Theo tài liệu ĐHCĐ, trong năm 2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất Vinhomes đạt 38.664 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 35.769 tỷ đồng và doanh thu từ cho thuê bất động sản đạt 816 tỷ đồng.
Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản năm 2018 chủ yếu đến từ việc hoàn thành và bàn giao các dự án Vinhomes Golden River, Vinhomes Central Park tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vinhomes Metropolis tại Hà Nội, Vinhomes Green Bay tại Hà Nội và một số dự án khác.
Doanh thu từ cho thuê bất động sản của Vinhomes đến từ doanh thu cho thuê căn hộ dịch vụ tại các dự án do Vinhomes quản lý và cho thuê văn phòng thuộc dự án Vincom Center Đồng Khởi (Thành phố Hồ Chí Minh) và văn phòng thuộc dự án Times City (Hà Nội).
Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 14.776 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với mức thực hiện năm 2017. Về phân phối lợi nhuận, VinHomes sẽ trích khoảng 3.350 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3.
Mới đây, VinHomes đã bổ nhiệm ông Phạm Thiếu Hoa vào vị trí Tổng giám đốc thay cho bà Lưu Thị Ánh Xuân.
Trong năm 2019, Vinhomes sẽ tập trung triển khai 3 dự án đại đô thị, bao gồm 3 dòng sản phẩm Vinhomes Sapphire, Vinhomes Ruby và Vinhomes Diamond. Ngoài ra, công ty còn dự kiến mở bán một số dự án mới được quy hoạch ở trung tâm các thành phố lớn.
Công ty cũng tiếp tục mở rộng lĩnh vực cho thuê căn hộ dịch vụ dưới thương hiệu Vinhomes Serviced Residences và cho thuê văn phòng trong các dự án đại đô thị phức hợp Vinhomes, nhằm mang lại dòng tiền ổn định cũng như gia tăng giá trị các sản phẩm.
Trong năm 2019, Vinhomes sẽ ứng dụng các sản phẩm quản lý nhà thông minh (smarthome) vào việc vận hành khu đô thị thông minh, trong đó cư dân có thể yêu cầu và được cung cấp các dịch vụ một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, từ quản lý ra vào các tòa nhà, hầm đỗ xe, dịch vụ bảo trì, cũng như các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho cư dân khu đô thị.
Năm 2019, Vinhomes đặt chỉ tiêu mảng kinh doanh bất động sản sẽ mang về 73.200 tỷ doanh thu - tăng xấp xỉ 90% năm trước và 16.700 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác kinh doanh bất động sản với Vingroup và các đơn vị thành viên dự kiến mang về 3.900 tỷ đồng lợi nhuận. Tổng lợi nhuận sau thuế theo đó là 20.600 tỷ đồng, tăng gần 40% so với kết quả 14.776 tỷ đồng của năm 2018.
Trong phần hỏi đáp, trả lời câu hỏi của cổ đông về chiến lược phát triển các dự án của Vinhomes trong thời gian tới, Bà Nguyễn Diệu Linh - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết chiến lược của Vinhomes là tiếp tục tìm kiếm mở rộng các dự án tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
"Trong bối cảnh khó khăn của thị trường BĐS, chúng tôi cho rằng đây chỉ là khó khăn trước mắt. Hiện TPHCM đang rất khan hàng, chủ đầu tư không có hàng để bán, Dự án của Vingroup tại quận 9 sắp tới sẽ xong thủ tục để đẩy việc bán hàng lên cao. Đối với Hà Nội, thị trường phát triển vẫn ổn định, các sản phẩm bán ra có sức tiêu thụ tốt, vẫn có hiện tượng tranh mua tranh bán. Vì vậy, kế hoạch của Vinhomes vẫn tiếp tục đi thu gom đất của Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn", bà Linh cho biết.
Về kế hoạch lợi nhuận năm 2019, bà Linh cho biết để đảm bảo lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng, Vinhomes sẽ thực hiện chiến lược bán lẻ và bán buôn. Bà Linh nói rõ hơn: "Các khu đô thị của Vinhomes làm hạ tầng rất tốt vì vậy nhiều đối tác muốn mua lại một số tòa, lô dự án bên trong các khu đô thị Vinhomes để phát triển thương hiệu của họ hoặc sử dụng thương hiệu của Vinhomes".
"Về bán buôn, chúng tôi chỉ bán tỷ trọng hợp lý ở các khu đô thị cực lớn, hoặc dự án quy mô vài chục ha chúng tôi không phát triển, nếu được giá sẽ bán lại. Chúng tôi phát triển khu đô thị theo hướng Vinhomes là nhà đầu tư cầm trịch, chúng tôi đầu tư hạ tầng, trường học, tiện ích giải trí, sau đó bán buôn. Tại các khu đô thị lớn, nếu chỉ mình Vinhomes triển khai sẽ rất lâu có thể mất đến 5-7 năm nhưng nếu có thêm các nhà đầu tư khác sẽ nhanh hơn", bà Linh cho biết
Cũng theo Chủ tịch HĐQT Vinhomes, việc Vinhomes bán buôn sẽ tạo sự đa dạng trong các khu đô thị của Vinhomes, người mua nhà cũng có nhiều sự lựa chọn đa dạng hơn. Bên cạnh đó, cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thứ cấp bởi hiện nay việc đi xin dự án rất khó khăn trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc đổi thương hiệu Vincity thành Vinhomes tại 2 dự án tại Gia Lâm và Tây Mỗ - Đại Mỗ, đại diện Vinhomes cho biết khi triển khai hai dự án này công ty làm hạ tầng rất tốt, rất đồng bộ, thậm chí có những tiện ích cao hơn cả Vinhomes như biển hồ nước mặn, BBQ, khu tập Gym...
"Khi chúng tôi quảng cáo bán hàng nhiều khách hàng bày tỏ ý muốn sở hữu những căn nhà với chất lượng cao hơn. Vì vậy, chúng tôi nhìn thấy cơ hội, chúng tôi tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm hơn trong các khu đại đô thị để tạo sự đa dạng cho khách hàng lựa chọn. Đây cũng là cơ hội cho Vinhomes để gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh thị trường đang tốt", bà Linh nhấn mạnh