Chiều ngày 29/5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Tham dự đại hội có các cổ đông đại diện cho 81,81% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 10.214 tỷ đồng
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2019 VPBank đã vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu và tăng trưởng từ 10 - 25% so với năm trước; doanh thu cũng tăng mạnh tới 24%, nằm trong top 2 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nhóm cổ phần tư nhân (hơn 10.000 tỷ đồng).
Dựa trên kết quả đạt được trong năm 2019 ban lãnh đạo ngân hàng đã đặt mục tiêu hết sức tham vọng là tăng trưởng 25% với lợi nhuận 13.500 - 14.000 tỷ đồng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 ập đến gây khó khăn cho trong nước và thế giới, nên Ban lãnh đạo ngân hàng đã quyết định điều chỉnh kế hoạch nhằm bảo toàn tài sản và vượt qua khủng hoảng một cách an toàn nhất.
Dự kiến năm nay ngân hàng hợp nhất sẽ tăng tổng tài sản thêm 12,7% lên hơn 425 nghìn tỷ đồng; tiền gửi tăng 10,4%, dư nợ tín dụng tăng 12,3%, nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận gần như tương đương năm trước ở mức 10.214 tỷ đồng.
Song theo ông Vinh, đến cuối tháng 5 (còn 2 ngày nữa là hết tháng 5) dự kiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 5.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% kế hoạch cả năm và 6 tháng sẽ đạt trên dưới 6.000 tỷ. Với tốc độ này và không có gì bất thường của diễn biến dịch bệnh, ngân hàng sẽ phấn đấu đạt kết quả cao hơn 10 - 20% so với chỉ tiêu đã trình cổ đông.
Tại đại hội, chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng và trưởng ban kiểm soát Ngô Phương Chí cũng đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm 2019 cùng kế hoạch 2020.
Năm 2020 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, theo ông Ngô Chí Dũng, HĐQT đặt ra cho Ban điều hành định hướng hoạt động với các mục tiêu cơ bản như: Tăng trưởng chất lượng song song với tăng quy mô và hiệu quả; tái cơ cấu lại các đơn vị kinh doanh của các phân khúc chiến lược; tiếp tục rà soát cơ cấu tổ chức và quy trình nhằm tối ưu hiệu quả chi phí, nâng cao năng suất lao động; Tiếp tục củng cố và nâng cấp nền tảng trọng yếu về công nghệ...
Riêng với hoạt động quan hệ nhà đầu tư, với vai trò trọng yếu trong việc gắn kết ngân hàng với cổ đông, ngoài các công tác đảm bảo thực hiện công bố thông tin minh bạch đầy đủ theo quy định, VPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các kênh thông tin chia sẻ, gặp gỡ cổ đông, tăng mức độ tín nhiệm của ngân hàng trên thị trường chứng khoán.
Không chia cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài
Hội đồng quản trị VPBank trình cổ đông thông qua một số nội dung quan trọng để thảo luận và thông qua.
Về phân phối lợi nhuận, năm 2019, VPBank ghi nhận lãi sau thuế 8.260 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ thì lợi nhuận còn lại chưa phân phối là hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng dự kiến không chia cổ tức mà trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Về phát hành cổ phiếu ESOP, theo HĐQT, nhằm giữ chân nhân tài và ghi nhận đóng góp của các cấp cán bộ nhân viên, HĐQT trình cổ đông phương án phát hành 17 triệu cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng với mức giải tỏa tối đa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm, 35% sau 3 năm.
HĐQT cũng trình cổ đông 10 nội dung quan trọng để phân công và giao nhiệm vụ cho HĐQT thực hiện như: chủ trương thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết; bán vốn tại công ty con; quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài; phát hành trái phiếu quốc tế theo chương trình EMTN; thông qua phương án mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành...
Cổ đông hỏi đáp
Cổ đông hỏi: Khi nào IPO Fe Credt? Việc mua lại cổ phiếu quỹ khi nào thực hiện, số tiền bao nhiêu, nguồn từ đâu?
Ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank: Thời gian qua HĐQT cũng đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn Fe Credit, cũng đã có kết quả tích cực. Nhưng thời gian vừa qua bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh. Chúng tôi tin rằng quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian gần, HĐQT sẽ đạt mục tiêu đề ra. Chúng tôi tin rằng Fe Credit là duy nhất hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng. Còn cụ thể hơn thì do trong quá trình đàm phán nên không thể nói rõ.
