Sáng ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) họp đại hội đồng cổ đông thường niên.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT cho biết năm 2018, tăng trưởng lợi nhuận bình quân ngành ngân hàng đạt 40% trong khi TPBank đạt mức tăng trưởng 82% với lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng. Số lượng nhân sự của TPBank chỉ tăng 5%, nên năng suất lao động trên mỗi nhân sự TPBank tăng gần gấp đôi. Nhiều chi nhánh, phòng giao dịch mới mở nhưng đã đạt được điểm hòa vốn.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc, năm 2018, ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% và sau đó được ngân hàng Nhà nước nới lên 18,5%. Theo ông Hưng, ngân hàng phải tuân thủ chặt chẽ theo hạn mức bởi lẽ nếu vượt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có chế tài xử lý. Với năng lực của TPBank, thực tế tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức cao hơn.
CEO TPBank cho biết kết quả kinh doanh năm 2018 tăng trưởng mạnh vì TPBank là ngân hàng đầu tiên áp dụng giao kế hoạch lợi nhuận cho tất cả các bộ phận, bao gồm cả bộ phận back-office như pháp chế, kế toán…
Tuy nhiên, Chủ tịch TPBank cũng nêu một số hạn chế của ngân hàng như số lượng khách hàng acitve và mạng lưới giao dịch còn hạn chế. Hiện TPBank có khoảng 2,2 triệu khách hàng, tăng khoảng 40 lần so thời điểm tái cơ cấu vào năm 2012. Hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế chưa đạt kỳ vọng. Việc tuân thủ của một số đơn vị kinh doanh còn sai phạm và cần được tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Ông Đỗ Minh Phú cũng nêu một vấn đề của ngân hàng trong năm 2018 là tỷ lệ cán bộ cấp quản lý đi khỏi TPBank có dấu hiệu gia tăng. Tổng giám đốc Nguyễn Hưng bổ sung thêm lý do là vì các đơn vị khác đưa ra những ưu đãi quá hấp dẫn. Tuy nhiên, tỷ lệ dịch chuyển nhân sự tại TPBank hiện đã giảm, bằng chứng là số lượng nhân sự nghỉ việc sau Tết Nguyên đán (thời điểm thường có sự dịch chuyển lớn) giảm, cho thấy chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tại ngân hàng được cải thiện.
Chiến lược của ngân hàng là tập trung 3 trụ cột, thay vì chỉ tập trung vào riêng mảng lẻ như một số ngân hàng khác. Ba trụ cột bao gồm bán lẻ (tập trung khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp SME); bán buôn (tập đoàn lớn); kinh doanh vốn và đầu tư, ông Phú nói.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin cũng là hạng mục được đầu tư mạnh tại TPBank nhằm hướng tới mục tiêu số 1 về ngân hàng số (Digital Banking). Đến cuối năm 2018, ngân hàng đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng vào hệ thống hạ tầng công nghệ.
Về kế hoạch năm 2019, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16% lên 158.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng gần 17% lên 10.000 tỷ đồng. Tổng huy động và dư nợ cho vay cùng tăng 20%. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 142% lên 3.200 tỷ đồng.
Để xây dựng hệ sinh thái TPBank, HĐQT trình phương án thành lập công ty quản lý TNHN MTV quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Tiên Phong (TPBank AMC) vốn điều lệ 50 tỷ đồng và mua lại 100% vốn của công ty tài chính.
Ngân hàng chưa đề cập phương án trả cổ tức năm 2018, nhưng ông Đỗ Minh Phú cho biết lợi nhuận để lại chưa phân phối (1.527 tỷ đồng) sau khi lập TPBank AMC và mua công ty tài chính nếu còn dư sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu.
TPBank có kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn giá đóng cửa ngày 2/4/2019.
Ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế và niêm yết trên sàn Singapore nhằm mục tiêu tăng vốn cấp 2 đạt chuẩn Basel II.
Hết quý I, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng và tăng trưởng tín dụng 11,2%. CEO TPBank cho biết NHNN mới chỉ cho phép ngân hàng tăng trưởng tín dụng 13% cho năm 2019, mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, với việc đạt được Basel II, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 20% và kì vọng được NHNN nới “room”.
Ông Nguyễn Hưng cho biết tháng 4 dự kiến lợi nhuận trước thuế từ 250-280 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm vượt 1.100 tỷ đồng. Năm 2019, ông Hưng cho biết nếu lợi nhuận tốt, ngân hàng dự kiến sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC là 300 tỷ đồng, hoặc tối thiểu là 50% để duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp.
Tiếp tục cập nhật...