Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, VDS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch doanh thu 1.193,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 504 tỷ đồng. Được biết, chỉ tiêu trên được xây dựng với nhận định VN-Index năm 2022 sẽ dao động quanh 1.340 đến 1.750 điểm và thanh khoản bình quân thị trường khoảng 25.000 đến 30.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Trong đó, mảng dịch vụ chứng khoán dự kiến đóng góp phần lớn doanh thu với 430 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021. Kế tiếp là mảng môi giới với doanh thu dự kiến 350 tỷ đồng, tăng hơn 11% và mảng đầu tư với 282 tỷ đồng. Đáng chú ý, tăng trưởng mạnh nổi bật có mảng IB với hơn 59% về doanh thu lên 100 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2021, VDSC đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.054 tỷ đồng – gấp đôi kế hoạch và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 426,7 tỷ đồng – đương đương 296,3% chỉ tiêu đề ra. Đây cũng là mức kỷ lục về kinh doanh kể từ khi thành lập, tương ứng chỉ số ROAa cải thiện mạnh lên 12,9%, chỉ số ROEa đạt 30,4% và EPS đạt 4.050 đồng/cp
Được biết, 2021 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ năm 2017 – 2021 của HĐQT, ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân đạt lần lượt 34,9% và 54,2%/năm. Giá trị vốn hóa Công ty cũng vượt mức 3.600 tỷ đồng, tăng hơn 260% so với đầu năm 2021 và 505% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ.
Lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, hoạt động kinh doanh VDSC dự kiến tiếp tục tập trung vào 5 trụ cột chính là: môi giới, dịch vụ tài chính, đầu tư, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản; hướng đến 5 nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, định chế và quốc tế.
Đáng chú ý, Đại hội còn thống nhất phương án phát hành thêm 104,9 triệu cổ phiếu để qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 2.100 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty dự kiến sẽ phát hành 36,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 100:35); phát hành 10,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 10:1). Nguồn vốn thực hiện trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2021.
Song song đó, VDSC sẽ thực hiện chào bán thêm 52,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền (tỷ lệ 2:1) và phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), cùng với giá 10.000 đồng/cp.
Số vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động bảo lãnh phát hành, hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu và phù hợp định hướng phát triển trong giai đoạn tới, ĐHĐCĐ cũng thông qua việc đổi tên công ty con do VDSC sở hữu chi phối 51%. Theo đó, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long (VDFM) sẽ được đổi tên thành CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt (VDAM).
Thảo luận tại Đại hội:
1. Đánh giá về mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), VDSC có đẩy mạnh mảng này không?
Chủ tịch Nguyễn Miên Tuấn: 3 năm trở lại đây thị trường TPDN phát triển mạnh, hiện thống kê số lượng đã phát hành và đang lưu hành thì 1,2 triệu tỷ, con số rất lớn. VDSC cũng đã tham gia từ năm 2020, nhưng quan điểm khá thận trọng, chọn lựa kỹ càng.
Trong bối cảnh hiện nay thì VDSC tự tin có sự nhận thức và chuẩn bị kỹ, giả sử có điều gì đó không may với thị trường TPDN thì Công ty ít bị ảnh hưởng nhất.
2. Copy Trading có được xem là xu hướng mới trên TTCK không?
Đây cũng là mô hình hay, khi TTCK ngày càng hấp dẫn thì nhiều nhà đầu tư quan tâm mô hình này. Cách làm VDSC hiện nay thì có sự kết hợp giữa mô hình truyền thống với xu hướng mới, quan trọng vẫn tạo được giá trị cho khách hàng, cổ đông…
Copy Trading Công ty hiện chưa làm, nhưng đã xây dựng và giới thiệu cho khách hàng sản phẩm theo phương pháp luận của Công ty, phù hợp với khẩu vị rủi ro của VDSC.
3. Kế hoạch có thận trọng không?
Không phải quá thận trọng, mà việc lên kế hoạch phải phù hợp với điều kiện thị trường cũng như của công ty. Như năm 2021 do đại dịch nên kế hoạch giảm về 180 tỷ đồng. Chúng tôi cũng có chia sẻ với cổ đông dù kế hoạch giảm nhưng ban lãnh đạo vẫn sẽ nỗ lực để làm tốt.
