Sáng nay, Tổng công ty cổ phần Vinaconex tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Năm 2019, tổng doanh thu toàn công ty đạt 9.891 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 787 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và cao hơn 23% so với thực hiện năm 2018.
Năm 2019, Tổng công ty tập trung đẩy mạnh kinh doanh theo định hướng Xây dựng – Bất động sản – Đầu tư tài chính.
Năm 2020, Vinaconex đạt mục tiêu tổng doanh thu 9.530 tỷ đồng, bằng 96% thực hiện 2019, lợi nhuận sau thuế 820 tỷ, tăng 4% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức 12%, gấp đôi năm trước (6% bằng tiền mặt).
Với mảng Xây dựng: Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã trúng thầu các công trình lô F&M tại dự án Foxconn Bắc Giang, gói PCCC tại dự án Foertek Bắc Ninh, gói thầu thi công trạm điện và nhà chilier tại dự án Crystal Martin Bắc Giang,…Tiếp tục tìm kiếm các dự án trọng điểm như Lotte Mall Hà Nội, dự án Vega City (Nha Trang), …và các gói thầu thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam..
Đẩy mạnh công tác đấu thầu, đặc biệt là các công trình hạ tầng, các dự án đầu tư công do Nhà nước đầu tư trong gói kích thích phát triển của Chính phủ. Mở rộng quan hệ với đối tác nước ngoài, tăng cường hợp tác, liên kết để tham gia xây dựng các dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản: Công ty mẹ và các công ty thành viên tập trung triển khai các dự án đầu tư sẵn có, tăng cường tìm kiếm dự án mới. Phấn đấu bàn giao và quyết toán các dự án 2B Vinata, dự án Bohemia 25 Nguyễn Huy Hưởng và 97-99 Láng Hạ. Tập trung đẩy mạnh tiến độ dự án 93 Láng Hạ, D9 Thanh Xuân, Khu đô thị mới Thiên Ân, văn phòng kết hợp chung cư 442 Lê Hồng Phong – Nha Trang, khu đô thị Móng Cái – Quảng Ninh, khu tổ hợp nghỉ dưỡng ven biển Tuy Hòa – Phú Yên, khu đô thị Cát Bà Amatina tại đảo Cát Bà – Hải Phòng hướng tới phân khúc BĐS cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng tại miền Bắc. Tìm kiếm đối tác đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các dự án BOT hạ tầng giao thông trọng điểm để tạo công ăn việc làm cho cả hệ thống công ty.
Với hoạt động đầu tư tài chính: Tìm cơ hội đầu tư và thoái vốn tại một số đơn vị không hiệu quả và không thuộc lĩnh vực cốt lõi để tập trung nguồn lực cho các công ty hoạt động với hiệu quả cao.
Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 15%
HĐQT trình kế hoạch tăng vốn bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 15% tổng số cổ phần đang lưu hành (số cổ phiếu dự kiến chào bán 66.256.600 cổ phần).
Tỷ lệ thực hiện quyền là 20:3 (20 cổ phiếu được quyền mua 3 cổ phiếu mới). Giá chào bán 15.000 đồng/cp.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán 993,8 tỷ đồng để triển khai dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại phường Hải Hoà, Móng Cái, Quảng Ninh, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại Khu công nghiệp Đông Anh, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel resort ven biển Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, làm vốn đối ứng tham gia các dự bán BOT: dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Phan Thiết – Dầu Giây…
Tái cấu trúc phần vốn công ty tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh
Theo tờ trình của HĐQT, công ty An Khánh JVC, là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích đất 264,13ha, nằm tại huyện Hoài Đức Hà Nội là dự án rất tiềm năng. Vốn điều lệ của công ty là 680,5 tỷ đồng, trong đó Vinaconex nắm 50% và CTCP Địa ốc Phú Long nắm 50% vốn góp. Diện tích đã thực hiện là 50,7 ha và diện tích còn lại là 194,93 ha, đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng và quy hoạch 1/500, cũng như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với Nhà nước.
