Sáng nay, Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2018. Đại hội được tổ chức sau khi công ty con mang lại doanh thu, lợi nhuận cao nhất cho GTNfoods là Mộc Châu Milk đã hoàn tất đại hội cổ đông vào tuần trước với kế hoạch kinh doanh khá tham vọng và trong tương lai sẽ nâng đàn bò lên ngưỡng 100.000 con từ con số ~23.000 con hiện tại.
Đại hội cổ đông năm nay của GTNfoods có nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến dự. Có nhiều đại diện các quỹ khá lạ trên thị trường Việt Nam đến từ các nước như Hàn Quốc đến dự. Theo chia sẻ của lãnh đạo GTNfoods trước đây, khi công ty đưa ra kế hoạch đầu tư thêm vào Mộc Châu Milk thì đã có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm, đi thăm vùng chăn nuôi. Tại đại hội lần này, các quỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch phát triển của công ty nên đến dự.
Mở đầu đại hội, ông Micheal-tổng giám đốc GTNfoods đã chia sẻ câu chuyện về trang phục của ông hôm nay. Ông nói rằng dù được “nhắn nhủ” về trang phục để có những bức hình đẹp nhưng ông đến cùng cà vạt màu xanh của đồng xanh thảo nguyên, in hình các chú bò sữa...Ông chia sẻ rằng mỗi công ty sẽ thành công khi có những điểm khác biệt và biến sự khác biệt đó thành lợi thế.
Mộc Châu Milk đóng góp ~80% doanh thu cho GTNfoods
Năm 2017, doanh thu hợp nhất toàn GTNfoods đạt 3.781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 151,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 40,4 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 96%, 68% và 58% so với Kế hoạch được Đại hội cổ đông giao phó.
Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2017 tăng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tương ứng 108% doanh thu cùng kỳ phần lớn nhờ Mộc Châu Milk đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu thuần.
Tuy doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2016 nhưng công ty không đạt được kế hoạch mà Đại Hội Đồng Cổ Đông năm 2017 đã giao phó. Lý do là mảng chăn nuôi lợn biến động mạnh khiến công ty lỗ khoảng 40 tỷ đồng. Xác định đây không phải mảng kinh doanh chính nên công ty mẹ GTNfoods đã phối hợp cùng công ty con Vilico đẩy mạnh thanh lý và giảm đàn lợn về mức không trọng yếu. Năm 2018, GTNfoods sẽ không còn chịu lỗ từ hoạt động này.
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu thành quả của GTNfoods trong việc chủ động cắt giảm các hoạt động không cốt lõi. Việc cắt giảm khiến doanh thu các mảng này giảm hơn 600 tỷ đồng nhưng bù lại thì tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty đã tăng một cách tích cực từ 4% lên 12%. Hiện tại, công ty đang tập trung vào 3 ngành hàng chính là Sữa, Chè và Vang.
Năm 2018 đặt mục tiêu 3.300 tỷ đồng doanh thu
Năm 2018, GTNfoods tiếp tục thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm sạch từ chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và khép kín. Doanh thu hợp nhất kế hoạch đạt 3.300 tỷ VNĐ, trong đó 95% đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty là Sữa và Trà, với Mộc Châu Milk đóng góp đến 80% doanh thu.
Bên cạnh mục tiêu giữ vững và phát triển thị phần tại Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, Mộc Châu Milk đang đầu tư mạnh vào tăng trưởng đàn bò nhằm đáp ứng cho việc mở rộng kênh phân phối trên các thị trường mục tiêu, trong đó lấy trọng tâm là thị trường Hà Nội. Đi đôi với mở rộng độ phủ trên thị trường, Mộc Châu Milk đẩy mạnh việc tái định vị và làm mới bao bì cho các sản phẩm cũ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đồng thời tăng điểm nhận diện và trải nghiệm cho người tiêu dùng, đặc biệt đầu tư vào kênh truyền thông đại chúng.
Mảng Chè về cơ bản, công ty đã tái cấu trúc xong về thương hiệu, vùng trồng, đồng nhất kỹ thuật canh tác và đặc biệt là đã lấy được các chứng nhận quốc tế về Nông nghiệp bền vững RA (Rainforest Alliance). Sang năm 2018, GTNfoods sẽ phối hợp cùng công ty con Vinatea thực hiện mục tiêu duy trì sản lượng bán 10.000 tấn chè/năm trong giai đoạn 2018 – 2020. Bên cạnh các thị trường truyền thống, Vinatea đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các thị trường khó tính nhưng tiềm năng và đem lại giá trị thặng dư cao hơn cho sản phẩm như Mỹ, Anh, Nhật và Châu Âu (EU).
Bên cạnh kế hoạch tăng trưởng cao cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi, một hoạt động không kém phần quan trọng ảnh hưởng tới lợi nhuận của GTNfoods trong giai đoạn này là việc thoái vốn và thanh lý các tài sản thuộc nằm ngoài chiến lược. Hoạt động này có thể đem lại tổng cộng 400 tỷ đồng lợi nhuận cho toàn Tập đoàn trong giai đoạn 2018-2020.
Với những định hướng nêu trên, GTNfoods đặt chỉ tiêu doanh thu & thu nhập hợp nhất đạt 3.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 165 tỷ đồng cho năm 2018. Mức doanh thu kế hoạch giảm so với thực hiện năm 2017 nhưng lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc do kế hoạch dịch chuyển nguồn vốn tập trung vào những mảng kinh doanh hiệu quả, đóng cửa và thoái vốn một loạt các hoạt động ngoài ngành.
