Sáng ngày 26/6, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông tại Hà Nội. Đại hội đã thông qua kế hoạch chia thưởng 60% bằng cổ phiếu và phát hành thêm, tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.
Việc chia cổ phiếu thưởng được thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần, nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển, theo Báo cáo tài chính Kiểm toán năm 2019. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10:6, số lượng phát hành dự kiến là 15 triệu cổ phần. Bên cạnh việc chia thưởng cổ phiếu, PLP sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với số lượng dự kiến tối đa là 20 triệu cổ phiếu, mức giá 10.000 đồng/CP.
Dự kiến, PLP sẽ nâng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng, số tiền thu được từ phát hành được công ty đầu tư vào hệ thống các công ty trong chiến lược phát triển dài hạn, bao gồm Công ty Cổ phần Khoáng sản Minh Cầm, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Tân Việt An, Công ty Cổ phần Hoàng Gia Pha Lê.
Hoàng Gia Pha Lê có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, PLP hiện sở hữu 44% vốn điều lệ. Đây là đơn vị đầu tư cho dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván sàn gạch nhựa SPC tại KCN Nhơn Trạch 2- Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nhà máy có công suất 8,7 triệu m2/năm, dự kiến khánh thành vào đầu quý 3/2020.
Hoàng Gia Pha Lê dự kiến tiêu thụ trong nước khoảng 10%, còn lại xuất khẩu khẩu. Tại đại hội, trao đổi với các cổ đông, lãnh đạo PLP cho biết, lô hàng gạch SPC đầu tiên xuất sang Mỹ đã rời cảng hôm 25/6.
Ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Gia (đối tác tham gia liên doanh Hoàng Gia Pha Lê) cho biết, gạch SPC đang có tiềm năng lớn tại thị trường Mỹ. Mới xuất hiện trong 2 năm, loại vật liệu này đã chiếm tới 50% thị phần ván sàn, đạt tốc độ tăng trưởng vượt ngoài dự kiến của các nhà phân phối vật liệu.
Đại hội cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, tăng lần lượt 70% và 8% so với mức thực hiện năm 2019, chưa bao gồm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất từ SPC. Hiện giá mỗi tấn Filler (sản phẩm chủ lực của PLP) xuất bán trên thị trường dao động trong 280 -350 USD, với mức giá SPC h trên thế giới hiện nay dao động từ 7.8 – 12 $/ m2 doanh thu bán 1 tấn filler khi sử dụng cùng lượng nguyên liệu để sản xuất sàn SPC có thể gấp 5 lần.
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Công ty chia sẻ, sự phục hồi của nền kinh tế và ngành bất động sản là điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng nhanh hơn nữa của ngành xây dựng. Công ty tận dụng tệp khách hàng đã có sẵn trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm Filler Masterbatch tại các thị trường lớn ở Trung Đông, châu Âu, UAE, Brazil để đồng hành cùng liên doanh phát triển thị trường, gia tăng doanh thu ván sàn gạch nhựa SPC.
PLP đặt mục tiêu gia tăng giá trị thặng dư trong sản phẩm, góp phần xóa bỏ định kiến về các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoáng sản, vốn bị đánh giá chỉ khai thác và bán các sản phẩm thô, chưa hoặc ít trải qua quá trình chế biến phức tạp.