Tuy nhiên cơ cấu vốn góp 50/50 của 2 thành viên trong An Khánh JVC gây bất lợi về mặt thời gian trong việc triển khai dự án do các vấn đề trọng yếu phải được sự đồng thuận của 2 thành viên, đó là lí do khiến dự án đình trệ thời gian gần đây. Trong bối cảnh đó, An Khánh JVC đang nợ 3.406 tỷ đồng phát sinh chi phí tài chính lớn.
Do đó, Vinaconex đề xuất phương án tái cấu trúc phần vốn tại An Khánh JVC theo hướng đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ vốn của Vinaconex tại An Khánh JVC cho Phú Long hoặc cho NĐT khác có nhu cầu, hoặc đám phán mua lại toàn bộ phần vốn của Phú Long để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.
HĐQT trình ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn phương án tài cấu trúc và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho tổng công ty.
Việc cân nhắc thoái vốn khỏi An khánh là 1 bước đi khôn ngoan của VCG để tránh phải bỏ thêm lượng vốn rất lớn vào mảng kinh doanh bất động sản đang trong giai đoạn chậm và chững lại. VCG sẽ có thêm vốn để tập trung đầu tư cho các dự án tiềm năng khác trong bối cảnh dòng tiền của công ty bị sụt giảm.
Q&A
Chủ tịch Đào Ngọc Thanh: So với ĐHCĐ năm 2019 năm nay số lượng câu hỏi ít quá, điều này phản ánh điều tốt là phần lớn các vấn đề của Vinaconex, một số cổ đông quan tâm đến Vinaconex bị ít đi một chút. Đứng ở phương diện người quản trị công ty tôi mong nhận được các ý kiến đóng góp, các ông nên làm thế nào để phát triển tốt hơn, tạo ra không gian đoàn kết hơn trên tinh thần đóng góp để Vinaconex thành một công ty hàng đầu tại Việt Nam.
Vinaconex nằm trong top 10 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam, Vinaconex không chỉ là nhà thầu mà đứng trên 3 thế Nhà thầu – đầu tư phát triển BĐS nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, công nghiệp – Đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác.
Chúng tôi là những người quản trị mong muốn Vinaconex trở thành top công ty hàng đầu Việt Nam trên các lĩnh vực trên.
Cổ đông: Có ý kiến nói rằng, Vinaconex đang muốn đầu tư tại sao lại bán vốn ở Thủy Điện Cửa Đạt?
Vinaconex chuyển nhượng 28% cổ phần nắm giữ tại Cửa Đạt (VCP): Vinaconex không phải là cổ đông chi phối tại dự án này, lợi nhuận thu về không tương xứng với đầu tư và tầm cỡ của Vinaconex. Do vậy thoái vốn để đầu tư vào những dự án có hiệu quả hơn. Điều này chúng tôi xin ý kiến thành viên hội đồng quản trị bằng văn bản.
Chúng ta có tiếp tục đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ có hiệu quả lâu dài, trong thời gian vừa qua chúng ta mở rộng nhà máy thủy điện Ngòi Phát, nắm quyền chi phối, đàm phán mua lại các công ty thủy điện khác khi có hiệu quả.
Cổ đông: Dòng tiền của công ty tại sao bị âm?
Dòng tiền, nguồn vốn, tài chính chúng ta không thể tự quyết định được, được thực hiện và phản ánh trong báo cáo tài chính một cách đầy đủ chính xác, việc này không thể nào chúng ta vượt qua cơ quan tài chính đặc biệt là các công ty kiểm toán. Vinaconex được kiểm toán bởi Big 4, Big 4 không thể làm sai, đầu tiên tính hợp lý của báo cáo hoàn toàn chính xác. Nếu ai thấy rằng trong báo cáo tài chính này Big 4 làm sai điều gì hoàn toàn có thể khiếu nại.
Tại sao âm? Tại sao dư nợ nhiều thế? …Sẽ dẫn đến ý thứ 2, đã gọi là dòng tiền thì phải có thời gian, dòng tiền phải có thời gian để trở lại để hoàn vốn. Nợ dương hay âm Vinaconex là công ty có lượng vốn đảm bảo tốt, lợi nhuận mang lại đầu tư tài chính bằng nguồn tiền cho vay, vì vậy có những trường hợp thể hiện.
