Chiều ngày 5/4, Công ty cổ phần FPT (mã CK: FPT) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
Lợi nhuận 2017 tăng đột biến nhờ thoái vốn
Về KQKD năm 2017, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất 43.845 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016, tương ứng 94% kế hoạch. LNTT hợp nhất đạt 4.255 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước và vượt 25% kế hoạch.
Kết quả vượt trội này nhờ một phần từ hoạt động thoái vốn tại lĩnh vực phân phối và bán lẻ. Nếu không tính ảnh hưởng từ việc thoái vốn (thực hiện hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2017 của FPT Retail và Synnex FPT) thì doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 45.213 tỷ đồng, tăng 11,5% và 3.373 tỷ đồng, tăng 11,9%. Kết quả này tương ứng với tỷ lệ hoàn thành 97% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.
Trong đó, trên thị trường toàn cầu, công ty ghi nhận doanh thu đạt 7.199 tỷ đồng, tăng 18% và LNTT đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2016.
Lợi nhuận ba mảng hoạt động chính năm 2018 dự kiến tăng 18%
Trước triển vọng kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, xu hướng phát triển ngành công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng chiến lược của công ty, HĐQT đưa ra kế hoạch năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu đạt 21.900 tỷ đồng, giảm 50,1% so với năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 3.484 tỷ đồng, giảm 18%. Tuy nhiên, nếu loại trừ phần lợi nhuận từ thoái vốn của năm 2017 thì kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của FPT tăng lần lượt 10,7% và 17,8%.
Năm 2018 là năm đầu tiên FPT chỉ còn hoạt động chính trên 3 lĩnh vực công nghệ, viễn Thông, giáo dục đào tạo sau khi đã thoái vốn khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ. Bức tranh tài chính của FPT sẽ thay đổi với việc doanh thu chỉ còn đến từ các lĩnh vực công nghệ, viễn thông và giáo dục. Đồng thời các lĩnh vực này có tỷ suất lợi nhuận cao nên tỷ suất lợi nhuận chung toàn tập đoàn dự kiến tăng 2 lần lên mức gần 16%.
Tổng tỷ lệ cổ tức 40% cho năm 2017
HĐQT của FPT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án sử dụng lợi nhuận năm 2017, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2018.
Theo đó, FPT đưa ra mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2017 là 25%, 10% đã được chi trả vào năm 2017, 15% còn lại sẽ được chi trả sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt và thời gian dự kiến ngay trong quý II.
Bên cạnh đó, HĐQT của FPT còn dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% (20:3). Thời gian dự kiến chi trả sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt (cùng với thời gian trả cổ tức 2017 bằng tiền mặt).
Còn về chính sách cổ tức cho năm 2018, HĐQT của FPT dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/CP- căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%). Mức chia cổ tức bằng tiền mặt của cả năm 2018 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 quyết định.
Phần thảo luận:
Ở mảng viễn thông, cuộc cách mạng 4G, 5G đang diễn ra nhưng FPT đã bỏ qua mảng 4G vậy liệu công ty có tham gia vào 5G sau này?
Mạng không dây là một thèm muốn lâu dài của FPT. Nhưng làm 5G liên quan đến nhiều vấn đề, FPT vẫn luôn chờ cơ hội.
Liệu có thể tăng cổ tức do đây là năm FPT kỷ niệm 30 năm, lợi nhuận để lại sẽ còn khoảng 4.000 tỷ (sau khi chia cổ tức) để làm gì?
Chính sách của FPT là ổn định năm này so với năm sau đều tương đương nhau về tỷ lệ cổ tức. Hơn nữa, cổ tức năm nay đã tăng thêm so với trước 5%.
FIS suy giảm lợi nhuận đáng kể trong 2017, giải pháp 2018 trong chiến lược 5 hay 6 năm tới là gì?
Tương lai năm tới FIS sẽ khởi sắc.
FPT có thoái vốn khỏi TPBank?
FPT chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng này.
FPT đang có khoản dự phòng gần 300 tỷ, trong đó phần của TPBank là bao nhiêu?
Phần lớn là thương mại điện tử, trong khi phần dự phòng của TPBank rất ít.
Hiện nay đang có tin SCIC sẽ thoái vốn tại FOX, vậy FPT có ý định mua lại số cổ phần này?
FPT có ý định mua lại cổ phần tại FOX. Nhưng tin SCIC sẽ thoái vốn tại FOX thì FPT chưa nắm được.
Kết quả kinh doanh quý I?
FPT dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý I/2018 lần lượt là 18% và 30% so với cùng kỳ.