Sáng nay (29/4), Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (ABB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Báo cáo trước đại hội, TGĐ ABBank - Lê Hải cho biết, năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.368 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch và tăng 11,3% so với năm 2019. Tổng tài sản ngân hàng đạt 116.267 tỷ đồng, tương đương 113,4% so với năm 2019. Nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,5%. RoA và RoE lần lượt đạt 1,4% và 16,5%.
Năm 2021, ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập lãi thuần đạt 20%, cao hơn mức 13,1% trong năm 2020.
Tổng tài sản đến thời điểm 31/12/2021 dự kiến đạt 120,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay tín dụng ước tăng 18% lên 81,7 nghìn tỷ đồng (sẽ điều chỉnh theo room tín dụng được NHNN cho phép).
Quy mô huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng 8% lên 87,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
CEO ABBank - ông Lê Hải cho biết, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng mạnh tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) để tăng NIM ngân hàng (Ảnh: Việt Hùng)
Ban lãnh đạo ABBank cho biết, trong năm nay, ngân hàng sẽ tập trung nguồn lực phát triển lĩnh vực bán lẻ; Tăng số lượng khách hàng cá nhân có giao dịch; Tăng số lượng sản phẩm sử dụng trung bình trên 1 khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng thu dịch vụ trong cơ cấu thu nhập bao gồm thu phí dịch vụ trong nước và quốc tế (bao gồm phí bảo lãnh và kinh doanh ngoại tệ); Tập trung tăng trưởng lợi nhuận hướng tới mục tiêu Top 8 ROE các ngân hàng TMCP.
Năm 2021, ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ, các kênh số phục vụ khách hàng với việc ra đời AB Ditizen và ứng dụng các công nghệ số như eKYC. "Mới đây ngân hàng cũng đã ra mắt AB Ditizen và trong 2 ngày cuối tuần thu hút được trên 20.000 khách hàng. Đây là bước đầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngân hàng", ông Lê Hải cho biết.
Trong 2 ngày cuối tuần thu hút được trên 20.000 khách hàng. Đây là bước đầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngân hàng.
ABBank cho biết, theo tính toán, ngân hàng cần duy trì mức vốn tự có 10.700 tỷ đồng với tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu 9%. Đồng thời cần thêm vốn yêu cầu cho kịch bản căng thẳng là 606 tỷ đồng với tỷ lệ toàn toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN. Theo đó, tổng mức vốn kinh tế (CE) hay vốn mục tiêu (CTarget) ABBank cần duy trì 11.306 tỷ đồng.
Vốn dự kiến (CA) của ngân hàng cuối năm 2021, nếu không có bất cứ biện pháp tăng vốn nào là 10.366 tỷ đồng. Như vậy, mức thiếu hụt vốn khoảng 940 tỷ đồng.
Theo đó, tại đại hội, ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án nâng vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên hơn 9.409 tỷ đồng, tương đương tăng gần 65% trong năm nay.
Cụ thể, đợt 1, ABBank dự kiến tăng vốn thêm gần 1.257 tỷ đồng (tăng 22%), thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên. Trong đó, ngân hàng dự định chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20%) cho cổ đông hiện hữu; chào bán hơn 11,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2%) cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá chào bán dự kiến là 11.500 đồng/cổ phiếu.
Đợt 2, ABBank có kế hoạch phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương với số vốn tăng thêm gần 2.440 tỷ đồng, tăng 35% so với mức vốn điều lệ sau tăng vốn đợt 1. Thời gian thực hiện tăng vốn đợt 1 dự kiến trong quý 2 và quý 3, đợt 2 trong quý 4 năm nay.
Phần thảo luận:
Cổ đông hỏi: Mục đích tăng vốn, dùng vốn như thế nào?
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT cho biết, nếu tăng trưởng theo kế hoạch đặt ra thì CAR không đáp ứng theo Thông tư 13. Do đó, ngân hàng cấp thiết tăng vốn.
Ngoài ra, theo Moody's, An Bình có các chỉ số an toàn được đáp ứng, nhưng chỉ CAR đang không cao như những ngân hàng khác nên chưa được xếp hạng ở mức tích cực. Do đó chúng ta phải tăng được vốn cấp 1.
Cổ đông: Trong năm 2020, có thời gian, ABBank giảm cả dư nợ tín dụng và cả huy động. Điều này nằm trong chiến lược hay hoạt động có vần đề gì?
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT ABBank thừa nhận có những thời điểm ngân hàng khó khăn bởi dịch bệnh, và cũng có sự tăng trưởng không tương xứng trong ngân hàng giai đoạn đầu năm. HĐQT cũng đã nhận thức đó là rủi ro và có giảm sát chỉ đạo kịp thời để vượt qua khó khăn đó.
Ông Lê Hải - CEO cho biết đầu năm ngoái chưa có tăn trưởng dư nợ tốt do chu kỳ hàng năm nhưng sang quý 2 và quý 3 thì rất tốt. Sự sụt giảm đầu quý 2 là do các trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đầu tư đáo hạn. Tuy nhiên, sau đó ngân hàng đã chuyển định hướng sang bán lẻ và các quý tiếp theo đã có tăng trưởng, tạo dư nợ bình quân tốt, NIM tốt, thu nhập đảm bảo kế hoạch đặt ra.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý 1/2021 của ngân hàng?
Ông Lê Hải: Chưa năm nào ABBank có tăng trưởng dư nợ 3% ngay trong quý 1 như năm nay. Đến 31/3/2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 465 tỷ, đạt gần 25% kế hoạch cả năm. Đây là cơ sở để ngân hàng có thể hoàn thành mục tiêu đã trình cổ đông. Nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Cổ đông hỏi: Trong kế hoạch năm 2021, chúng ta có chương trình chuyển sàn hay không?
Ông Kháng: Hiện chúng ta đang giao dịch trên UPCoM và theo quy định 2 năm nữa ngân hàng mới được chuyển sàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể không cần 2 năm nữa mà có thể chuyển sàn kết hợp với tăng vốn trong năm nay. Theo quy định có thể chuyển sàn với điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Cổ đông: Đến bao giờ ngân hàng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt?
(tiếp tục cập nhật)