Về mua cổ phiếu quỹ, nguồn là từ lợi nhuận để lại của ngân hàng hàng năm. Ngân hàng không đặt ra mốc bắt buộc thời điểm nào mà chọn lựa thời gian có lợi nhất cho cổ đông (từ nay đến cuối năm).
Cổ đông hỏi: Ngân hàng làm ra nhiều tiền vì sao không chia cổ tức cho cổ đông?
Ông Bùi Hải Quân, phó chủ tịch HĐQT: Mục tiêu của ngân hàng giữ lại tiền là để phát triển ngân hàng. HĐQT cũng chia sẻ với cổ đông, nhưng ngành ngân hàng cần tăng trưởng liên tục, không thể dừng lại, cần tăng quy mô và hướng đến mục tiêu 1 trong những ngân hàng tốt nhất, vì thế ngân hàng không thể đáp ứng được việc chia cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm. HĐQT ngân hàng mong cổ đông chia sẻ với chiến lược đã đề ra.
Tuy nhiên về giá trị của khoản đầu tư, nếu như quý cổ đông đã đầu tư vào ngân hàng thời gian dài (10 năm như cổ đông nói) chắc chắn có lợi do cổ phiếu ngân hàng tăng cao và cũng đã chia cổ tức.
Cổ đông hỏi: Tác động của Covid-19 đến thu lãi và dịch vụ của ngân hàng như thế nào? Tăng trưởng tín dụng sẽ phân bổ vào các nhóm khách hàng ra sao? Dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là bao nhiêu, sẽ ảnh hưởng phần thu lãi bao nhiêu?
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc: Covid-19 có ảnh hưởng đến ngân hàng ở các mảng chính như:
- Các ngành liên quan đến đi lại, du lịch, khách sạn, xuất nhập khẩu. Còn tác động cụ thể ra sao thì ban lãnh đạo ngân hàng vẫn tiếp tục theo dõi.
- Các doanh nghiệp nhỏ.
- Tiểu thương: Họ thu nhập và chi tiêu hàng ngày. May mà Nhà nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và dừng giãn cách xã hội nên mức độ ảnh hưởng vừa phải. Đến giữa tháng 5, khoảng 70% khách hàng của VPBank đã quay trở lại hoạt động, đến hiện tại là hơn 90%.
- Người lao động: Những người vay tiêu dùng, cá nhân. Trong số này có 2 nhóm, nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng (đây là nhóm khách hàng chính của VPBank), còn nhóm cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn (liên quan bên Fe Credit). Thời gian qua Fe Credit đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro.
Về phía VPBank, ngân hàng cũng đã kiểm soát chặt chẽ về cho vay với 4 nhóm trên, nhưng lại mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng, nên hết tháng 5 tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 12%. Riêng Fe Credit trong tháng 6 cũng vẫn kiểm soát chỉ tăng trưởng tín dụng khoảng 1-2%.
Do tác động của Covid-19, một số nhóm có thể nợ xấu tăng lên nhưng chúng tôi tự tin là kiểm soát được, mức độ ảnh hưởng ít hơn dự kiến.
Tóm lại Covid-19 có ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng và sẽ có những ảnh hưởng tiếp theo nữa trong thời gian tới vì lĩnh vực ngân hàng có độ trễ so với các ngành khác, cụ thể thì chưa thể đánh giá hết ở thời điểm hiện tại, song ngân hàng vẫn đang kiểm soát, xử lý ở mức tốt.
Lãnh đạo VPBank trả lời cổ đông
Cổ đông hỏi: Mong muốn CASA của VPBank thế nào, liệu có vượt Techcombank? Thoái vốn Fe Credit khoảng bao nhiêu phần trăm? Ngân hàng có tính toán chuyển sang mảng khác khi phải chia sẻ lợi ích từ Fe Credit với đối tác khác?
Tín dụng tăng trưởng trong thời gian qua dựa nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp, còn cho vay khách hàng tăng thấp hơn. Tuy nhiên mục tiêu của ngân hàng là SME thì có đi sai hướng?
Nguồn lợi nhuận tăng mạnh trong đó đóng góp lớn từ trái phiếu đầu tư, chứng khoán đầu tư, nhưng đây là phần khó để duy trì trong mọi thời gian, các quý còn lại liệu có giữ được?
