Hôm nay (19/6) đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Tổng công ty Viglacera (VGC).
Hoàn thành vượt kế hoạch năm 2019, chia cổ tức 11%
Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2019, Viglacera ghi nhận doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 10.145 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 970 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch.
Tính riêng Công ty mẹ, doanh thu đạt 4.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 719 tỷ đồng, đạt 111% so với kế hoạch ĐHĐCĐ giao, tăng lãi 111 tỷ đồng so với thực hiện năm 2018; đảm bảo mục tiêu lợi nhuận và tỷ lệ chia cổ tức năm 2019 là 11%, cao hơn 0,5% theo cam kết với ĐHĐCĐ.
Tập trung phát triển Khu công nghiệp đón sóng đầu tư, đặt kế hoạch lãi hợp nhất 750 tỷ đồng trong năm 2020
Năm 2020, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.300 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 3.600 tỷ đồng; Lãi trước thuế hợp nhất đạt 750 tỷ đồng; Công ty Mẹ đạt 600 tỷ đồng; Thực hiện chia cổ tức tối thiểu ở mức 10,5%.
Viglacera cho biết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã được xem xét đến các yếu tố bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tổng công ty trong quý 1/2020 và các quý còn lại của năm.
Đối với lĩnh vực vật liệu, năm 2020 Tổng công ty phát triển các bộ sản phẩm đồng bộ mới như Sứ vệ sinh - sen vòi - gạch ốp lát chất lượng cao, mang thương hiệu cao cấp Eurotile và Platinum; Sản phẩm công nghệ cao, Xanh - thân thiện với môi trường như Kính siêu trắng, kính tiết kiệm năng lượng, tấm Panel và gạch bê tông khí...
Với lĩnh vực Bất động sản, Viglacera sẽ tập trung phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp cho thuê nhằm đi trước đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sẵn sàng quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư. Cụ thể, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các dự án KCN đang triển khai như Hải Yên và Đông Mai - Quảng Ninh, Phú Hà – Phú Thọ, Yên Phong II-C và Yên Phong mở rộng - Bắc Ninh, Đồng Văn 4 - Hà Nam, Tiền Hải - Thái Bình, Phong Điền- Huế; KCN Yên Mỹ - Hưng Yên.
Viglacera sẽ tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư và triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các KCN mới như: Thuận Thành - Bắc Ninh (250ha), Huế (1.000 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (270 ha), Đông mai mở rộng - Quảng Ninh (140 ha), Phú Thọ (500 ha). Ngoài ra, Viglacera cũng xúc tiến các bước khảo sát và mở rộng quỹ đất mới, phát triển các KCN mới tại các tỉnh thành có tiềm năng; hợp tác đầu tư dự án bất động sản tại Long Sơn - Vũng Tàu.
Với lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà, Viglacera sẽ tiếp tục đầu tư các dự án đang triển khai như nhà ở xã hội tại Kim Chung – Đông Anh (Hợp tác đầu tư) và Tiên Dương – Đông Anh (Hợp tác đầu tư); Nhà ở công nhân tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà; Khu nhà ở xã hội 9,8ha Yên Phong -Bắc Ninh; Triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở công nhân tại các KCN Đông Mai, Tiền Hải; Tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân tại phía Nam (Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, Viglacera cũng triển khai đầu tư khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải GĐ1 – 35ha cũng như chuẩn bị đầu tư GĐ2 - 40ha; Tiếp tục triển khai ác dự án nhà ở thành phần tại các khu đô thị hiện có, chuyển tiếp từ năm 2019 cũng như triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có sang đầu tư khu nhà ở tại khu đất diện tích 12,5ha của Nhà máy Kính Đáp Cầu.
Một điểm đáng chú ý, đại hội đã thông qua việc sửa đổi điều lệ công ty. Theo đó, Viglacera sẽ bổ sung điều lệ HĐQT có quyền hạn quyết định tham gia các liên danh để làm chủ đầu tư các dự án bất động sản, liên danh sản xuất kinh doanh và tham gia liên danh các dự án đầu tư khác (trừ những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ).
Bộ Xây dựng có thể thoái toàn bộ vốn khỏi Viglacera vào cuối năm 2020
Tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Bộ đang có kế hoạch thoái toàn bộ vốn khỏi Viglacera vào cuối năm 2020. Bộ Xây dựng đang lên phương án trình Thủ tướng, nỗ lực thực hiện thoái vốn công khai, minh bạch, đảm bảo không làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết sau khi có báo cáo bán niên là thời điểm xác định định giá cổ phần. Tháng 11 đến tháng 12 sẽ hoàn thành thoái vốn Nhà nước. VGC là thuộc đối tượng thoái vốn có phương án cụ thể, Bộ sẽ có ý kiến báo cáo Thủ tướng các bước phải làm để thực hiện trong năm 2020.
