Lãi đổ ầm ầm
Mùa Đại hội cổ đông ngân hàng 2018 được mở màn bằng đại hội của Techcombank và lập tức làm nóng làng bank với thông tin lợi nhuận “khủng” của ngân hàng sau 8 năm không chia cổ tức. Cú lợi nhuận gộp hơn 9.000 tỷ của Techcombank thực sự làm choáng các ngân hàng. Đặc biệt hơn, khi Techcombank không giấu mục tiêu muốn tiếp tục “soán” ngôi vị số 1 khối cổ phần năm tới với lãi gộp lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và một lỗ trình tăng vốn khủng. Còn VPbank sau 6 năm “om”, nay mới đem ra trưng tiền lãi lên tới hơn 7000 tỷ đồng.
Dù đã tăng tới hơn 40% lợi nhuận so với kế hoạch và đạt lãi khủng tới hơn 5.300 tỷ cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay nhưng MB vẫn để vuột vị trí quán quân trước đó. Trả lời Tiền Phong, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB ông Lưu Trung Thái chia sẻ rằng cá nhân ông mừng cho “hàng xóm” nhưng phân tích kỹ đây là lãi gộp của một quá trình dài tích tụ lại không chỉ cổ tức cho các cổ đông của Techcombank và VPbank. “Còn MB thì nghĩ đến quyền lợi cổ đông và chia đều. Nếu ngần ấy năm cộng lại, chắc chắn con số lợi nhuận của MB sẽ cao gấp đôi”, ông Thái khẳng định.
Theo đó, tại đại hội cổ đông vừa diễn ra, CEO MB cho biết: “Năm 2018, MB đặt mục tiêu kinh doanh thách thức với tổng tài sản tăng 11%, vốn điều lệ tăng 19%; Lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng (trong đó riêng ngân hàng đạt 6.500 tỷ đồng), nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%. “Với nền tảng vững vàng, kinh nghiệm và năng lực quản trị, điều hành tại ngân hàng mẹ cũng như tại các công ty thành viên tiếp tục được củng cố và nâng tầm; sự chuyển biến mạnh mẽ của ngân hàng và tiềm năng phát triển của các công ty thành viên sẽ là những cơ sở then chốt giúp MB hoàn thành tốt mục tiêu đề ra”, ông Thái nhấn mạnh.
Chuyện về lợi nhuận, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho rằng việc đặt kế hoạch lợi nhuận và chia cổ tức cao là một áp lực với các thành viên HĐQT nhưng vì lợi ích cổ đông, LiênVietPostBank luôn cố gắng hoàn thành. Năm 2018, LienVietPostBank đặt mục tiêu lãi trên 1.800 tỷ đồng, cao hơn 2017. Theo ông Thắng, việc cân đối các mục tiêu và vì quyền lợi dài hạn của cổ đông là điều HĐQT đang làm.“Chỉ tính 5 năm qua, riêng cổ tức chúng tôi chia cho cổ đông đã ở mức từ 46-47%”, ông Thắng nói.
Tại thời điểm này, hàng loạt các ngân hàng phía Nam như Sacombank, Eximbank cũng đang rốt ráo chuẩn bị đại hội cổ đông năm nay. Diễn biến cho thấy với Eximbank câu chuyện có thể tập trung nhiều vào quản trị rủi ro cũng như biến động nhân sự trong HĐQT; còn tại Sacombank, dưới sự dẫn dắt của ông Dương Công Minh, khá nhiều thông tin khả quan tiếp tục đổ về.
Thay tướng, vì sao?
Vào đầu tháng 3 này, NamABank quyết định thay “tướng” (CEO). Sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc NamABank, xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân để thực hiện công việc mới, HĐQT NamABank đã quyết định bổ nhiệm ông Trần Ngọc Tâm làm Quyền tổng giám đốc kể từ ngày 5/3. Lý do thay, dù ngân hàng khá kín tiếng nhưng tìm hiểu của riêng Tiền Phong bà Cẩm Tú có thể sẽ đi nhận nhiệm vụ mới từ HĐQT nhà băng này đó là được đề cử sang vị trí quan trọng tại một ngân hàng khác mà NamABank đang có cổ phần sắp diễn ra đại hội.
Còn tại đại hội cổ đông diễn ra ngày 28/3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưởng, một tên tuổi khá nổi trong giới tài chính ngân hàng đã chính thức nói lời chia tay và chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho ông Nguyễn Đình Thắng nguyên Phó chủ tịch HĐQT( kết quả bầu bán tại đại hội ông Thắng trúng cử với tỷ lệ phiếu cao). Còn ông Hưởng sẽ tiếp tục đồng hành với ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp. 10 năm gắn bó và “lăn xả” xây dựng tên tuổi, thương hiệu cho ngân hàng, LienVietPostBank lớn mạnh như hôm nay, nhận xét của cả giới tài chính cùng CBCNV ngân hàng, có công sức và dấu ấn khá đậm nét của ông Nguyễn Đức Hưởng. Việc chia tay này, theo cá nhân ông khá bất đắc dĩ bởi lý do sức khoẻ.
Liên quan đến việc thay Tổng giám đốc “giữa dòng” của một số nhà băng thời gian qua như ABBank, SeaBank, trao đổi với Tiền Phong, Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn (có thâm niên khá lâu ở vị trí CEO) cho biết: thực ra đây không phải là việc quá bất ngờ gì bởi việc chọn vị trí CEO điều hành luôn phụ thuộc vào chiến lược của mỗi nhà băng. Bên cạnh đó, vị CEO này cũng bổ sung thêm vào quãng thời gian vài năm tới, sức ép đến từ thị trường và môi trường kinh doanh với CEO là rất lớn. “Áp lực về lợi nhuận, về cổ tức, về xây dựng chiến lược đường hướng ngân hàng là điều không tránh khỏi và CEO nếu không đáp ứng, rất có thể Hội đồng quản trị hoặc ông bà chủ ngân hàng sẽ chọn người khác thay”, vị này khẳng định.
Xu hướng thay CEO ngân hàng còn diễn ra? Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đây là một xu thế tất yếu. “Thay máu lãnh đạo các nhà băng trong giai đoạn này cũng tốt. Bởi ngành ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2 của tái cơ cấu hệ thống, với những xu thế như hội nhập, phát triển công nghệ số, cần đòi hỏi những lãnh đạo trẻ có nhiệt huyết, kiến thức đồng thời kinh nghiệm giỏi”, ông Hiếu nói
Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, các ngân hàng còn công bố hàng loạt mục tiêu như Techcombank đang cân nhắc việc lên sàn trong năm 2018 với mức giá hiện trên OTC đã lên tới 9xx..;còn TPbank thì chuẩn bị niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với giá khởi điểm có thể trên đầu 3xx. Theo ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch HĐQT Techcombank, năm 2017 Techcombank đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ đã bán cho VAMC và năm 2018 sẽ không phải làm gì nữa với những khoản nợ ấy mà quay về hoạt động bình thường. Thậm chí 2018 và các năm sau sẽ được ghi nhận các khoản hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận.
“Việc bổ nhiệm Tổng giám đốc ngân hàng, chọn ai là tùy Hội đồng quản trị nhà băng đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ kiểm soát về mặt điều kiện, tiêu chuẩn và chịu trách nhiệm giám sát về thời hạn bổ nhiệm không quá 5 năm”.
Lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát NHNN