Năm 2019 đấu thầu dự án ở Phú Yên hơn 600 tỷ phải đặt tiền ngay, chưa kể chúng ta còn đầu tư nhiều dự án BĐS đặc biệt là Móng Cái, Quảng Ninh những dự án thực hiện quá trình đầu tư, đảm bảo công tác đảm bảo dòng tiền, khẳng định hoàn toàn minh bạch.
Vinaconex đang đầu tư cho đợt tăng trưởng mới nhưng Vinaconex không có lý do gì không đầu tư tăng trưởng, chúng ta mua các dự án, xây lắp làm các dự án khổng lồ, có 5 gói thầu cao tốc Bắc Nam dự kiến 5 gói thầu dự kiến 50.000 tỷ đồng. Kinh nghiệm BOT và quản trị cao tốc, chúng ta sẽ tham gia. Hiện nay đang phát triển rất nhiều sân bay.
Tại sao không có quyền ước mơ, dứt khoát phải ước mơ, thành công phụ thuộc năng lực, phải chuẩn bị cho sự tăng trưởng mới.
Cổ đông: Vấn đề tăng vốn điều lệ của tổng công ty?
Chúng ta đang có tiền nhưng tiền của chúng ta không thấm tháp gì so với những gì chúng ta mong muốn. Chúng ta muốn làm dự án tại Phú Yên, tại Đèo Cả ,chúng ta muốn làm sân golf, xin làm dự án 500ha tại Hội An…
Chúng ta sơ tuyển 5 gói thầu BOT thì tiền đâu… Vì vậy chúng tôi phải tăng vốn, giải quyết câu chuyện thương hiệu với tổng công ty lớn, muốn đấu thầu gì phải công ty lớn, công ty bé chưa vào cửa bị đuổi đầu tiên, có tiền làm vé vào cửa, có tiền mới làm được những cái chúng ta muốn. Tăng vốn có bị thiệt thòi không? Ban lãnh đạo cân nhắc sự thiệt thòi hay không, nếu tăng vốn trên thị trường cổ phiếu về 10 thì không nên, trên thị trường 30.000/cổ phiếu nhưng làm thế nào để cổ đông không bị thiệt thòi nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho công ty. Tăng vốn để đảm bảo cho tất cả các cổ đông có lợi.
Cổ Đông: Vấn đề tái cấu trúc Bắc An Khánh?
Công ty An Khánh JVC hiện nay tập đoàn nắm giữ 50%, 50% còn lại của Phú Long, nếu muốn làm gì cả 4 thành viên HĐQT đều phải đồng tình, làm kinh tế chờ cả 4 ông giơ tay cả 4 thì không đợi được, thậm chí có những việc không cần cả 4 ông vẫn tốt, có ông phản bác vẫn tốt. Một đống tiền ở đấy không thu được trong khi đó nợ vay lãi vay ngày một tăng. Hiện nay lãi vay cổ đông của An Khánh phải chịu, Vinaconex phải chịu 1 nửa, một năm mấy ngàn tỷ tiền lãi. Sự không nhất trí kéo dài là không có lợi.
Một là chuyển nhượng cho Địa ốc Phú Long - đơn vị đang nắm giữ 50% vốn của An Khánh. Nếu Phú Long không đồng ý thì chuyển nhượng cho người khác. Nếu Phú Long muốn bán thì Vinaconex sẵn sàng mua lại.
Con số hợp lý sẽ tìm ra, mọi thứ trên đời đều tìm ra được có điều thích hay không thích.
Họ mua thì tôi bán họ bán thì tôi mua.
Hiện nay Vinaconex là tổng công ty lớn có rất nhiều thế mạnh trong nhóm các công ty xây dựng, đặc biệt cty xây dựng nhà nước được đánh giá công ty hàng đầu. Rất nhiều KCN như KCN cao Hòa Lạc, hiện đã giao khu công nghiệp Sơn Tây cho Vinaconex, dùng tiền ấy phát triển KCN nhanh hơn.
Cổ đông: Các dự án triển khai?
Vinaconex đang hợp tác nhiều doanh nghiệp Foxconn, công ty Hàn Quốc, Công ty Nhật giao hẳn chúng ta làm khách sạn lớn tại Đà Nẵng. Năm nay giao 270ha hy vọng năm tới tốt hơn.
