Chiều ngày 16/6/2021, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 theo hình thức bán trực tuyến.
Kết quả năm 2020 vượt kế hoạch đề ra
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh của năm 2020 với sức bật mạnh mẽ đến từ thanh khoản, chứng khoán SHS đã đạt được kết quả kinh doanh rất ấn tượng, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu do ĐHĐCĐ đặt ra.
Cụ thể tổng doanh thu 2020 đạt 1.808,5 tỷ đồng, tăng 69% so với thực hiện năm 2019 và vượt 61,5% kế hoạch đề ra đầu năm. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của SHS đạt xấp xỉ 939 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty và hoàn thành 293,4% kế hoạch. Lãi trên vốn cổ phần (EPS) đạt 3.639 đồng.
Trong đó, hơn một nửa doanh thu đến từ hoạt động đầu tư với 986 tỷ đồng, tăng trưởng lên đến 203% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào việc tăng cường giải ngân đầu tư vào nhiều mã cổ phiếu cơ bản tốt có định giá thấp. Bên cạnh đó, doanh thu từ môi giới chứng khoán (gồm cả lưu ký) dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ phía các CTCK khác vẫn tăng trưởng 35%, đạt 192,8 tỷ đồng doanh thu.
Trong năm 2020, SHS đứng thứ 4 tại sàn HNX về thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết với tỷ lệ 6,6%.
Hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh Fixed Income tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Bên cạnh đó, hoạt động MG&DVTC của công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và áp lực cạnh tranh trong năm 2020.
Đại hội cũng thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, tương đương khoản tiên phải chi ra là gần 249 tỷ đồng
Ước lãi 6 tháng trên 600 tỷ đồng, dư nợ margin tăng 30% so với quý 1
Bước sang năm 2021 cùng với dự báo tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán có thuận lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức, Chứng khoán SHS đặt mục tiêu khá thận trọng với tổng doanh thu đạt gần 1.887 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch cũng đề ra lợi nhuận kế toán trước thuế sụt giảm xuống 751,2 tỷ đồng, chỉ bằng 80% mức lãi của năm 2020.
Trả lời ý kiến cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh 2021 với lợi nhuận thấp hơn thực hiện năm 2020 là quá thận trọng, có thể ảnh hưởng đến vị thế của công ty, Tổng Giám Đốc Vũ Đức Tiến nhận định rằng, kế hoạch đề ra là thận trọng nhưng cần thiết và hợp lý. Cụ thể, nếu bóc tách phần LNTT đạt được năm 2020 là 939 tỷ thì có một phần đóng góp không nhỏ là khoản lãi đầu tư 30 triệu cổ phiếu SHB. Bước sang năm 2021, đánh giá đây là khoản mục dài hạn và còn nhiều tiềm năng, SHS quyết định chuyển số cổ phiếu này vào danh mục đầu tư dài hạn AFS, dẫn đến kế hoạch lãi năm 2021 không phản ánh phần lãi của khoản đầu tư này.
Như vậy, nếu so sánh với lợi nhuận năm 2020 khi đã loại trừ đi phần lãi từ đầu tư cổ phiếu, kế hoạch năm 2021 vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng khoảng 10%.
Bổ sung thêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đỗ Quang Hiển cho biết, mặc dù quan điểm đầu tư dài hạn với số cố phiếu SHB, nhưng nếu cơ hội hiện thực hóa đạt được lợi ích tối ưu nhất cho cổ đông thì công ty vẫn sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận. Do đó, cổ đông có thể yên tâm về kết quả kinh doanh sẽ có kết quả không thấp hơn thực hiện năm 2020
Khi có ý kiến cổ đông về việc liệu SHS có đang "lơ là" mảng hoạt động môi giới và cho vay margin hay không, ông Tiến cho biết, thống kê tại một số báo cáo thì dư nợ margin của SHS trong quý 1/2021 được ghi nhận đang "loanh quanh" trong khoảng 2.600 tỷ, và do đó được nhận định còn nhiều địa dư, tuy nhiên con số thực sự trong hai tháng 4 và 5 đã tăng trưởng đến 30%.
Đặc biệt, cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc đều nhấn mạnh, quan điểm hoạt động của Chứng khoán SHS hiện nay là phát triển một CTCK đa dịch vụ, và trọng tâm là dịch vụ. Do vậy, SHS chưa bao giơ bỏ qua 2 mảng hoạt động kể trên, đây vẫn là nguồn thu trọng tâm của chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, SHS cũng không chạy đua với các CTCK khác khi giảm phí và lãi suất về rất thấp chỉ để đảm bảo con số chuyên ngành, mà công ty kiên trì với quan điểm phát triển, tập trung ưu tiên công nghệ, dịch vụ chăm sóc thuận lợi và cân bằng giữa lợi nhuận và lợi ích cổ đông công ty. Đồng thời, SHS vẫn không ngừng thúc đẩy mảng môi giới và cho vay margin, song có chiến lược cạnh tranh khác biệt chứ không phải giảm phí, giảm lãi đến mức không có hiệu quả.
Ước tính về kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021, ông Tiến cho biết, SHS kết thúc quý 2/2021 sẽ có thể hoàn thành đến 80% kế hoạch của cả năm, tương đương mức lợi nhuận đạt được trên 600 tỷ. Với tốc độ tăng trưởng này cùng với điều kiện thị trường 6 tháng cuối năm không có biến động quá dữ dội, chắc chắn chứng khoán SHS sẽ thực hiện vượt mức kế hoạch đã được cổ đông thông qua.
Trong năm 2021, SHS quyết tâm duy trì vị thế trong Top 5 CTCK có thị phần môi giới hàng đầu, mục tiêu phấn đấu nằm trong Top 3 về thị phần môi giới; phát huy thế mạnh và nguồn lực đồng thời vẫn chú trọng ổn định tình hình tài chính, tổ chức và nhân sự với phương châm lấy hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, không chạy theo tiêu chí quy mô, thị phần.
Phát hành tăng vốn lên hơn 3.250 tỷ đồng
Đại hội đã thông qua phương án phát hành tăng vốn điều lệ, số lượng tối đa lên tới gần 118 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công tăng lên hơn 3.250 tỷ đồng.
Trong đó, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 50%), tối đa 10,36 triệu đơn vị; Chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 13.500 đồng/cp (tỷ lệ 5%), tối đa 103,6 triệu đơn vị; Phát hành cổ phiếu ESOP, tối đa 4 triệu đơn vị với giá phát hành theo kế hoạch là 12.000 đồng/cổ phiếu.
Về vấn đề pha loãng cổ phiếu, ban lãnh đạo khẳng định việc bổ sung vốn là thực sự cần thiết trước những cơ hội rất lớn về phát triển của ngành và sự tăng trưởng của quy mô thị trường, từ đó giúp nâng cao tài chính công ty và bổ sung nguồn hoạt động kinh doanh.
Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn để vừa có hiệu quả ngắn hạn và vẫn đảm bảo lợi ích cổ đông và đương nhiên là tỷ lệ EPS sẽ vẫn đảm bảo tăng trưởng, thậm chí đạt con số ấn tượng trong năm 2021.