Chiều ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán HDB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022. Đại hội tổ chức trực tiếp tại Tp. Hồ Chí Minh, và trực tuyến tại các đầu cầu trong nước và nước ngoài.
Thông báo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho thấy, tại ngày 23/3 – thời điểm chốt danh sách cổ đông chính thức, HDBank có 28.390 cổ đông, trong đó 249 cổ đông tổ chức (122 tổ chức nước ngoài) và 28.141 cổ đông cá nhân.
Tham dự đại hội ngày 26/4 có 208 cổ đông đại diện cho hơn 1,6 tỷ cổ phần, tương đương 83,22% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của HDBank.
Năm 2021 đạt và vượt các chỉ tiêu cổ đông giao
Báo cáo trước đại hội, lãnh đạo HDBank cho biết, trong bối cảnh năm 2021 nhiều biến động, HDBank đã chủ động thích ứng linh hoạt, đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao và vận hành an toàn, chất lượng. Trong năm đầu thực thi chiến lược phát triển 2021-2025, các chỉ tiêu kinh doanh chính của HDBank đều đạt và vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao.
Cổ đông tham dự ĐH
Tổng tài sản hợp nhất năm 2021 đạt hơn 374 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.070 tỷ đồng, tăng 39% và hoàn thành 111% kế hoạch. Tổng thu nhập hoạt động vượt 16.758 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập dịch vụ tăng mạnh 103%. Doanh thu mảng Bancassurance của HDBank vươn lên nhóm dẫn đầu các ngân hàng.
Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE và ROA lần lượt đạt 23,3% và 1,9%, vượt kế hoạch ĐHCĐ giao. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng. Vốn chủ sở hữu đạt 30.790 tỷ, tăng 25% giúp hệ số an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt trên 14,3%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,26%, tỷ lệ thấp trong ngành. Ngân hàng đã tăng cường trích lập đủ 100% dự phòng cho nợ được cơ cấu lại do dịch Covid-19, sớm trước tiến độ 2 năm. Trong đại dịch, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm B1 của HDBank từ Ổn định lên Tích cực.
HDBank trình diễn robot tại khai mạc ĐH cổ đông
HDBank cũng tiên phong chuyển đổi số toàn diện, đồng thời là ngân hàng đi đầu về tín dụng xanh, các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường. Năm qua, các định chế tài chính lớn và uy tín trên thế giới như IFC, DEG – quỹ đầu tư trực thuộc Ngân hàng Tái thiết Đức KfW, Leapfrog Investments đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của HDBank, ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa các chương trình chống biến đổi khí hậu, tài trợ các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG. Các đối tác sẽ cùng HDBank triển khai nhiều chương trình hợp tác nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, ngân hàng số, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế...
Bên cạnh hoạt động kinh doanh tích cực, HDBank thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng đóng góp quỹ vắc xin, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chăm lo công tác an sinh xã hội cho các hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Quốc Thanh - TGĐ HDBank báo cáo tại đại hội
Mục tiêu lợi nhuận 9.770 tỷ đồng trong năm 2022
Năm 2022, HDBank đệ trình kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92% và 22,2%.
Tổng tài sản dự kiến tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng, tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện tối đa không vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dự kiến không vượt qua mức 2%.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% và tăng vốn thêm hơn 5.200 tỷ
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận của các cổ đông thiểu số, lợi nhuận năn 2021 còn lại hơn là 5.054 tỷ đồng. Cộng với khoản lợi nhuận chưa chia của các năm trước, lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức của HDBank là gần 5.350 tỷ.
Ông Lưu Đức Khánh - thành viên HĐQT đọc tờ trình phân phối lợi nhuận
Trong năm 2022, ngân hàng đệ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.
Đợt 1, HDBank sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tích lũy. Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 5.031 tỷ đồng.
Đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tăng vốn thêm 200 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày phát hành.
Với số vốn tăng thêm, HDBank dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (4.000 tỷ). Phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.
Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ ngân hàng vào cuối năm 2022 dự kiến đạt 25.503 tỷ đồng, tăng 27% so với hiện tại.
Uỷ quyền cho HĐQT thực hiện nhiều nội dung quan trọng khác
Ngoài các nội dung trên, HĐQT HDBank cũng đưa ra hàng loạt tờ trình quan trọng khác để cổ đông thông qua như: Danh sách bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022 - 2026; Niêm yết trái phiếu ở thị trường nước ngoài; Thay đổi phương án phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên; uỷ quyền cho HĐQT quyết định các nội dung liên quan đến mua, bán tài sản, M&A, tham gia tái cơ cấu…
Tất cả các tờ trình trên đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ nhất trí cao.
Phó chủ tịch HDBank Nguyễn Hữu Đặng
Trước khi bước vào bầu cử HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2022 – 2026, Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm phát biểu. Bà Tâm sẽ không tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới, sau 12 năm ngồi vị trí chủ tịch ngân hàng và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng ấn tượng ở HDBank hơn 1 thập kỷ qua.
