Ngày 29/6/2019, CTCP Cảng Quy Nhơn đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhằm thông qua việc bầu lại ban điều hành mới sau chuyển giao, đồng thời lên kế hoạch hành động cho thời gian tới.
Thay đổi ban điều hành mới, 2019 hoàn tất thủ tục niêm yết HoSE
Trước đó vào ngày 29/5, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã chính thức tiếp nhận lại hơn 30,3 triệu cổ phần cảng Quy Nhơn (tương ứng 75,01% vốn điều lệ) từ CTCP Đầu tư và Khoáng Sản Hợp Thành với tổng giá trị 404 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá Vinalines chuyển nhượng Cảng Quy Nhơn cho Đầu tư và Khoáng Sản Hợp Thành cách đây 5 năm vào giai đoạn 2013-2015.
Như vậy, Đại hội lần này đã thông qua việc miễn nhiệm 5 thành viên cũ, đồng thời bầu bổ sung 5 thành viên mới, bao gồm: ông Nguyễn Quý Hà, ông Phan Tuấn Linh, ông Lý Quang Thái, ông Phạm Anh Tuấn và ông Phạm Đăng Cao. Kết quả, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinalines được bầu làm Chủ tịch HĐQT Cảng Quy Nhơn.
Đại hội cũng xem xét và thông qua tờ trình từ nhiệm của Ban kiểm soát gồm 3 thành viên và bầu Ban kiểm soát mới. Trong đó, ông Lê Duy Dương được bầu làm Trưởng Ban kiểm soát Công ty nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Lên kế hoạch cho năm 2019, Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 8,9 triệu tấn, trong đó hàng container là 145.000 teus, tổng doanh thu gần 770 tỷ đồng. Lợi nhuận tương ứng vào mức 125 tỷ đồng. Với chỉ tiêu trên, Cảng Quy Nhơn dự kiến chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 16%.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, nhiệm vụ HĐQT năm 2019 sẽ triển khai đầu tư mở rộng và phát triển Cảng theo quy hoạch phát triển Cảng Quy Nhơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện bộ máy, rà soát lại hoạt động và cắt bỏ chi phí; phối hợp với Tân cảng Quy Nhơn…
Đáng chú ý, Đại hội lần này có trình kế hoạch niêm yết cổ phần Cảng Quy Nhơn trên HoSE, theo đó ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu QNP trong năm 2019.
Được biết, Cảng Quy Nhơn hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) quản lý. Năm 2009, Cảng trực thuộc Vinalines, đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Đến tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Cảng Quy Nhơn thành CTCP Cảng Quy Nhơn (QNP).
Các chỉ tiêu kinh doanh tăng tốt sau cổ phần hóa, từ năm 2018 đối mặt nhiều khó khăn mới
Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ với hệ thống 20.960 m2 kho, 48.000 m2 bãi chứa container. Ngoài ta, Công ty còn sở hữu hàng chục ha đất các loại nội thành Quy Nhơn dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất, nhiều cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng; cùng các phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Kết thúc năm 2018, Cảng Quy Nhơn đạt sản lượng hàng thông 8,3 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2017 và xác lập đỉnh giá trị mới. Tương ứng, Cảng thu về tổng doanh thu 728 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 28% so năm 2017; lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh lên 120 tỷ đồng. Kết quả, thu nhập bình quân người lao động tiếp tục cải thiện lên mức 14,5 triệu đồng/người/tháng.
Ghi nhận giai đoạn 2010 - 2013 (trước cổ phần hóa), quân bình mỗi năm sản lượng hàng thông quan xấp xỉ 5,5 triệu tấn, doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ Cảng Quy Nhơn vào 400 tỷ đồng/năm, tương ứng con số lợi nhuận trước thuế hơn 20 tỷ đồng. So với giai đoạn sau đó, giá trị thu về lần lượt tăng hơn 30% về sản lượng hàng hóa, doanh thu tăng gần 50%, đặc biệt lợi nhuận tăng mạnh bằng lần tính đến cuối năm 2018.
Kinh doanh cải thiện, kéo theo thu nhập người lao động tại cảng cũng tăng đáng kể qua các năm, từ 8,5 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên hơn 12 triệu vào năm 2013 và năm 2018 đạt 14,5 triệu đồng. Kết quả trên đạt được nhờ việc tư nhân hóa hoạt động kinh doanh, từ đó đơn giản hóa nhiều khâu, hành chính… đi cùng tiềm năng cảng biển tăng mạnh những năm gần đây.
Mặc dù năm 2018 vẫn hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Cảng Quy Nhơn cũng xác định phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều mặt hàng giảm sút mạnh phải kể đến gồm sắn lát, tôn cuộn, phân bón, thức ăn gia súc… giảm từ 17% cho đến 62% so với cùng kỳ. Chi tiết, hàng sắn lát xuất khẩu giảm hơn 62% do nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc không tăng và diện tích trồng hạn chế, hàng thức ăn gia súc giảm 43% do nhu cầu giảm cũng như vấp phải cạnh tranh từ các cảng trong khu vực…