Ngày 28/4 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Tổng CTCP Bia rượu NGK Hà Nội – Habeco (Mã CK: BHN).
Điểm lại KQKD năm 2020, Habeco gặp không ít khó khăn trước tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100. Tại khu vực miền bắc và bắc trung bộ là thị trường chính của Habeco, ngành bia có sự sụt giảm mạnh hơn so với các khu vực thị trường khác. Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu bia quốc tế cũng như địa phương, Habeco vẫn giữ vị thế là nhà sản xuất dẫn đầu tại thị trường này.
Sau thời gian giãn cách xã hội trong quý 1/2020 và đầu quý 2/2020, Habeco đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng liên tiếp vào mùa vụ hè và hết năm 2020, Habeco đã đạt 38,5% thị phần về sản lượng. Trong năm qua, Habeco đã ra mắt các sản phẩm mới như các dòng bia hơi đóng lon, chai; ra mắt các sản phẩm bia lon Hanoi Bold & Light.
Kết quả, trong năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm chính của Habeco đạt 309,9 triệu lít, tăng 37,7% so với kế hoạch. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính (đã bao gồm thuế TTĐB) đạt 5.894 tỷ đồng, tăng 39% so với KH; Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 708,8 tỷ đồng, tăng 126,4% so với Kế hoạch và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 625,3 tỷ đồng, tăng 152,2% so với kế hoạch.
Với kết quả tích cực trong năm 2020, Habeco dự kiến chi trả cổ tức năm 2020 với mức 15,5%.
Đặt kế hoạch lãi 255 tỷ đồng, duy trì vị thế số 1 tại thị trường miền Bắc trong năm 2021
Lãnh đạo Habeco cho biết năm 2021 là năm nhiều thách thức khi dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành nghề kinh tế, kéo theo sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bia, rượu, nước giải khát.
Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh như Heineken, Sabeco, Carlsberg tiếp tục tung ra các sản phẩm thuộc nhiều phân khúc phổ thông, cạnh tranh trực tiếp với Habeco.
Trong năm 2021, Habeco đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại thị trường miền Bắc và Bắc miền Trung, nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt sản lượng tiêu thụ 280 triệu lít. Công ty sẽ tái cấu trúc danh mục thương hiệu và sản phẩm để nâng cao thị phần tại các khu vực thị trường.
Về chỉ tiêu kinh doanh, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính 5.392 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 319,15 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 255,14 tỷ đồng. Nếu thực hiện như kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm qua của Habeco. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến năm 2021 là 6,5%.
Lãnh đạo Habeco cho biết việc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 thấp do tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp và điều này ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ bia của công ty. Bên cạnh đó, miếng bánh ngành bia đang nhỏ lại (sản lượng năm 2020 ngành bia giảm) khiến cạnh tranh cao hơn, áp lực từ các doanh nghiệp bia lớn. Habeco cũng dự phòng cho việc dịch Covid bùng phát mạnh hơn nên đã đặt kế hoạch có phần thận trọng. Dù vậy, lãnh đạo Habeco cho biết sẽ cố gắng để đạt kết quả cao hơn kế hoạch đã đặt ra.
Trong năm 2021, Habeco sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu nhằm tập trung khai thác đúng phân khúc thị trường; Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch nhà phân phối; Triển khai ứng dụng công nghệ (phần mềm DMS) trong quản lý và tổ chức bán hàng.
Bên cạnh đó, Habeco sẽ tăng cường và cải thiện độ phủ và chất lượng độ phủ hàng hóa trên toàn miền Bắc, gia tăng nhanh chóng tại miền Trung và miền Nam; Triển khai hệ thống E-Commerce và kênh siêu thị, ưu tiên Hà Nội và TP.HCM; Tiếp tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng, hoàn thiện dần các sản phẩm mới để phát triển thành sản phẩm trọng điểm tại từng phân khúc thị trường theo chiến lược phát triển đã đề ra.
Ngoài ra, Habeco sẽ tiếp tục công tác thoái vốn tại những đơn vị đầu tư ngoài ngành; nâng cao chất lượng bia, giảm giá thành sản xuất; Xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư hệ thống lọc bia, nâng cao năng lực chiết rót, đóng gói sản phẩm, bổ sung bồn chứa lên men…để tăng năng suất, hiệu suất dây chuyền.
Quý 1 ước lãi hợp nhất 67 tỷ đồng, lên kế hoạch thương mại hóa bia thủ công (craft)
Về KQKD quý 1, Habeco ước lãi 67 tỷ đồng (công ty mẹ) và hợp nhất lãi 62 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty cho biết đang phát triển thị trường phía nam theo hướng "chậm, chắc", đưa ra các giải pháp dần chiếm lĩnh thị trường này. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, nếu Habeco đầu tư quá nhiều sẽ không tốt lắm cho hiệu quả kinh doanh.
Cũng theo lãnh đạo Habeco, hàng năm công ty đều nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm mới để phù hợp với gu của người tiêu dùng. Khi Covid xuất hiện, thói quen đến nhà hàng của người tiêu dùng giảm và Habeco đã đưa ra bia hơi đóng lon, kết quả mang về rất tốt, tăng trưởng mạnh trong năm qua. Hiện nay, nhiều nhà hàng đã xuất hiện bia hơi Habeco đóng lon, bên cạnh các sản phẩm bia ngoại.
Lãnh đạo Habeco cho biết công ty đã thử nghiệm thành công bia thủ công (craft) và đang có kế hoạch thương mại hóa. Tuy nhiên, lúc nào ra mắt thị trường còn phụ thuộc vào kế hoạch marketing, thời điểm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Về kênh online, Habeco đang nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai. Habeco đang kết hợp với nhiều đơn vị, trong đó có grab để đẩy mạnh kênh online.
Lãnh đạo Habeco cho biết Bộ Công thương hiện đã trình Chính phủ về kế hoạch thoái vốn Nhà nước, nhưng sẽ cần chờ quyết định của Chính phủ. Trong khi chờ thoái vốn, Habeco sẽ đẩy mạnh phát triển thương hiệu, giúp việc thoái vốn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nếu TTCK sôi động hơn cũng là yếu tố tích cực cho việc thoái vốn.