8h00, đại hội cổ đông chính thức bắt đầu.
Theo thông báo của Ban tổ chức, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) không thể tham gia họp do liên quan đến quy định về phòng chống dịch Covid-19, và ông Vỹ uỷ quyền chủ toạ cho ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Còn theo thông báo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông, cập nhật tại thời điểm 8h30, có các cổ đông đại diện cho 88,28% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, đủ điều kiện để tiến hành đại hội.
ĐHCĐ VIB sáng 16/3
Năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận 5 năm tăng trưởng kép tới 63%
Báo cáo tại đại hội về kết quả kinh doanh 2021, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng ngân hàng vẫn đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2020 và đạt 106,7% kế hoạch; Vốn điều lệ tăng thêm 40% lên trên 15.500 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 26,5% đạt hơn 309 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 19% - cao hơn so với mức 14% trung bình toàn ngành, trong đó cho vay bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và chiếm tỷ trọng 87% tổng dư nợ toàn hàng.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VIB ghi dấu ấn tích cực với mức tăng trưởng 54% so với 2020 nhờ kết quả của chuyển đổi số khi lượng khách hàng tham gia MyVIB và trả lương qua tài khoản tăng mạnh.
Năm 2021, VIB tiếp tục dẫn đầu xu thế thị trường thẻ tín dụng với các sản phẩm lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam. VIB cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi hoàn thành 100% quy trình phát hành thẻ tín dụng lên nền tảng số. AI, Bigdata và ngân hàng số trở thành động lực chính của tăng trưởng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động Bancassurance cũng tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường với thị phần tới 12%.
Đặc biệt, năm 2021 là năm kết thúc giai đoạn 1 của hành trình chuyển đổi 10 năm ở VIB (2017 - 2026). Trong 5 năm qua, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức tăng trưởng kép tới 63%, dẫn đầu ngành ngân hàng.
Đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, ROE tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng
Năm nay VIB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về Tổng tài sản, Tổng dư nợ tín dụng và Huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
"Lát nữa trong phần thảo luận cũng như phát biểu ý kiến, VIB mong muốn được đại diện NHNN cho ý kiến về vấn đề này" - ông Hàn Ngọc Vũ nói.
Năm 2022, VIB định hướng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi giúp đa dạng hóa nguồn thu và nâng cao hiệu suất sinh lời. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hướng tới mục tiêu tiếp tục được duy trì ở mức top đầu toàn ngành, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế hàng đầu.
Ông Hàn Ngọc Vũ trình bày kế hoạch kinh doanh 2022
Dự kiến chia thưởng tỷ lệ 35% và tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng
Một nội dung quan trọng được thảo luận tại đại hội là năm nay VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và chia cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) tỷ lệ 0,7% từ nguồn vốn chủ sở hữu, trong đó cổ phiếu thưởng cho cổ đông sẽ không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng còn cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên sẽ bị "lock" 1 năm.
Đại diện VIB đọc tờ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2022
Theo lý giải của HĐQT VIB, việc tăng vốn xuất phát từ nhu cầu vốn của Ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo Quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP là nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của Ngân hàng.
Trong hệ thống, VIB là một trong số những ngân hàng hiếm hoi rất đều đặn chia cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông và ESOP hàng năm cho người lao động.
Trong năm 2021, cổ phiếu VIB tăng mạnh, giúp vốn hoá thị trường tăng gấp 2,4 lần so với thời điểm đầu niêm yết vào tháng 11/2020. Cổ phiếu VIB thuộc top 3 trên HoSE mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho nhà đầu tư và nằm trong top 12 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho mức tăng của VN-Index.
Cổ đông hỏi, lãnh đạo VIB trả lời
Cổ đông hỏi:
1) Chính sách ESOP chỉ yêu cầu không giao dịch có 1 năm là quá ngắn, HĐQT có nên cân nhắc tăng thời gian lock cổ phiếu lên 3-4 năm? Việc ESOP có gắn với chỉ tiêu nào mà Ban điều hành thực hiện cho thời gian dài hạn hay không?
2) VIB có cho vay "sân sau" không?