Ý kiến trong HĐQT có đảm bảo không?
Không có gì là không đảm bảo, càng ngày các cổ đông càng hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn, hôm nay không đồng ý điểm này hay điểm kia là bình thường. Liên hợp quốc còn nhiều hơn thế nữa, cái này là sự bình thường không vấn đề gì, cho đến hôm nay sản lượng vẫn đạt 98%, doanh thu đạt, hiệu quả lợi nhuận 116% sau thuế. Tốt chứ, không tốt lấy đâu ra tiền, không tốt tiền từ đâu mọc ra. Những yêu cầu của các cổ đông lớn luôn luôn được đảm bảo theo luật định.
Cổ đông: Vấn đề công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình tổng công ty?
Trách nhiệm làm theo luật định.
Cổ đông: Quyền lợi cho các cổ đông Cường Vũ, Star Invest có được đảm bảo?
Tất cả quyền lợi của cổ đông sẽ được đảm bảo, Tổng công ty không làm bất cứ điều gì vi phạm quyền lợi cổ đông, nếu anh thấy rằng điều gì không đảm bảo quyền lợi có thể kiến nghị, kiện ra tòa và thực chất đã kiện rồi.
Báo cáo Ban kiểm soát công ty đã thực hiện điều này theo đúng ban kiểm soát, ban kiểm soát có trách nhiệm, nếu điều đó không thỏa mãn, ban kiểm soát có thể làm với công ty rõ ràng minh bạch, mong kết luận của Ban kiểm soát làm việc với công ty.
Trước đại hội, các cổ đông lớn của Vinaconex đã gửi chất vấn ban lãnh đạo công ty về nhiều vấn đề như:
+ Vì sao hoạt động xây lắp là mảng kinh doanh cốt lõi của Tổng công ty nhưng lợi nhuận lại đạt thấp như vậy?
+ Yêu cầu HĐQT và Ban điều hành giải trình rõ nguyên nhân dòng tiền âm gia tăng một cách bất thường trong năm 2019? Số tiền này đi đâu trong khi Tổng công ty chưa có dự án nào được triển khai và giá trị hàng hóa tồn kho cũng không tăng trong kỳ báo cáo?
+ Vì sao Tổng công ty lại sử dụng tiền vay ngân hàng với lãi suất cao (trên 11%/năm) và bán các tài sản đang sinh lời để tài trợ cho các khoản rủi ro cao là Trả trước cho người bán và Phải thu khác?
+ Chất vấn về các khoản đầu tư vào KCN Hòa Phú, trái phiếu Vinaconex ITC, thoái vốn VCP, tái cấu trúc Bắc An Khánh...
"Ngày 23/8/2019, TCT đã ban hành Quyết định số 0586/2019/QĐ-HĐQT ngày 23/8/2019 về việc "Phê duyệt phương án hợp tác đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang" , theo đó Tổng công ty góp vốn 869 tỷ đồng vào dự án trên (chiếm tỷ lệ 45%), nhưng lại ủy quyền hoàn toàn cho Công ty TNHH Hòa Phú Invest (chủ đầu tư) được chủ động triển khai dự án. Tổng công ty không tham gia quản lý, điều hành dự án, đồng thời không có các biện pháp bảo đảm an toàn cũng như kiểm soát việc sử dụng vốn của chủ đầu tư. Chúng tôi đề nghị HĐQT báo cáo về hiệu quả và việc quản lý vốn tại Dự án này".
Đối với phương án tái cấu trúc khoản đầu tư vào Bắc Anh Khánh, đại diện cổ đông lớn cho rằng cho rằng Vinaconex "chỉ có thể lựa chọn phương án duy nhất là đàm phán để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại là Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. Vì theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, Điều lệ của An Khánh JVC cũng như thỏa thuận tài trợ vốn giữa Phú Long và Anh Khánh JVC thì Phú Long là bên được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty trong mọi trường hợp. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Tổng công ty cho nhà đầu tư khác khi không có sự đồng ý của Phú Long là trái pháp luật và sẽ bị vô hiệu".