Sáng ngày 6/4/2021, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thống nhất kế hoạch 4.218 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% và 290 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 5% so với thực hiện năm 2020.
Năm 2021 mở rộng thị trường sang EU, xây thêm nhà máy mới
Tại mảng cốt lõi là dệt may, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại mới, TCM dự kiến tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường ở EU và các nước trong khối CPTPP bên cạnh những khách hàng hiện có.
Mặt khác, để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe để đón đầu cơ hội, Công ty sẽ phối hợp với Viện nghiên cứu dệt may Hàn Quốc KOTITI để phát triển các mặt hàng sợi và vải mới dựa trên xu hướng nhu cầu của khách hàng.
Song song, Công ty cũng xây dựng thêm nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long với công suất tương đương nhà máy số 1, nhằm gia tăng năng lực sản xuất cho ngành may. Được biết, nhà máy số 1 đang sử dụng số lao động 1.500 người. Về nhà máy mới, TCM đã khởi công vào tháng 4 và dự hoàn thành tháng 9/2021, công suất 8 triệu sản phẩm.
Báo cáo với cổ đông, ông Lee Eun Hong - Tổng Giám đốc TCM - nói: "Theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là mối nguy trong năm 2021. Hiện tại, một số quốc gia đã có vaccine và triển khai tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, nguồn cung còn khá thấp so với nhu cầu chung, do đó nền kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình trạng thiếu container làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có dệt may".
Dù vậy, vị này cũng khẳng định năm 2021 vẫn được đánh giá là có nhiều cơ hội cho ngành dệt may khi hiệp định thương mại EVFTA được thông qua hồi tháng 8/2020 và bắt đầu phát huy tác dụng khi nhu cầu vải trong nước cao dần, những nhãn hàng lớn cũng đang có xu hướng mua vải tại Việt Nam để sản xuất thay vì phải nhập từ Trung Quốc như trước kia. Ngoài ra, giá sợi những tháng đầu năm 2021 đang tăng dần giúp biên lợi nhuận được cải thiện so với các năm trước.
Công ty cũng đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy May - Đan - Nhuộm để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu đồng thời đáp ứng cho các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Về mặt hàng thời trang, Công ty sẽ phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại.
Cuối cùng, tại các dự án bất động sản, TCM đang hợp tác cùng đối tác trong nước để sớm hoàn thành thủ tục pháp lý cho dự án TC Tower tại địa chỉ 37 Tây Thạnh, quận Tân Phú.
Năm 2020: Lần đầu trong 10 năm qua dệt may tăng trưởng âm
Nhìn lại năm 2020, ông Trần Như Tùng – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc – cho biết năm 2020 là năm đầu tiên trong suốt thập kỷ qua ngành dệt may đạt tăng trưởng âm. Tuy nhiên, TCM may mắn khi có hệ thống sản xuất khép kín, chủ động được nguồn nhiên liệu, xuất khẩu được mặt hàng khẩu trang y tế… do đó vẫn tăng trưởng ấn tượng. Kết thúc năm, TCM đạt 3.470 tỷ đồng doanh thu, tương ứng thu về mức lãi ròng 275 tỷ đồng, tăng 28% so với năm ngoái.
Với kết quả trên, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành hơn 9 triệu cổ phiếu để trả thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được nhận 15 cổ phiếu thưởng). Nguồn vốn sẽ trích từ Quỹ đầu tư phát triển (số dư tại thời điểm 31/12/2020 trên BCTC riêng gần 394 tỷ đồng). Tương ứng, TCM sẽ nâng vốn điều lệ từ 621 tỷ đồng lên gần 714 tỷ đồng. Thời điểm tăng vốn dự kiến là tháng 6/2021.
"Năm ngoái, HĐQT trình ĐHĐCĐ trả cổ tức 2020 tỷ lệ 15% nhưng may mắn Công ty làm ăn tốt hơn nên sẽ trả cổ tức tỷ lệ 20%. Trong đó, Công ty sẽ trả cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng là 15%; năm 2021 dự kiến sẽ trả cổ tức tỷ lệ 25%", đại diện TCM nói thêm.
Cuối cùng, vấn đề được quan tâm liên quan đến ban lãnh đạo. Tại cuộc gặp gỡ mới đây, ông Nguyễn Văn Nghĩa – cựu sếp Prime Group - cho biết sẽ ứng cử Thành viên HĐQT TCM; và động thái đầu tư vào TCM của ông mang tính dài hạn, và quyết định trên được ông đưa ra sau khi được nghe chia sẻ về chiến lược cũng như tham quan các nhà máy của TCM thời gian qua.
Cựu sếp Prime Group ứng cử ghế HĐQT
Tại Đại hội, HĐQT chính thức trình thông qua ban HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 với 9 thành viên. Bên cạnh 5 thành viên cũ là ông Lee Eun Hong, ông Trần Như Tùng, bà Nguyễn Minh Hảo, ông Kim Il Kyu, ông Jung Sung Kwan; Đại hội thống nhất bầu cử ông Nguyễn Văn Nghĩa (sở hữu hơn 12% vốn tự ứng cử) và 3 thành viên khác được cổ đông lớn E-land Asia Holdings Pte (nắm giữ 43% vốn tại TCM) đề cử là ông Park Heung Su, ông Kim Jong Gak và ông Đinh Tấn Tưởng.
Ngược lại, bà Phan Thị Huệ gắn bó với TCM từ năm 1980 đến nay đã hết nhiệm kỳ có đơn từ nhiệm HĐQT.
Về ông Nghĩa, liên tục mua vào cổ phiếu TCM, tính đến hiện tại khi thị giá TCM chạm mức ba con số 110.000 đồng/cp, ông Nguyễn Văn Nghĩa tạm tính đã sở hữu giá trị đầu tư lên đến 900 tỷ đồng.
Điểm lại, ông Nghĩa đã chi khoảng 125 tỷ đồng từ cuối tháng 9/2020 để gia tăng sở hữu TCM và chính thức trở thành cổ đông lớn. Tính đến hiện tại, sau khi tiếp tục mua thành công 400.000 cổ phiếu, "cá mập" này đang sở hữu 8,26 triệu mã TCM, tương đương tỷ lệ 13,91% vốn.
Một điểm đáng chú ý, kể từ thời điểm ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành cổ đông lớn vào cuối tháng 9/2020, cổ phiếu TCM đã bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 20.000 đồng/cp lên tới 109.600 đồng/cp (6/4/2021), tương ứng mức tăng 5 lần, qua đó xác lập đỉnh mới của TCM kể từ khi niêm yết.