Sẽ tạm ứng cổ tức năm 2018 ngay trong năm 2018
Theo tờ trình Đại hội cổ đông, GTNfoods sẽ không chia cổ tức năm 2017 và dành tiền cho các hoạt động mở rộng kinh doanh. Nếu kết quả kinh doanh năm 2018 đi đúng kế hoạch dự kiến và GTNfoods nhận được cổ tức từ các công ty con, HĐQT đề nghị ĐHĐCĐ ủy quyền để có thể tạm ứng cổ tức ngay trong năm 2018 với tỷ lệ 5% vốn điều lệ và lựa chọn phương án chi trả cổ tức phù hợp để vẫn đảm bảo được dòng vốn hoạt động của các công ty con.
Cổ đông hỏi, lãnh đạo GTN trả lời:
-Vì sao ông Micheal bán cổ phiếu? Cổ phiếu GTN vì sao giảm sâu thế và có phản ánh đúng giá trị công ty không?
-Ông Micheal Louis Rosen: Tôi thấy mình không còn quá trẻ để chỉ làm công ăn lương. Tôi quyết định bán bớt một phần cổ phiếu để đầu tư cho hoạt động kinh doanh của riêng tôi (mở công ty sản xuất rượu vang). Về đầu tư tài chính thì GTN là công ty duy nhất tôi đầu tư hiện tại.
Ông Nghiêm Văn Thắng: Sau giai đoạn M&A, chúng tôi may mắn có 3 sản phẩm thương hiệu quốc gia: Sữa Mộc Châu, Vinatea và Vang Đà Lạt. Hiếm công ty nào ở Việt Nam may mắn được sở hữu 3 thương hiệu lớn như chúng tôi. Cả 3 công ty này đều có vùng nguyên liệu rộng lớn.
Tuy nhiên, khi M&A các doanh nghiệp nhà nước thì chúng tôi cũng cần nhiều thời gian để tái cơ cấu lại các hoạt động. Nhiều mảng chúng tôi đã phải mạnh tay cắt giảm năm 2017 như mảng lợn.
Việc tái cơ cấu cơ bản đã hoàn thành và từ năm 2018 có thể ổn định.
Bởi vậy, chúng tôi nhìn nhận công ty đang ngày càng phát triển. Chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu ở vùng đáy này chỉ là ngắn hạn.
Tôi biết giai đoạn gần đây, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy triển vọng của GTN và mua cổ phiếu nhưng do mua sau chốt quyền nên ĐHCĐ lần này chưa tham dự.
-Lượng tiền của công ty hiện đang rất lớn, công ty dự kiến sử dụng ra sao và giải ngân ra sao trong năm 2018?
-Ông Nguyễn Văn Minh-CFO: Lượng tiền của chúng tôi hiện rất nhiều và chúng tôi sẽ đầu tư hầu hết vào trà và sữa. Nếu có cơ hội M&A tốt thì chúng tôi sẽ cân nhắc.
-Năm 2017 công ty đặt kế hoạch cao nhưng không hoàn thành. Cơ sở nào để công ty tiếp tục đặt kế hoạch cao và quý 1 năm nay đang thế nào?
-Ông Nguyễn Văn Minh-CFO: Năm 2017 chúng tôi hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Lý do là mảng lợn gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Lợn gây thua lỗ cho hàng loạt công ty giai đoạn qua chứ không riêng gì chúng tôi. Rất may là chúng tôi đã mạnh tay giảm đàn và mảng này sẽ không còn ảnh hưởng đến công ty trong tương lai nữa.
Về kết quả quý 1, chúng tôi ước đạt 35 tỷ đồng LNST hợp nhất trong đó 25 tỷ đến từ hoạt động kinh doanh chính và 10 tỷ đến từ hoạt động thoái vốn.
-Tiến độ quyết toán vốn nhà nước tại Vinatea đến đâu rồi?
-Ông La Mạnh Tiến-Phó TGĐ GTNFoods kiêm TGĐ Vinatea: Dự kiến quý 2/2018 sẽ hoàn thành. Sở dĩ tiến độ quyết toán lâu là do nhà nước hiện đã có nhiều khung định giá cây hồ tiêu, cao su...nhưng cây chè thì không có. Công tác định giá vườn chè chính vì thế lâu hơn các cây khác nhiều. Tuy vậy, chúng tôi không phải công ty duy nhất lâu quyết toán vốn nhà nước, có nhiều công ty mất đến 3-4 năm mới quyết toán xong. Cũng may mắn là chúng tôi đã đi được đến những giai đoạn cuối cùng để quyết toán.
-Kế hoạch tăng đàn bò và thị phần sữa thế nào?
-Ông Trần Công Chiến-TGĐ Mộc Châu Milk: Tôi không biết trong mắt các nhà đầu tư thì 60 năm có ý nghĩa gì. Mộc Châu Milk là công ty 60 năm tuổi và nhiều nhà đầu tư ở đây đã có cơ hội đi thăm đàn bò của chúng tôi. Mô hình của chúng tôi là kết hợp với các hộ nông dân để chăn nuôi. Đất của Mộc Châu Milk chỉ khoảng 1.000 ha thôi nhưng bằng cách kết hợp với các hộ nông dân nên cùng nuôi của chúng tôi đã đạt đến 3.000 ha.
12h20', Đại hội thành công tốt đẹp. Cổ đông thông qua toàn bộ các tờ trình.