Sáng ngày 21/04, CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (mã chứng khoán: PLP) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2018.
Cuộc chơi từ phụ gia ngành nhựa đến đá Marble nhân tạo
Được biết đến là doanh nghiệp đã hoạt động 10 năm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bột đá, bột đá siêu mịn CaCO3 và chất phụ gia ngành nhựa filler master batch với quy mô lớn, trong năm 2018, Nhựa Pha Lê sẽ đầu tư dây chuyền mới để tận dụng nguồn đá khai thác tạo ra các sản phẩm mới, một trong số đó là đá Marble.
Chia sẻ tại đại hội, ông Mai Thanh Phương – Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện tại các sản phẩm của Nhựa Pha Lê đều sử dụng nguyên liệu đá CaCO3 chất lượng cao khai thác tại mỏ đá Thung Hung - Nghệ An (đá loại A). Trong khi đó, thực tế quá trình khai thác đá còn tạo ra các loại đá chất lượng thấp hơn (đá loại A 1:3 hoặc B, C).
Cho đến hiện tại, do không có nhu cầu sử dụng, công ty đã bán lượng đá thải loại này nhưng giá bán thấp nên chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đã Marble có sử dụng các loại đá từ đá A đến B và C sẽ tận dụng được nguồn đá thải đang chiếm khoảng 50% lượng đá khai thác hiện nay. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất bột đá sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và dây chuyền sản xuất bột bả/ bột tôm (loại bột rải xuống đầm tôm để khử phèn, khử mặn) nhằm tiêu thụ hết lượng đá thải loại này.
Theo ông Mai Thanh Phương, hiện ở Việt Nam mới có 3 doanh nghiệp sản xuất đá Marble nhân tạo và sự cạnh tranh phụ thuộc vào chi phí nguyên liệu. Lợi thế của Pha Lê là chuỗi sản xuất khép kín từ mỏ đá đến sản phẩm và việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ việc khai thác đá sẽ làm tăng doanh thu, lợi nhuận cũng như tỷ lệ lợi nhuận biên của công ty.
Được biết dây chuyền sản xuất đá đang được lựa chọn giữa Trung Quốc và Đài Loan, còn dây chuyền cắt xẻ là của Ý. Theo ông Phương, khoảng 36 tháng là có thể thu hồi vốn đầu tư dây chuyền.
Phát hành cổ phiếu tăng gấp đôi vốn điều lệ
Để thực hiện kế hoạch đầu tư mới, trong năm 2018, Pha Lê sẽ phát hành 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương đương tỷ lệ 100%) với giá 12.000 đồng/cp. Mức giá chào bán này thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của PLP tại ngày 31/12/2017 là 13.575 đồng/cp và giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu PLP trong 100 phiên giao dịch (từ ngày 09/11/2017 – 09/04/2018) là 21.999 đồng/cp.
180 tỷ thu được từ đợt phát hành này sẽ được dùng để đầu tư tăng gấp đôi năng lực sản xuất của chi nhánh Nghệ An và nhà máy Hải Phòng, đầu tư dây chuyền sản xuất đá ốp lát nhân tạo và bổ sung vốn lưu động.
Theo báo cáo của HĐQT, Công ty đang sản xuất dựa trên 4 dây chuyền nghiền bột mịn tại Hải Phòng với tổng công suất 5.980 tấn/tháng. Sau khi di chuyển về chi nhánh Nghệ An, Nhựa Pha Lê có khả năng duy trì 4 dây chuyền hoạt động 24/24, qua đó nâng tổng công suất tối đa của cả 4 dây chuyền lên 7.200 tấn/tháng.
ĐHCĐ cũng đã thông qua kế hoạch phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu với số lượng 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ cổ tức là 10%. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2018, sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Kế hoạch lợi nhuận tăng 18%
Năm 2017, doanh thu của Nhựa Pha Lê tăng trưởng mạnh, đạt 314 tỷ đồng – tăng 145% so với năm 2016, trong dó doanh thu từ mảng hạt nhựa đạt 268 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 51,7 tỷ đồng – gấp 7 lần năm trước.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, doanh thu tăng đột biến trong các năm 2016, 2017 là do Nhựa Pha Lê bắt đầu vận hành nhà máy tại Hải Phòng. Hạt nhựa filler master batch là sản phẩm đem lại doanh thu chính.
Tuy vậy, công ty cũng gặp một số khó khăn trong năm qua như giá dầu tăng khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải tăng… Ngoài ra, do nhà máy mới đưa vào vận hành, công nhân sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ sản xuất lỗi cao, tỷ lệ hao hụt cao làm tăng chi phí.
Dựa trên những yếu tố thuận lợi – khó khăn và xu hướng biến động thị trường, HĐQT đã trình kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần 420 tỷ đồng – tăng 34% và lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng – tăng 18% so với năm 2017. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 20%.
Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy nợ ngắn hạn của Nhựa Pha Lê tăng gấp đôi. Ban lãnh đạo của công ty cho biết, việc tăng nợ vay ngắn hạn do công ty thực hiện chính sách bán trả chậm nhằm mục đích mở rộng thị trường. Chính sách này thực tế đã giúp Pha Lê tăng trưởng rất mạnh về doanh thu, tuy nhiên việc bị chiếm dụng vốn đòi hỏi công ty phải có nguồn dự trữ tài chính đủ mạnh để tiếp tục thực hiện chính sách này. Việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu là một trong các biện pháp để tăng tiềm lực tài chính của công ty này.