Chủ tịch HĐQT Lê Thị Băng Tâm phát biểu tại đại hội
Hỏi đáp cổ đông
Cổ đông hỏi kết quả kinh doanh quý 1 thế nào?
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết, với đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, HDBank ghi nhận kết quả khả quan với tăng trưởng tín dụng 9,7%, tăng trưởng huy động vốn cao hơn toàn ngành với 8,1%. Chất lượng tài sản cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất chỉ ở mức 1,17%, nợ xấu riêng lẻ theo định lượng là chưa đến 0,8%. Chỉ số an toàn vốn CAR đạt 14,2%. ROE quý 1 đạt hơn 25%. Thu nhập của HDBank từ mảng dịch vụ, thu ngoài lãi tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đóng góp tích cực từ mảng Bancas – thuộc top 5 thị trường và đang phấn đấu chiếm lĩnh vị trí cao hơn.
Mảng Banca đã có đối tác nào chưa, tiềm năng ra sao?
Ông Phạm Quốc Thanh: Mảng Banca khởi động lại vào cuối năm 2020 và thứ hạng trên thị trường liên tục cải thiện. Tới tháng 3/2022 là top 5 trên thị trường Banca, là ngân hàng duy nhất trong top đầu chưa ký hợp đồng độc quyền nào với đối tác bảo hiểm. Đây thể hiện sự hấp dẫn của mảng Banca của HDBank. Ở góc độ điều hành, HDBank còn nhiều room, cơ hội để tăng trưởng Banca, mà chưa cần hỗ trợ độc quyền của đối tác bảo hiểm, điều đó tạo giá trị cao hơn cho ngân hàng, giúp HĐQT có thể chọn lựa được đối tác mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông trong thời gian tới.
HDBank chưa bằng lòng với vị trí thứ 5 trên thị trường như hiện nay, mà hướng tới vị trí thứ 4 thứ 3 trong năm nay.
Ở mảng phi nhân thọ chưa đóng góp nhiều như nhân thọ, nhưng càng ngày càng đóng góp cao vào doanh thu phí của bảo hiểm nói chung cho HDBank trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT bổ sung thêm, việc ký kết độc quyền bảo hiểm nhân thọ đang là lợi thế của HDBank so với thị trường. Với giá trị hiện tại, đối tác có thể giúp ngân hàng thu về hàng chục ngàn tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chủ toạ đoàn
Nhà đầu tư nước ngoài ý kiến
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào HDBank không phải đầu tư hướng tới lợi ích, mà đồng hành cùng chiến lược của ngân hàng. Trong thời gian tới, trong sự tham gia thường xuyên của HĐQT, với sự tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế. Họ không tham gia biểu quyết các vấn đề nhưng sẽ tham mưu, đóng góp chuyên môn mang tầm quốc tế hoá, mang tính chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm quản trị giá trị.
Đại diện các quỹ đầu tư cũng tham gia phát biểu tại đại hội HDBank. Theo đại diện Affinity – quỹ đầu tư tham gia mua lượng lớn trái phiếu quốc tế của HDBank, quỹ này tin tưởng vào sự phát triển lớn mạnh của HDBank và cam kết sẽ gắn bó lâu dài.
Cũng đầu tư vào trái phiếu HDBank, đại diện DEG của Đức cho biết quỹ này đang mua 2 đợt trái phiếu của HDBank, đồng thời kêu gọi thêm đối tác để đầu tư trái phiếu chuyển đổi của HDBank với quy mô hơn 100 triệu USD. Trong thời gian tới, DEG và HDBank sẽ có thêm nhiều hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên. DEG cho biết rất hài lòng trong quá trình phát triển cùng ngân hàng, và cũng cam kết sẽ đầu tư, hợp tác lâu dài.
Kết quả bầu cử
HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2026 gồm 7 thành viên gồm:
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo; Ông Nguyễn Hữu Đặng; Ông Lưu Đức Khánh; Ông Nguyễn Thành Đô; Bà Nguyễn Thị Tâm. Thành viên độc lập gồm ông Kim Byoungho (cố vấn cấp cao của IFC) và ông Lê Mạnh Dũng (trưởng Đại diện tại Việt Nam DEG).
BKS gồm 4 thành viên: Ông Đào Duy Tường, bà Đường Thị Thu, bà Bùi Thị Kiều Oanh, ông Nguyễn Lê Hiếu.
Phát biểu tại đại hội sau khi có danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo xúc động tri ân những đóng góp của bà Lê Thị Băng Tâm. Bà Thảo cho biết, sau khi thôi nhiệm chủ tịch HDBank, bà Băng Tâm sẽ tiếp tục tham gia ban cố vấn của ngân hàng và đồng hành cùng HĐQT, Ban lãnh đạo ngân hàng trong chặng đường tiếp.
HĐQT mới của HDBank