Ông Hàn Ngọc Vũ trả lời: Ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp để giữ chân nhân tài, từ chính sách đào tạo cho đến các cơ chế ưu đãi, khuyến khích chứ không áp dụng biện pháp hành chính để ràng buộc. Về việc lock thời gian cổ phiếu ESOP, Ban lãnh đạo cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề này. Việc lock 1 năm hay 3 năm thực sự không quá liên quan đến việc giữ chân hay phát triển nhân tài, vì một khi người ta đã thích thì 1 năm hay 3 năm, hay sẵn sàng bỏ bớt một số quyền lợi. Những chích sách mà VIB đang thực hiện, phát triển đội ngũ trẻ để kế cận các tầng lớp trước, tạd điều kiện cho họ phát triển, có các vị trí, chức vụ cao hơn và thoả mãn được năng lực tăng lên của họ...mới là giữ chân nhân tài.
Ông Ân Thanh Sơn, Phó TGĐ bổ sung: VIB gắn kết cán bộ nhân viên bằng nhiều cơ chế, chính sách, động lực khác nhau chứ không áp dụng biện pháp hành chính. Trên thực tế, ở đây chúng tôi chỉ hạn chế giao dịch 1 năm theo quy định của luật. Sau khi được nhận ESOP, cổ phiếu đó thuộc về CBNV chứ không bị thu hồi khi nghỉ việc như ở một số ngân hàng khác.
Trả lời câu hỏi về cho vay người liên quan ở VIB, ông Ân Thanh Sơn cho biết, theo báo cáo đã công bố thì khoản vay liên quan người liên quan của ngân hàng năm 2021 chỉ có 19 tỷ đồng. "VIB là ngân hàng không cho vay đối với người liên quan hay sân sau gì cả, rất lành mạnh và "sạch" - ông Sơn chia sẻ, và cho biết thêm việc này có Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ.
Cổ đông hỏi: Điều gì tạo ra khác biệt giữa digital banking của VIB so với các ngân hàng khác, dự kiến đầu tư bao nhiêu, VIB sẽ tập trung phát triển số hoá thế nào?
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ VIB trả lời: VIB tập trung rất nhiều đầu tư vào công nghệ. Từ năm 2016, VIB là một trong những ngân hàng mở tài khoản online, 91% giao dịch ngân hàng bán lẻ qua VIB.
Hiện phần số hoá của VIB có cấu phần thứ nhất là MyVIB - app tốt nhất hệ thống; Lượng bán thẻ qua web tăng 50 lần so với 2020. Ngoài ra còn có smart sales.
Cấu phần thứ hai là data dữ liệu: Big data, AI, marchine learning, phát triển rất mạnh về bán bảo hiểm.
Cấu phần thứ ba là công nghệ: phát triển cloud, các công nghệ, sắp tới sẽ đưa micro services vào app, ngoài ra còn có open KPI...
VIB đã đầu tư 6-8% doanh thu thuần để đầu tư cho số hóa.
Cổ đông hỏi: VIB là ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel II, hiện nay nhiều ngân hàng thực hiện Basel III, ở VIB thì sao?
Ông Đặng Văn Sơn, thành viên HĐQT (phụ trách quản trị rủi ro) trả lời: VIB có cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) rất chú trọng rủi ro. Từ 2019, VIB đã là 1 trong 2 ngân hàng hoành thành sớm nhất Basel II.
Đối với Basel III, hiện ngân hàng đã triển khai được một số công việc, cấu phần của Basel III. Về quản trị rủi ro tín dụng đã áp dụng các model tính toán, đo các hành vi của khách hàng và chạy số liệu, tạo ra hệ điểm. VIB không chỉ mới chạy trên hệ số để nghiên cứu mà đã đưa vào áp dụng, hiện đang áp dụng ở thẻ tín dụng, các khoản vay có tài sản đảm bảo - là bước đi tiên phong trên thị trường. Về rủi ro thanh khoản, VIB đã áp dụng model tính toán và đã chạy, chỉ số đánh giá về quản lý rủi ro thị trường theo quy định là 100% thì VIB đã đạt mức tối thiểu là 110%. Về quản lý rủi ro thị trường có chỉ số về rủi ro danh mục (trading book) - hệ số VAR, hiện VIB đã đủ điều kiện như tiêu chí của Basel III về quản lý rủi ro thị trường.
Hiện VIB đang cùng các đơn vị tư vấn để hoàn thành các cấu phần tiếp theo của Basel III.
Cổ đông hỏi: Cơ sở nào để VIB tin vào khả năng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu?
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc trả lời: VIB hiện có tổng hoà nhiều yếu tố để tự tin vào mục tiêu này.
Thứ nhất là ngân hàng đã nhiều năm liên tiếp dẫn đầu thị trường và có thị phần trọng yếu trong các mảng kinh doanh quan trọng như thẻ, bảo hiểm, các sản phẩm cho vay mua ô tô, nhà, cho vay kinh doanh,...
