Ngày 24/4 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2021 của CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP). Đại hội đã thông qua phương hướng, kế hoạch hoạt động năm 2021 với nhiều điểm đáng chú ý.
Bứt phá mạnh từ dự án sàn đá công nghệ SPC, đầu tư bất động sản để "nuôi" các nhà máy
Lãnh đạo PLP cho biết, sau giai đoạn bản lề 2019-2020, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên các hoạt động đầu tư của Công ty mang lại hiệu quả. Nổi bật nhất trong đó là hai dự án:
+ Dự án sản xuất sàn đá công nghệ SPC tại liên doanh CTCP Hoàng Gia Pha Lê đã bắt đầu vận hành cuối năm 2020 đã cho ra những sản phẩm đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Sản phẩm của Công ty được đối tác đánh giá cao và đã xuất hiện trên các gian hàng của chuỗi siêu thị lớn nhất tại Mỹ là Home Depot. Bước sang năm 2021, doanh thu xuất khẩu của CTCP Hoàng Gia Pha Lê dự kiến sẽ bùng nổ, với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng 1.800 tỷ đồng doanh thu, trong đó 90% là xuất khẩu.
+ Dự án Khu nhà ở chung cư và dịch vụ sau đường bao biển Lán Bè – Cột 8, phường Hồng Hà, Tp.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tại CTCP Xây dựng Hạ Long đã hoàn tất thủ tục xin cấp Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 điều chỉnh nâng quy mô công trình. Dự án có quy mô tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, có vị trí đắc địa bậc nhất trên cung đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Công trình của dự án bao gồm: 03 công trình hỗn hợp cao 35-41 tầng, bao gồm các chức năng dịch vụ thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp; khối đế cao 04 tầng bố trí thương mại, dịch vụ, văn phòng; khối tháp 31-37 tầng bố trí căn hộ cao cấp; tổng diện tích sàn xây dựng là 135.135 m2, 1078 căn hộ với 03 tầng hầm để xe. Dự án dự kiến khởi công trong Quý 4/2021 hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023.
Lãnh đạo PLP cho biết dự án BĐS Hạ Long sau hơn 1 năm đầu tư đã có giá trị gấp 3 lần ban đầu. Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển dự án Tân Việt Nam với định hướng là sản phẩm thấp cấp hơn, với 50.000 mét vuông sàn xây dựng và 400 căn hộ.
Các dự án này nếu ngừng triển khai và Công ty bán ngay cũng có thể mang về lợi nhuận 200 – 300 tỷ mỗi dự án. Công ty và các đối tác đang phối hợp để tiếp tục triển khai dự án, trong năm 2021 sẽ nộp tiền sử dụng đất và được cấp giấy phép xây dựng để quý 4 khởi công dự án. Dự kiến sẽ bán sản phẩm SPC vào dự án, để dự án là showroom của sản phẩm SPC, đồng thời thu được lợi ích tài chính lớn hơn.
PLP xác định các khoản đầu tư tài chính là nguồn lực cũng như tài sản dự trữ của Công ty để "nuôi" ngành nghề chính, trong giai đoạn ban đầu đầu tư, xây dựng các Nhà máy.
Duy trì thị phần trong lĩnh vực Filler Masterbatch, đặt kế hoạch công ty mẹ lãi 45 tỷ đồng trong năm 2021
PLP cho biết công ty sẽ duy trì thị phần trong lĩnh vực Filler Masterbatch, đảm bảo sản lượng tăng trưởng từ 5-10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, Công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm và khai thác những giải pháp, yếu tố mới trong hoạt động sản kinh doanh, tập trung nghiên cứu các dòng sản phẩm nhựa kỹ thuật ứng dụng trong ngành vật liệu xây dựng nhằm tận dụng sự phát triển của thị trường bất động sản.
Đối với hoạt động đầu tư, năm 2021 Công ty sẽ tập trung củng cố, quản trị hiệu quả tại các khoản đầu tư đa thực hiện, từ đó gia tăng lợi nhuận của công ty mẹ, đảm bảo lợi ích cổ đông. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị cũng không loại trừ khả năng sẽ thực hiện các dự án đầu tư mới nhằm tận dụng tối đa hiệu quả nguồn vốn khi có cơ hội.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng (công ty mẹ), tăng trưởng lần lượt 6,7% và 5,6% so với năm trước. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến ở mức 10%.
Chào bán cổ phiếu tăng vốn lên 600 tỷ đồng
Trong năm nay, PLP sẽ tiếp tục hoàn thiện việc tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng với các điều kiện và mốc thời gian hợp lý để gia tăng lợi thế cạnh tranh của PLP trên thị trường; đồng thời để đáp ứng những yêu cầu mới về vốn kinh doanh cho các sản phẩm mới.
