Sáng ngày 18/4, Công ty cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (Cadivi - HOSE: CAV) đã tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 và thông qua tất cả các tờ trình.
Kế hoạch lãi 455 tỷ đồng, tăng trưởng 11%
Hoạt động kinh doanh của Cadivi trong năm 2017 ghi nhận sự tăng trưởng tốt với mức lãi trước thuế 410 tỷ đồng, tăng 35%; LNST đạt 326 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2016.
Với những kết quả trên, công ty quyết định sẽ trích 201,6 tỷ đồng để thực hiện chi trả cổ tức 2017 với tỷ lệ 35%. Trong đó, công ty đã tạm ứng 20% cổ tức đợt 1 cho năm 2017, còn lại 15% sẽ được trả trong ngày 20/4 với tổng số tiền là 86,4 tỷ đồng.
Sang năm 2018, CAV đặt mục tiêu doanh thu 8.209 tỷ đồng, tăng 20,3% so với mức đạt được năm 2017; lợi nhuận trước thuế ước đạt 455 tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ cổ tức vẫn giữ nguyên 35% như năm 2017.
Về hoạt động sản xuất, CAV dự kiến hoàn thành dự án dây chuyền nấu đúc cán nhôm liên tục và đưa vào sản xuất từ đầu tháng 6/2018; dự án dây chuyền sản xuất đồng rod 20.000 tấn/năm theo đúng kế hoạch, đưa vào sản xuất thàng 5/2018. Đồng thời, CAV triển khai dự án nâng cao năng lực sản xuất cho nhà máy Miền Trung giai đoạn 1, mục tiêu 5 năm tới doanh thu 2.000 tỷ đồng...
GEX muốn tăng sở hữu tối đa 100%
Tại đại hôi, HĐQT trình phương án chấp thuận cho Gelex Electric mua/nhận tối đa sở hữu 100% vốn điều lệ CAV. Hình thức mua thỏa thuận hoặc khớp lệnh, thực hiện sau khi ĐHĐCĐ CAV thông qua.
Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex – HOSE: GEX) hiện sở hữu 79,76% vốn CAV. Theo phương án tái cấu trúc nhóm hoạt động kinh doanh của Gelex, Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) - công ty 100% sở hữu của Gelex sẽ là công ty holding nhóm thiết bị điện trong hệ thống của Gelex. Gelex Electric sẽ sở hữu các thương hiệu như Cadivi, Thibidi, HEM. Vì vậy, GEX dự kiến dùng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CAV để góp vốn vào Gelex Electric.
Ngoài ra, nếu Gelex Electric tăng tỷ lệ sở hữu như mong muốn, cổ phiếu CAV có khả năng không đáp ứng đủ điều kiện niêm yết tại sàn HOSE. Theo quy định tại điều 26, quy chế niêm yết HOSE, trường hợp "không có đủ tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ" thì bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.
Thảo luận
Quyền lợi của cổ đông hiện hữu sẽ được giải quyết ra sao khi bị hủy niêm yết bắt buộc?
Chiến lược GEX là tối ưu hóa nguồn lực sản xuất trong mảng dây cáp điện. Trong năm 2018, GEX sẽ nâng tỷ lệ tại CAV lên tối đa. Khi sở hữu trên 80% thì CAV sẽ bị hủy niêm yết.
Đây là chiến lược đã được lên kế hoạch từ năm ngoái nhưng chưa thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Đến nay, ban lãnh đạo nhận thấy là thời điểm thích hợp để chào mua tất cả cổ phiếu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông. Còn khi nắm trên 95%, GEX có nghĩa vụ sẽ mua hết số cổ phần còn lại cho cổ đông.
Giá mua lại như thế nào?
Giá mua lại sẽ được xem xét trên cơ sở tuân thủ quy định của GEX; đồng thời GEX cũng sẽ xem xét dựa trên giá thị trường và đảm bảo mua lại với mức giá tốt nhất cho cổ đông trong nguồn lực của công ty mẹ.
Việc giá mua lại sẽ còn phụ thuộc vào thời điểm mua bán. GEX sẽ sớm ra báo cáo định giá và xem xét thị giá để xác định giá chào mua. Kế hoạch thực hiện là trong năm 2018, nếu không mua đủ 100% thì công ty vẫn không thể niêm yết trên HOSE.
Sau khi hủy niêm yết sẽ mua bán ra sao?
Theo quy định khi GEX sở hữu trên 80% thì CAV không đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng nếu vẫn còn trên 100 nhà đầu tư trở lên thì công ty có thể giao dịch trên UPCOM. Tuy nhiên, theo công ty thì khi cổ phiếu về UPCOM sẽ khó đạt giá trị tốt cho cổ đông.
Có hủy thương hiệu Cadivi?
Việc mua lại của GEX là nhằm tối ưu hóa nguồn lực sản xuất chứ không phải thay đổi thương hiệu. Chiến lược vẫn là phát triển thương hiệu Cadivi và trở thành công ty dẫn đầu ngành dây cáp điện. Gelex có định hướng và chiến lược, tập trung nguồn lực để phát triển CAV, đây là thương hiệu mạnh và tiềm năng.
Không chỉ với Cadivi mà GEX cũng thu các đơn vị thành viên về một mối để tập trung nguồn lực bao gồm cả Thibidi và Hem, tiếp tục phát triển các thương hiệu này. Ngoài ra, GEX cũng thu các đầu mối trong lĩnh vực logistic.
Thời gian thực hiện dự kiến?
Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn, GEX đang có kế hoạch vào giữa tháng 5 sẽ thực hiện công bố bản chào mua trên website của tổng công ty và các kênh thông tin khác. Việc này cũng phụ thuộc vào đơn vị định giá là Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Theo luật định, phải sau 1 năm thì CAV mới chính thức hủy niêm yết. Nếu CAV vẫn là công ty đại chúng thì cổ phiếu vẫn được giao dịch trên UPCoM.
Xin công ty cho biết kết quả sơ bộ quý I?
Về kết quả kinh doanh trong quý I, doanh thu sơ bộ của công ty là khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 103 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lãi 90 tỷ của năm ngoái.
Về thị trường, công ty vẫn chú trọng mảng nội đia. Tuy nhiên, Cadivi cũng sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu hướng đến tỷ trọng 20% trong các năm tới, trong đó thị trường tiềm năng nhất là Myanmar và các nước Đông Nam Á.