Thứ hai, VIB phát triển đồng bộ và triển khai mạnh mẽ cả kênh bán hàng truyền thống và kênh số hóa từ nhiều năm gần đây. Các kênh bán hàng truyền thống liên tục được mở rộng và nâng cấp. Quý vị có thể trải nghiệm các giao dịch tại chi nhánh và điểm giao dịch của VIB rất tiện lợi, hiện đại và chuyên nghiệp. Kênh digital đã trở thành một điểm nổi bật của VIB trên thị trường khi chúng tôi là ngân hàng duy nhất đưa các sản phẩm như thẻ, tiền gửi, bảo hiểm được xây dựng quy trình 100% số hóa. Chúng ta cũng thấy kết quả trên 91% giao dịch bán lẻ của VIB hoàn toàn thực hiện qua kênh số, nhanh chóng, bảo mật và cạnh tranh hàng đầu trên thị trường.
Thứ ba, ngân hàng rất chú trọng marketing và nhiều năm gần đây thương hiệu của VIB đã phủ sóng mạnh mẽ và trở thành top of mind của phần đông khách hàng.
Thứ tư là chúng tôi tự tin về đội ngũ nhân viên và đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, tận tâm, sáng tạo và tâm huyết với khách hàng. VIB không chỉ đảm bảo và gia tăng quyền lợi cho nhân viên về thưởng hay đào tạo, mà thường xuyên tăng cường tỷ trọng đội ngũ phục vụ khách hàng trên tổng số nhân viên. Hiện nay bộ phận bán lẻ có tỷ lệ tới 92% là bộ phận bán hàng.
Với các điểm mạnh cốt lõi đã nêu trên, kế hoạch tăng lượng khách hàng lên 10 triệu là khả thi cho một ngân hàng đang dẫn đầu thị trường về nhiều mảng kinh doanh bán lẻ. Ngân hàng kiên định mục tiêu và định vị là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chất lượng và quy mô.
Cổ đông dự đại hội
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó GĐ chi nhánh NHNN tại TP.HCM phát biểu: VIB là một trong những ngân hàng được NHNN đánh giá rất cao về mọi mặt, cả hoạt động chung, quản trị rủi ro lẫn chuyển đổi số.
Về hoạt động, mặc dù đại dịch covid-19 nhưng VIB vẫn tăng trưởng tốt về chất lượng, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng tín dụng với nợ xấu giảm. Một số kế hoạch chưa đạt như huy động vốn hay tín dụng thì đó là do khách quan, thực tế là VIB vẫn tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân toàn ngành và tăng trưởng cao so với năm trước. Việc chưa đạt kế hoạch ở các chỉ tiêu này không phải chỉ VIB mà các ngân hàng khác nữa. Trong bối cảnh đại dịch, toàn ngành đã phải hi sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Nhìn chung, NHNN ghi nhận VIB đã hoàn thành rất tốt.
Về ngân hàng số, VIB đã có nhiều công nghệ hiện đại, sản phẩm có nhiều tiện ích. Qua đại dịch, ngân hàng số, thanh toán không tiền mặt đã phát triển nhanh hơn nhờ việc ngân hàng đi nhanh trong triển khai các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng - phục vụ họ tốt hơn ngay cả khi do dịch bệnh khách hàng không thể đến ngân hàng giao dịch.
Năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn do đại dịch vẫn tiếp diễn, các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng tiếp tục chịu trọng trách hỗ trợ khách hàng. NHNN thống nhất với các kế hoạch mà VIB đã xây dựng như về tăng trưởng hoạt động (muốn tăng trưởng hoạt động phải tăng vốn, VIB sẽ nằm trong số ít ngân hàng có vốn trên 20.000 tỷ) hay phát triển ngân hàng số. Về việc bổ sung nội dung hoạt động mà VIB đề xuất, NHNN đánh giá là hoàn toàn chính đáng, thể hiện tính tích cực, năng động, chủ động của ngân hàng.
Kết quả biểu quyết các tờ trình
Sau hơn 4h làm việc, các tờ trình tại đại hội gồm báo cáo kết quả kinh doanh 2021 của Ban điều hành, báo cáo của ban kiểm soát, phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận; phương án tăng vốn điều lệ; báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp; thù lao, thưởng cho HĐQT và BKS; bổ sung nội dung hoạt độn...đều được các cổ đông của VIB thống nhất thông qua với tỷ lệ đạt trên 99%.