Ngày 22/03/2018, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018 để thông qua các nội dung về kết quả kinh doanh, kế hoạch chia cổ tức năm 2017, kế hoạch kinh doanh năm 2018 và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát.
Trình kế hoạch chia cổ tức 30% cho năm 2018, nghiêng về phương án trả bằng cổ tức
Theo tờ trình của HĐQT đã công bố trước đó, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là 55.000 tỷ đồng – tăng 17% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế là 8.050 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức lợi nhuận 8.015 tỷ đồng của năm trước - được ghi nhận là mức kỷ lục của công ty.
Hòa Phát vốn nổi tiếng với việc đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhưng trong lần trả lời phỏng vấn mới đây, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của công ty cho rằng, con số kế hoạch năm 2018 không còn thận trọng, bởi trong lợi nhuận sau thuế năm 2017 có 700 tỷ đồng đến từ hoạt động hedging hàng hóa nguyên liệu quặng sắt. Do đó, 8.050 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch chỉ đến từ hoạt động kinh doanh lõi là con số tăng trưởng khá cao so với năm trước.
Năm 2018 là một năm đáng chú ý của Tập đoàn thép này khi cùng lúc thực hiện nhiều dự án mới. Trong đó, tổ hợp thép 2 tỷ USD tại Dung Quất, Quảng Ngãi đang xây dựng cơ bản để bắt đầu hoạt động từ Q3/2018; dự án tôn mạ cho ra những sản phẩm đầu tiên, chung cư Mandarin Garden 2 đang bàn giao cho khách hàng và một loạt dự án nông nghiệp.
Trong tài liệu ĐHCĐ, Hòa Phát dự kiến chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 40% bằng cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong Q2 hoặc Q3/2017. Hòa Phát cũng trình ĐHCĐ phương án trả cổ tức năm 2018 ở mức 30%, dựa trên vốn điều lệ 21.239 tỷ đồng (sau chia cổ tức 40% cho năm 2017), tuy nhiên việc chi trả bằng cổ phiếu hay tiền mặt chưa được quyết định.
Ông Long nói, đối với tất cả các công ty đang đầu tư xây dựng cơ bản, cần dồn lực tiền để đầu tư. Với quy mô của Dung Quất, Hòa Phát cần cố gắng rất lớn. Không trả lời cụ thể câu hỏi của cổ đông về việc trả cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu trong các năm sau, ông Long nói rằng, với những công ty đang đầu tư mạnh như Hòa Phát, xu hướng là trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ông Trần Đình Long khẳng định đến năm 2020, với việc hoàn thành khu liên hợp gang thép Dung Quất, doanh thu của HPG ít nhất tăng gấp đôi năm 2017 và lọt vào top 50 công ty thép lớn nhất của Thế giới, ở vị trí nhất nhì khu vực Đông Nam Á.
Ông Trần Tuấn Dương cũng nhấn mạnh: "Ở Việt Nam gần như không có doanh nghiệp thép nào có sức cạnh tranh mạnh mẽ như Hòa Phát. Chúng tôi có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn trên thế giới."
Ví dụ tại Úc, chính quyền phải mở một ban điều tra để xác định Hòa Phát có bán phá giá hay không. Hòa Phát đã thắng vụ kiện đó và tiếp tục xuất khẩu sang Úc.
Theo thông tin tại Đại hội, về tiến độ dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Hòa Phát đã bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền cán thép dài đầu tiên, xây dựng cảng nước sâu và các hạng mục xây dựng cơ bản khác theo tiến độ. Đến thời điểm này, công ty đã tuyển dụng gần 3.000 nhân sự cho dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi.
Lãnh đạo công ty cho biết, năm 2018 phải thận trọng với diễn biến thị trường nguyên liệu và một số dự án mới đưa vào hoạt động chưa đủ công suất như dây chuyền cán thép giai đoạn 1 – Dự án KLH sản xuất Gang thép tại Dung Quất; dây chuyền tôn mạ màu.