Theo đó, công ty dự kiến chào bán 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành thu về dự kiến 200 tỷ đồng.
Lãnh đạo PLP cho biết với 2 nhà máy đang xây dựng, tổng giá trị đầu tư máy móc thiết bị lên đến 1.200 tỷ đồng, Công ty đã được ngân hàng BIDV chấp thuận giải ngân, tuy nhiên vốn lưu động cho dự án dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng, thì mới đáp ứng được 50%. Do đó, việc tăng vốn của PLP là cần thiết để huy động vốn cho nhà máy mới.
Tham vọng lớn với thị trường vật liệu xây dựng Mỹ
Với quy mô nhà máy dự kiến hoàn thành đầu tư trong năm 2021, PLP được đối tác nước ngoài đánh giá nằm trong Top 3 nhà sản xuất ván sàn SPC lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay với 8 dây chuyền SPC tại Nhà máy Đồng Nai đã chạy full công suất, hết tháng 4/2021 thì 12 dây chuyền sẽ hoàn thành lắp đặt. Tổng công suất của 12 dây chuyền là 12-13 triệu mét vuông sàn 1 năm. Nhà máy thứ 2 tại Hải Phòng cũng đang bắt đầu xây dựng và dự kiến hết quý 2 sẽ lắp đặt xong 8 dây chuyền đầu tiên.
Như vậy với cả 2 nhà máy nếu hoàn thành và chạy tối đa công suất thì trong kế hoạch năm 2022 của PLP sẽ đạt 25-27 triệu mét vuông sàn SPC, tương ứng khoảng doanh thu 230 triệu USD. Trước đây khi chuẩn bị đầu tư, Công ty ước tính biên lợi nhuận ròng của dự án khoảng 10- 11% doanh thu, tuy nhiên do chi phí logistic tăng cao, chi phí nguyên vật liệu nhựa cũng tăng mạnh trong năm vừa qua, thì biên lợi nhuận ròng của Công ty chỉ còn khoảng 5-7% doanh thu, ban lãnh đạo đánh giá với quy mô doanh thu lớn như vậy và dòng tiền thu được là ngoại tệ, thì vẫn đảm bảo cho hiệu quả cho 2 nhà máy hoạt động.
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của sản phẩm so với hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, Công ty đánh giá (1) Các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng chi phí tài chính thấp hơn so với các Doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 3-4%, Công ty bù đắp bằng sản xuất tấm cốt sàn, tấm cốt sàn của Công ty với 75% nguyên liệu bột đã Canxi Carbonat, có chất lượng tốt hơn hẳn bột đá vôi, với nguồn cung cấp từ mỏ của PLP có thể giảm được 2% chi phí nguyên vật liệu chính.
(2) Doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng được chuỗi cung ứng tốt hơn, nên các chi phí nguyên vật liệu phụ như PVC, màng phim…giảm được 3-4% giá sản phẩm. Công ty cũng cạnh tranh bằng quản trị sản xuất, đi theo chuỗi cung ứng, mua hàng số lượng lớn…để giảm chi phí nguyên vật liệu phụ.
(3) 2 nhà máy của Công ty đều nằm trong khu công nghiệp được ưu đãi thuế, Nhà máy 1 tại KCN Nhơn Trạch Đồng Nai được ưu đãi thuế 4 năm, nhà máy tại Hải Phòng cũng được ưu đãi thuế. Tạm tính với phần thuế được ưu đãi, công ty có thể tiết giảm được 3-4% chi phí.
Với chi phí logistic, cá nhân Ban điều hành Công ty cũng đầu tư vào cảng MIPEC tại Hải Phòng, dự kiến sau khi Nhà máy Hải Phòng hoạt động, hàng hóa xuất khẩu đi qua cảng có lợi thế giá xuất khẩu và lưu kho tại cảng.
Và kế hoạch của Công ty là xuất khẩu đến 85% sản phẩm sang thị trường Mỹ. Hiện nay toàn bộ sản phẩm của Công ty cũng như kế hoạch sản xuất full công suất 12 dây chuyền đều được 1 doanh nghiệp bao tiêu, và đây là hàng gia công OEM cho doanh nghiệp bán lẻ tại Mỹ. Công ty đánh giá đây là rủi ro do tập trung chỉ ở một nguồn đầu ra. Công ty đã thành lập 3 công ty phân phối tại LA, Houston và Washington DC để tổ chức phân phối, bán lẻ sản phẩm mang thương hiệu RCF (Royal Crystal Floor) tại Mỹ, để chủ động và đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm tại thị trường Mỹ. Chiến lược trong 5 năm tiếp theo của PLP là mang sản phẩm của Việt Nam sang nước lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ, trở thành một phần trong thị trường vật liệu xây dựng Mỹ.