Tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 20/3/2018, CTCP Đầu tư Thương Mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) đã trình cổ đông thông qua phương án kinh doanh cho năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 150 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. Kết quả này tăng khá mạnh so với thực hiện của năm 2017 khi lợi nhuận sau thuế tăng vọt tới 109%.
Về HAR, nhiều năm liền đề ra kế hoạch khá táo bạo tuy nhiên thực tế gần như chưa khi nào đạt chỉ tiêu, riêng 2017 không đạt chỉ tiêu doanh thu song lợi nhuận sau thuế có vượt nhẹ. Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2017 của HAR đạt trên 98 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 28.7 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 60% so với năm trước đó. So sánh với kế hoạch năm 2017, Công ty đã thực hiện được 81.87% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 9% về lợi nhuận sau thuế.
Như vậy, bước sang 2018 liệu căn cứ vào đâu để Công ty tiếp tục đưa ra những con số mạo hiểm?
Trước hết về đầu tư, Ban lãnh đạo cho biết năm 2018 sẽ triển khai 4 dự án chính, bao gồm một khách sạn dự kiến triển khai vào quý 2, một dự án thương mại (liên kết với đối tác) cũng dự kiến triển khai vào thời gian trên. Cùng với đó, đối với dự án tại tuyến đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phạm Văn Hai thì hiện Công ty đang xin giấy phép quy hoạch; dự kiến sẽ phát triển thành khách sạn 4 sao với quy mô 250 phòng; hiện tại Công ty cũng chưa có lộ trình vận hành cụ thể. Ngoài ra, Công ty cũng đầu tư khu resort tại Nha Trang, tuy nhiên khu vực này thuộc khu quản lý của cơ quan Nhà nước nên HAR vẫn chưa có được kế hoạch chi tiết cho dự án này. Chia sẻ thêm, Chủ tịch Công ty cũng cho biết đối với dự án 40 Kim Liên, đây là khu phức hợp thì Công ty đang trong tiến trình đàm phán hợp đồng.
Với những luận điểm trên, thì cái căn cứ đầu tiên theo người cầm trịch là đến từ kinh doanh cốt lõi, dự kiến sẽ duy trì và phát huy hơn nữa kết quả năm 2017.
Thứ hai, Công ty cũng kỳ vọng vào dự án Đảo San hô với những chiến lược kinh doanh hiện có, dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận về công ty mẹ là HAR. Chưa hết, đến năm 2019 Đảo San hô còn dự kiến phát triển thêm mảng dịch vụ, kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa nguồn thu cho Công ty.
Trước đó, HAR đã nhận chuyển nhượng 100% cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài của CTCP Khu du lịch Đảo San Hô (Khánh Hòa). Được biết, Đảo San Hô hiện đang đầu tư vào dự án Nha Trang Coral Beach có quy mô 13,5 ha tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
FMCG sẽ tái sản xuất thương hiệu xà bông Cô Ba nhưng không quá chú trọng
Ngày 11/10/2017, HAR đột ngột công bố quyết định mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba. Mục đích của thương vụ này trước đó chưa được HAR công bố, dẫn đến dư luận cho rằng Công ty đang nhắm đến là quỹ đất giá trị đơn vị này sở hữu.
Và tại Đại hội lần này, ban lãnh đạo Công ty chính thức cho biết sẽ đưa mảng FMCG vào hệ sinh thái HAR. Bởi, "Xà bông Cô Ba là một thương hiệu rất lớn, và có khả năng sinh lời trong thị trường hóa mỹ phẩm. Theo đó bên cạnh việc triển khai dự án, thì quý 2/2018 HAR cũng sự kiến tái sản xuất đồng thời tung sản phẩm trở lại thị trường", ban lãnh đạo HAR phân trần.
Kế hoạch là vậy, nhưng trong năm 2018, HAR cho biết sẽ không đặt quá cao cho nguồn thu từ mảng FMCG là xà bông Cô Ba, vì tái khẳng định thương hiệu cũng như khôi phục các kênh phân phối phải cần thời gian và chưa có câu trả lời chắc chắn.
M&A miệt mài – Quỹ đất đi sau nên sẽ khó khăn
Ông Nguyễn Nhân Bảo – Tổng Giám đốc Công ty phân trần: "Nếu để ý thì có thể thấy sự chuyển biến đáng kể từ quy mô cho đến lĩnh vực hoạt động. Xuất phát từ một đơn vị cho thuê bất động sản, đến nhiệm kỳ của ban lãnh đạo mới thì Công ty theo đó chuyển sang holdings, song đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của Công ty trong lĩnh vực bất động sản thương mại".
Với lĩnh vực cốt lõi này, để phát triển bất động sản phải mở rộng quỹ đất, tuy nhiên HAR không quá vội vàng mà cẩn trọng, bởi tương lai biết trước đối thủ sẽ là ai, là những đàn anh đàn chị tiềm lực lớn... Từ đó, biết rằng đi sau sẽ khó, chưa kể vị trí trong kinh doanh bất động sản là yếu tố quyết định nên HAR sẽ đi chậm nhằm bảo tồn vốn, bởi rút kinh nghiệm từ những đơn vị trước đó mở rộng quỹ đất quá nhanh, dẫn đến không kịp cân đối dòng tiền.
"Cũng cần xác định rõ, tài chính của HAR không phải là mua bán cổ phiếu, sản phẩm tài chính; mà Công ty tập trung M&A với những đơn vị có kinh doanh đất, nhằm tạo tiền đề cho chiến lược cốt lõi", ông Bảo nói thêm.
2018 nếu chia cổ tức tối đa chỉ có thể 1,5%, cổ đông lớn có tiếp tục làm giá?
Trên thị trường, sau 1 năm với nhiều thăng hoa trước những thương vụ M&A đình đám, cùng với đó là các lần mua vào bán ra của người cầm trịch, cổ phiếu HAR đã tăng vọt từ vùng giá dưới 4,000 đồng/cp, đồng thời trở thành tâm điểm của nhà đầu tư với 2 con sóng tăng giá vào tháng 6 và tháng 9.
Trước hiện tượng này, nhiều cổ đông nhỏ lẻ lên tiếng đã có hiện tượng thao túng của những cổ đông lớn, khiến giá biến động bất thường. Trả lời vấn đề này, Công ty cho biết việc giao dịch là quyền tự do của mỗi cổ đông nên HAR không thể tác động được. Tuy nhiên, Công ty sẽ cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác và kịp thời để cổ đông có thể căn cứ quyết định đầu tư cho phù hợp.
Bước sang năm 2018, cổ phiếu đi vào giai đoạn phục hồi sau nhịp điều chỉnh, hiện đang giao dịch tại mức giá 11.400 đồng/cp (20/3/2018).
Một nội dung quan trọng khác, trong năm 2018, HAR sẽ tăng vốn điều lệ từ mức gần 968 tỷ đồng lên 1,013 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cho cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2016 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Song song với đó, theo kế hoạch HAR sẽ không chia cổ tức, tuy nhiên nếu chia thì phương án dự kiến chỉ tầm 1,5%, vì các thương vụ M&A còn phải thanh toán, chưa kể việc xây dựng và đưa dự án vào vận hành. Theo đó Công ty vẫn còn nhiều khoản vay, nên việc cổ tức Công ty chưa có kế hoạch chia nhằm cân đối hóa tiền vay.
Song, ban lãnh đạo cho biết nếu cổ đông yêu cầu thì HAR sẽ cùng ngồi thương thảo, song tỷ lệ chi trả chỉ đâu đó 1,5%.