Thực tế thì TTCK năm qua lại bùng nổ nhờ lực lượng nhà đầu tư mới cũng như mặt bằng lãi suất thấp, do đó VDSC gấp 3 lần lãi kế hoạch.
Tương tự năm 2022, sau đại dịch thì thế giới vẫn còn nhiều vấn đề khác: chiến tranh, lạm phát… ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam cũng như TTCK. Chẳng hạn lạm phát tăng thì kéo lãi suất tăng lên.
Chưa kể mặt bằng giá đang tăng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tự doanh. Với những điều trên, ban lãnh đạo cân đối xây dựng kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp và không quá áp lực.
Kế hoạch này so với năm 2021 thì có thấp, nhưng với điều kiện hiện tại của Công ty thì chúng tôi nói với nhau làm được thì vui rồi. Những năm trước không nghĩ tới, nhưng năm nay lợi nhuận lên được mặt bằng 500 tỷ, chưa kể năm nay tăng vốn lên 2.100 tỷ thì VDSC kỳ vọng duy trì ROE 20% (năm ngoái hơn 30%): con số này đã rất thách thức vì gấp 3 lần mặt bằng lãi suất hiện nay.
Báo cáo cổ đông như vậy, nhưng ban lãnh đạo vẫn sẽ phấn đấu để có thể làm tốt nhất, vượt kế hoạch lợi nhuận.
Năm 2021 trong cơ cấu thu nhập của Công ty có điểm đáng mừng là các mảng đều rất đều và bền vững.
Riêng hoạt động đầu tư năm nay do nhiều rủi ro nên VDSC đặt kế hoạch giảm mạnh, chúng tôi quan điểm không mua cổ phiếu theo tin đội nhóm trên TTCK, hiệu quả mục tiêu đâu đó 18-20% nhưng ngược lại tính an toàn trên đồng vốn đảm bảo an toàn hơn rất nhiều.
4. Ước KQKD quý 1/2022?
Quý 1/2022 TTCK ổn định: thanh khoản duy trì tốt 25.000-30.000 tỷ/phiên (đúng với giả định của VDSC). Dù có nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh tạo nhiều cơ hội như phân bón, thuỷ sản… nhưng nhóm cổ phiếu chính như ngân hàng, BĐS lại đứng yên, do đó biên độ của TTCK khá hẹp.
Trong bối cảnh này, VDSC vẫn duy trì tích cực với 300 tỷ doanh thu và 130 tỷ LNTT: đạt được 26% kế hoạch cả năm nay. Các mảng tạo nguồn thu ổn định như môi giới, cho vay vẫn tăng 45%, mảng đầu tư có tăng dù không hiệu quả bằng, với mảng IB thì có giảm do thời gian kéo dài nên chưa ghi nhận được.
5. Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài hiện nay tại VDSC?
TTCK Việt Nam rất vui, nhiều khi chúng tôi nghe thấy tin đồn của Công ty nhưng không biết ở đâu ra. Cái này rất khó nói. Như năm ngoái đã chia sẻ VDSC không vội vàng, Công ty tập trung xây nền tảng.
2022 thì bối cảnh VDSC trải qua 1 năm thành công, nên sẽ tăng vốn. Nhưng VDSC tăng trong khả năng của mình. Công ty nào cũng mong muốn có được đối tác lớn, nhưng phải phù hợp với văn hoá, tình hình của doanh nghiệp.
VDSC vẫn mở cửa cho đối tác, hiện vẫn chưa có gì cụ thể. Trong quá khứ có nhiều đối tác nước ngoài lớn đến đặt điều kiện nhưng toàn muốn mua thâu tóm nên chưa phù hợp với quan điểm VDSC.
Trong nước cũng có nhiều đối tác mong muốn trở thành cổ đông lớn với VDSC, nhưng Công ty vẫn cân nhắc thận trọng. Chúng tôi quan điểm quan trọng phải đi đường dài.