Ông Ngô Chí Dũng: Liên quan Fe Credit, đây là công ty tài chính nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%. Nếu ngân hàng bán 49% thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại nguồn vốn hùng hậu cho công ty, cùng với những lợi ích khác nữa. Phần vốn bán được sẽ được ngân hàng sử dụng vốn một cách tốt nhất, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay retail, SME...
Ông Nguyễn Đức Vinh: VPBank xác định là ngân hàng bán lẻ hàng đầu thì sẽ xác định các trọng tâm theo từng giai đoạn cụ thể. Hiện tại mảng retail, SME chậm lại nên việc mở rộng cho vay, phát triển khách hàng, dự án lớn hơn là hợp lý chứ không mâu thuẫn. Về chiến lược ngân hàng là khách hàng SME sẽ không thay đổi.
Về trái phiếu doanh nghiệp, việc quản lý y như quản lý các khoản vay khác chứ không có những rủi ro lớn hơn.
Riêng về cho vay mua nhà, nhiều ý kiến đánh đồng cho vay mua nhà là rủi ro, nhưng theo tôi rủi ro là ở cách quản lý, kiểm soát của ngân hàng. Nếu ngân hàng kiểm soát tốt, quản lý tốt thì không thể coi đó là quá rủi ro được. Chúng tôi đánh giá cho vay mua nhà là mảng quan trọng bởi ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất người ta có thể bán cổ phiếu, bán tài sản khác chứ ngôi nhà thì vẫn giữ nên phải chú trọng vào đó.
Về CASA, chúng tôi đã có chiến lược trong 3-5 năm tới là chuyển hướng từ ngân hàng cơ bản cho vay sang ngân hàng đa năng hiện đại, ngân hàng số, tái cấu trúc các hoạt động, theo hướng ngân hàng mở...thì khi ấy CASA sẽ lên chứ không thể lên ngay lập tức. Còn có vượt Techcombank không thì không chắc chắn, nhưng sẽ cố gắng để nâng cao chỉ số này.
Về thu nhập, đúng là trong cơ cấu thu nhập của quý 1 có khoảng 700 tỷ từ trái phiếu, nguồn đó không đến hàng ngày mà theo thời điểm, song nó chỉ chiếm dưới 25% trong tổng nguồn thu, phần lớn nguồn thu của chúng tôi đến từ hoạt động lõi. Ví dụ trong tháng 5 không có thu nhập từ đó nhưng tổng thu nhập vẫn cao.
ĐHCĐ bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới
Tại đại hội lần này, cổ đông VPBank cũng sẽ bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.
Theo danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị của VPBank có 5 ứng viên, trong đó 4 ứng viên là ông Ngô Chí Dũng (chủ tịch), ông Bùi Hải Quân (phó chủ tịch), ông Lô Bằng Giang (phó chủ tịch), ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc) là những người đã quá quen thuộc với các cổ đông nhà băng này, sẽ tiếp tục ứng cử ở nhiệm kỳ mới.
Còn một ứng viên xuất hiện một cái tên mới lạ đó là ông Nguyễn Văn Phúc ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.
Ông Phúc sẽ được bầu thay thế cho ông Nguyễn Văn Hảo, thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ hiện tại.Theo giới thiệu của ngân hàng, ông Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1955, từng công tác tại Văn Phòng Quốc hội giai đoạn trước năm 2007. Từ 2007 đến 2011 ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận và là Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII, cùng một số chức danh khác. Năm 2011 - 2016 ông Phúc vẫn công tác tại Ủy ban kinh tế của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời là Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XIII. Từ 2016 tới nay ông Phúc là chuyên gia độc lập cho các dự án kinh tế của các bộ ban ngành.
Còn danh sách bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới là bà Nguyễn Thị Mai Trinh, Trịnh Thị Thanh Hằng, Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.
Kết quả, các ứng viên đã được ĐHCĐ của VPBank bầu vào nhiệm kỳ mới với tỷ lệ đồng thuận cao. Theo đó, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 của VPBank gồm ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân, ông Lô Bằng Giang, ông Nguyễn Đức Vinh và ông Nguyễn Văn Phúc.
Ban Kiểm soát của ngân hàng gồm: bà Nguyễn Thị Mai Trinh, Trịnh Thị Thanh Hằng, Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.
12 tờ trình cũng được cổ đông thống nhất thông qua./.