Sau đợt thoái vốn năm 2019, Bộ Xây dựng hiện đang nắm giữ 38,85% cổ phần Viglacera. Nhóm cổ đông chiến lược Gelex đang nắm giữ xấp xỉ 25% cổ phần Viglacera và có kế hoạch gia tăng sở hữu chi phối khi Bộ Xây dựng thoái vốn. Gelex cũng lên kế hoạch lãi trước thuế 975 tỷ đồng trong năm 2020 nếu hoàn tất hợp nhất Viglacera trong quý 4.
5 tháng đầu năm hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận, tiềm năng lớn từ dự án Cuba
Viglacera cho biết trong 5 tháng đầu năm, công ty ước đạt 343 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 46% kế hoạch năm. Tuy nhiên, cổ đông cho rằng với con số thực hiện 5 tháng như vậy thì kế hoạch 750 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2020 là khá thấp và đề nghị tăng kế hoạch lên 850 tỷ đồng.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - TGĐ Viglacera cho biết nếu không có dịch Covid, việc tăng kế hoạch kinh doanh lên 850 tỷ đồng là khả thi. Quý 1 VGC tăng trưởng tốt, nhưng tháng 4,5 bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay sản xuất đã trở lại, tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn phức tạp trên quy mô toàn cầu và là rủi ro ngoài dự báo. VGC đã tính đến rủi ro này và đưa ra kế hoạch có tính khả thi cao. Tuy nhiên, VGC sẽ phấn đấu vượt kế hoạch đề ra.
Về lĩnh vực Khu công nghiệp (KCN), ông Tuấn cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Tích cực là nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam, trong khi VGC là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời, sẵn sàng đón làn sóng. Tuy nhiên, tiêu cực là Covid khiến nhà đầu tư khó có thể sang Việt Nam lúc này.
Trả lời cổ đông về lợi thế của VGC trong lĩnh vực KCN khi ngày càng có nhiều "tay chơi" lớn gia nhập, ông Tuấn cho biết trong 20 năm qua, VGC đã cạnh tranh rất tốt với nhiều tên tuổi ngành KCN, gây dựng được thương hiệu, đội ngũ trình độ cao, hoàn toàn đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp KCN, thậm chí các doanh nghiệp KCN nước ngoài. Việc các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư KCN gây áp lực cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài tìm đến họ sẽ lựa chọn các chủ đầu tư KCN có thương hiệu, năng lực. Có thể thấy Samsung đã lựa chọn KCN của VGC làm nơi đặt nhà máy sản xuất.
Hiện nay VGC là công ty liên kết của GEX. GEX có lợi thế là nhà nước thoái vốn hết toàn bộ năm 2015 nên đã xong quá trình tái cấu trúc từ công ty nhà nước sang CTCP. VGC khá mạnh về KCN phía Bắc, nhưng chưa làm ở phía Nam. Do đó, GEX mong muốn hỗ trợ VGC phát triển KCN phía nam.
VGC cũng đang chờ Bộ Xây dựng thoái vốn nên việc phát triển KCN phía nam sẽ mất thời gian do phải xin ý kiến Bộ. Do đó, trước mắt GEX sẽ đi phát triển quỹ đất các KCN phía nam, sau đó VGC sẽ trở thành nhà phát triển hạ tầng, sản phẩm, bán cho các nhà đầu tư.
Về các dự án tại Cuba, ông Tuấn cho biết việc đầu tư vào Cuba có nhiều điều lo lắng bởi địa lý xa Việt Nam, lại bị cấm vận, điều kiện sản xuất chưa thuận lợi. Tuy vậy, Cuba có nhiều nét tương đồng với Việt Nam cách đây 30 năm và là cơ hội tốt để đầu tư dài hạn.
VGC đầu tư Cuba trên quan điểm an toàn. Hiện VGC có một nhà máy sản xuất gạch ốp lát, gốm sứ tại Cuba. Tuy nhiên, VGC không đầu tư vốn vào đó, chỉ đưa công nghệ, cách vận hành từ Việt Nam sang, nhà máy đã có sẵn của Cuba. Điều tích cực là nhà máy này đã đi vào hoạt động ổn định, KQKD 5 tháng đầu năm đã có lãi do thị trường tiêu thụ tốt, dù gặp khó khăn về điều kiện sản xuất.
Về đầu tư hạ tầng, VGC có quỹ đất "đẹp" ở Cuba với mức thuê rất rẻ, lại được ưu miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 20 năm. Hiện đã có một số đối tác từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ký hợp đồng thuê đất của VGC tại Cuba. Trong tương lai nếu Cuba được dỡ bỏ cấm vận sẽ là cơ hội bùng nổ cho dự ánh Khu công nghiệp của VGC.