Sáng ngày 28/4/2022, CTCP Fecon (FCN) đã tổ chức Đại hội cổ dông thường niên năm 2022. Trong cuộc họp, đại hội đã thông qua báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động SXKD năm 2021 và kế hoạch SXKD năm 2022. Trong năm 2022, công ty hướng đến tập trung tinh gọn bộ máy công ty qua tái cơ cấu và tập trung phát huy thế mạnh chính về hạ tầng móng và công trình ngầm. Bên cạnh đó, mảng bất động sản dự tính được công ty tập trung phát triển.
Tái cơ cấu công ty, tập trung vào lĩnh vực chính
Nhằm quy hoạch nguồn lực của công ty hướng vào ba thế mảng chính: Hạ tầng, Giao thông, Năng lượng tái tạo, công ty cổ phần Hạ tầng FECON lên đã lên kế hoạch tái cơ cấu trở thành Tổng công ty đầu tư FECON (FECON Invest).
Bên cạnh đó, từ nửa sau 2021, Fecon cũng đã triển khai hệ thống công cụ lập kế hoạch chiến lược và quản trị mục tiêu OGSM (Objective - Goal - Strategy - Measure) tại công ty mẹ nhằm khắc phục được những hạn chế mà hệ thống BSC/KPIs đã triển khai trong những năm vừa qua trong quản lý.
Tình hình kinh doanh 2021: Nhiều cột mốc đáng nhớ
Năm 2021, Fecon đã khẳng định được năng lực thi công trong nhiều dự án mà công ty đảm nhiệm ở ba lĩnh vực chủ chốt nêu trên.
Trước tiên, về xây dựng công nghiệp, công ty đã đưa hàng loạt dự án điện gió về đích vận hành thương mại trước mốc 31/10 để hưởng ưu đãi FIT. Dự án nổi bật trong đó là dự án Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình với tổng công suất 252MW và 60 turbin, một trong những trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng lần đầu thử sức thành công với điện gió gần bờ tại dự án Điện gió Trà Vinh VI-3. Bất chấp những khó khăn trong vận chuyển thiết bị, công ty vẫn hoàn thành đúng tiến độ thi công 12 móng trụ turbine, hệ cầu dẫn dài 4km.
Về giao thông, trong vai trò tổng thầu Dự án giao thông trọng điểm Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Fecon cùng các Cienco 5 đã triển khai đúng kế hoạch sau 1 năm thi công. Dự án được dự kiến hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 10 năm nay, giải quyết ách tắc tại nút giao này.
Trong xây dựng dân dụng, Fecon cũng trở thành tổng thầu dự án cấp 1 sau khi trúng các gói thầu như thi công tòa nhà điều hành và nghiên cứu A9 (30 tầng) thuộc trường Đại học Phenikaa.
Tuy đạt được nhiều cột mốc lớn trong 2021, tình hình kinh doanh của Fecon lại không được tốt như các năm trước. Công ty có doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ghi nhận trong năm lần lượt là 3.484 tỷ đồng (tăng 10% cùng kỳ) và 71 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ). Vốn điều lệ của FECON đạt 1.574 tỷ đồng cùng tổng tài sản đạt 7.496 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty trong 2021 cũng chỉ đạt 13,5%, thấp hơn so với các năm trước. Như đã ghi nhận, năm nay mức lợi nhuận công ty ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Lý giải cho tình hình kinh doanh này, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết kết quả giảm sút trong 2021 đi ra từ tác động kép của đại dịch và bão giá nguyên vật liệu.
Kết quả là, nhiều dự án của doanh nghiệp bị chậm triển khai. Đặc biệt, Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn chậm ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng. Công tác thu hồi công nợ cũng bị ảnh hưởng, làm phát sinh chi phí tài chính và khó khăn dòng tiền cho doanh nghiệp.
Về phía công ty Fecon, việc chuyển đổi từ Nhà thầu chuyên môn sang Nhà thầu chính cũng phát sinh nhiều vấn đề chưa hiệu quả trong quản lý. Bên cạnh đó, mặc dù các dự án sở trường của công ty vẫn mang lại hiệu quả cao, với ví dụ rõ nhất là số lượng dự án điện gió hoàn thành cao, một số dự án được công ty tổng thầu vẫn còn chưa tối ưu được nguồn lực trong thời gian 12 tháng, khi cao điểm thì nguồn lực không đủ, lúc thấp điểm thì dư thừa.
Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, năm 2021 vẫn tăng trưởng dương ở mức 10% doanh thu so với 2020, hoàn thành 89% kế hoạch.
Mục tiêu doanh thu 5000 tỷ đồng trong năm 2022
Năm 2022, ban lãnh đạo trình cổ đông xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng. Theo giải trình, nguồn doanh thu sẽ đến từ các dự án lớn của công ty như Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát - Dung Quất, Sân bay Long Thành, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Hầm chui Lê Văn Lương, Đường sắt trên cao, Điện gió Trà Vinh 1.1, Điện gió Duyên Hải, vv. Theo công ty, trong quý 1 FECON đã ký được lượng hợp đồng với tổng trị giá 1800 tỷ đồng.
Theo công ty tiết lộ, Fecon cũng đã tham gia đấu giá, đầu thầu, đệ trình làm nhà đầu tư tại một số dự án bất động sản tại Hưng Yên (206ha), Thái Nguyên(gần 30ha), Bắc Giang(tổng quy mô 300ha), Đồng Tháp (4ha) và Bắc Ninh (6ha).
Trong năm tới, FECON cũng mong đợi khoản doanh thu tài chính 109 tỷ từ việc thoái vốn một vài dự án năng lượng chưa hiệu quả.
Theo ước tính của, dự kiến trong quý 1 doanh thu đạt 500 tỷ. lợi nhuận công ty mẹ khoảng 300 tỷ.
Trong buổi họp ĐHCĐ cũng thông qua quyết định từ nhiệm của 4 thành viên HĐQT bao gồm ông Nguyễn Song Thanh, bà Hà Thế Phương, ông Phùng Tiến Chung, ông Phạm Trung Thành. Cơ cấu thành viên HĐQT cũng được giảm từ 9 xuống 7 người. Hai ứng cử viên được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Trần Đăng Phước (1973) và bà Nguyễn Thị Nghiên (1976).
Ông Phước hiện là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Đỏ, một đối tác của Fecon. Ông hiện đang năm 16 triệu cổ phần, tương đương 10,16% vốn điều lệ Fecon. Bà Nghiên hiện là Giám đốc Tài chính tại Fecon từ 15/4/2022 đến nay.
Ban kiểm soát cũng có quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Hương (1987) thay thế bà Phạm Thị Hồng Nhung từ nhiệm trong nhiệm kỳ 2019 - 2024.