goldman Sachs. Tuy nhiên cô lại được nhận xét là "sẽ có thể giúp ngân hàng tiếp cận với 1 công ty ô tô quốc doanh".
Vài năm trở lại đây, Deutsche Bank liên tiếp mắc vào những vụ tai tiếng với những án phạt lên đến hàng tỷ USD từ các cơ quan quản lý ở nhiều nước trên khắp thế giới. Mới đây nhất, ngân hàng này bị điều tra với cáo buộc rửa tiền ở Nga. Tháng 8 vừa qua, Deutsche Bank đồng ý trả 16 triệu USD để giàn xếp với Ủy ban chứng khoán Mỹ về các cáo buộc cho rằng ngân hàng đã vi phạm luật chống hối lộ ở cả Nga và Trung Quốc.
Tim-Oliver Ambrosius, phát ngôn viên của Deutsche Bank, không phản hồi các câu hỏi của phóng viên về các tài liệu nói trên. Trong thông cáo mới phát đi, Deutsche cho biết đã "điều tra kỹ lưỡng và báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền" về những hành vi này, đồng thời đã "tăng cường kiểm soát và củng cố các chính sách". "Những sự kiện này đã diễn ra từ năm 2002 và đã được giải quyết", thông cáo viết.