Bắt đầu bán tôn vào tháng 5, dự kiến doanh thu 3.000 tỷ đồng
Tháng 5 này nhà máy tôn mạ màu sẽ chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, nhà máy này đang trong những bước cuối cùng để vận hành dây chuyền sản xuất tôn mạ màu. Sản phẩm tôn sơn đã có sản phẩm và khách hàng đầu tiên là KLH Dung Quất. Sản phẩm tẩy gỉ đã hoàn thiện, đang chạy thử và nghiệm thu máy với nhà cung cấp. Đối với 2 dây chuyền cán và mạ, dây cán đã chạy thử trong 2 tháng, dây chuyền mạ đến tháng 5 chạy thử.
Hòa Phát đã triển khai bán hàng và có doanh số bán hàng tôn từ tháng 3 (bán cho Dung Quất) còn từ tháng 5 bắt đầu bán ra thị trường. Doanh số của công ty tôn năm nay khoảng 3.000 tỷ đồng. Còn khi đã có thị trường và sản xuất vào ổn định, kỳ vọng doanh số sản phẩm tôn vào năm 2019 sẽ đạt khoảng 9.000 tỷ.
Ông Tuấn chia sẻ kỳ vọng vào sức cạnh tranh của sản phẩm tôn – tuy là công ty mới đầu tư và áp lực khấu hao – nhưng với thương hiệu Hòa Phát và sản phẩm xác định ở phân khúc giá cao có bù đắp được các chi phí.
Ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế thép cũng là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất. Ông Long khẳng định, về xuất khẩu, chính sách của HPG trong thời gian dài là không dành quá nhiều cho xuất khẩu bởi vì khi xuất khẩu, chỉ cần 1 lệnh áp thuế chống bán phá giá là doanh nghiệp lao đao. Bên cạnh đó, nguyên tắc của Hòa Phát là không bỏ trứng vào 1 giỏ, tức chọn xuất khẩu sang nhiều thị trường chứ không riêng một thị trường nào. Thị trường xuất khẩu giờ chỉ chiếm 1-2% doanh thu của HPG nên ảnh hưởng không lớn.
"Rủi ro bất cứ thời điểm nào cũng có, đặc biệt là vĩ mô. Tôi đánh giá rủi ro về chính sách trong nước không có gì lớn, rủi ro từ quốc tế sẽ là điều đáng chú ý hơn." – Ông Long nói.
Ông Long cũng nhận xét, lệnh áp thuế của ông Trump không ảnh hưởng đến Trung Quốc nhiều vì trước đó đã thép từ nước này đã bị áp rồi, cho nên từ 2 năm nay, lượng thép xuất của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh, việc Trung Quốc dồn thép xuất khẩu vào Việt Nam là có nhưng không quá lớn. Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách đầu tư công như thế nào mới là rủi ro cần quan tâm.
Suất đầu tư của Hòa Phát chưa bằng 1/3 của Formosa
Trả lời câu hỏi về sự cạnh tranh của Formosa, ông Long tiếp tục lạc quan: "Không quá lo lắng."
Thứ nhất, ông Long cho biết, suất đầu tư của HPG so với Formosa rất thấp, thấp đến mức Chủ tịch của Formosa phải kinh ngạc. Cụ thể, suất đầu tư của Formosa ước tính là 1.700 usd/tấn trong khi của Hòa Phát chỉ là 500 USD/tấn, chưa bằng 1/3. Theo đó, chi phí đầu tư thấp sẽ dẫn đến giá thành thấp hơn. Bên cạnh đó, Formosa cũng có khấu hao lớn, chi phí lãi vay lớn, sức cạnh tranh sẽ giảm.
"Xin khẳng định, sự cạnh tranh của Formosa là rất không đáng ngại" – Chủ tịch của Hòa Phát nói.