Sáng nay (20/3), Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã: HAR) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2018. Đại hội đã thông qua tất cả các nội dung HĐQT trình.
Mục tiêu lãi gấp đôi năm trước, không chia cổ tức 2017
ĐHĐCĐ thường niên 2018 của HAR
HĐQT trình cổ đông kế hoạch khá tham vọng với doanh thu 150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, doanh thu tăng trưởng 53% và lợi nhuận gấp đôi. Thù lao cho HĐQT và BKS là 2%/LNST (năm 2016 là 420 triệu đồng).
HĐQT đánh giá giai đoạn 2018 - 2020, khoảng 65.000 căn hộ đã và đang xây dựng được cung ứng ra thị trường, trong đó khu vực quận 2 - địa bàn truyền thống của HAR chiếm 46% về số lượng. Đây là áp lực cạnh tranh cho công ty.
Trong năm nay, HAR sẽ đưa vào khai thác Aurora Hotel với quy mô 110 phòng, hiện đang chuẩn bị nhân sự cho quản lý và vận hành.
Đối với công ty con, HĐQT đặt kỳ vọng cơ cấu xong nội tại để đẩy mạnh phát triển kinh doanh. HĐQT sẽ khôi phục sản xuất và đẩy mạnh mảng FMCG của CTCP Phương Đông để xây dựng mảng kinh doanh trọng yếu mới.
Các bất động sản thuộc sở hữu của công ty con sẽ được quản lý tập trung, ban giám đốc đàm phán về thời gian thuê và giá cho thuê với đơn vị cho thuê đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công khi tiến hành thực hiện dự án.
Năm 2017, công ty lãi sau thuế 28,7 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm sau khi đã điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 18 tỷ đồng. HĐQT trình kế hoạch không chia cổ tức năm 2017 nhằm mục tiêu tái đầu tư cho các hoạt động kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HAR đi từ vùng giá 8.500 đồng/cp lên 11.300 đồng/cp (ngày 6/3), tương đương tăng 33%. Chốt phiên ngày 19/3, cổ phiếu có giá 11.400 đồng/cp.
Phần thảo luận:
Các dự án đang thực hiện của HAR là gì?
Về các dự án hiện nay, HAR có 4 dự án đầu tư BĐS, 1 dự án khách sạn chuẩn bị khai thác vào quý II, 1 dự án thương mại liên kết mở bán quý II. Trong đó, dự án ở đường Nguyễn Trọng Tuyển - Phạm Văn Hai gồm 250 phòng khách sạn 4 sao, đang xin giấy phép. Dự án 40 Kim Biên là xây dựng khu phức hợp, đang chỉ đạo công ty con đàm phán lại hợp đồng, cho thuê 6 tháng hoặc 1 năm để đảm bảo mặt bằng. Dự án resort Nha Trang, do đặc thù nằm trong khu bảo tồn biển nên việc triển khai có đặc thù.
Về thương hiệu xà bông Cô Ba, HĐQT đang thiết lập lại, khôi phục nhân sự chủ yếu, trang thiết bị dây chuyền sản xuất, dự kiến ra mắt sản phẩm vào quý II. HĐQT đánh giá đây là mảng kinh doanh tiềm năng.
Năm qua có thông tin cổ đông lớn mua bán, tác động giá cổ phiếu làm ảnh hưởng tới quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ. Xin được hỏi thành phần cổ đông gần nhất và biện pháp của HAR trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ lẻ?
Theo danh sách mới nhất tại ngày 6/3, công ty có 5.228 cổ đông, trong đó cổ đông nội bộ nắm giữ hơn 18 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17,83%. Cổ đông lớn tổ chức có 2, nắm giữ gần 18,26%. Cổ đông lớn cá nhân không có. Các cổ đông khác nắm 63%. Theo số liệu này, HĐQT thấy có sự thay đổi về cổ đông lớn tổ chức. HĐQT cho rằng việc tự do giao dịch là quyền lợi chính đáng của cổ đông, sẽ cung cấp đầy đủ thông tin kinh doanh của công ty để nhà đầu tư có quyết định đúng đắn khi đầu tư, tránh ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực.
Việc thực hiện M&A có tiếp tục thực hiện?
HAR xuất phát từ công ty làm căn hộ dịch vụ và cho thuê. Tới 2017, với nhiệm kỳ mới của HĐQT, HAR có định hướng chuyển qua công ty đầu tư (holdings), phục vụ cho ngành kinh doanh BĐS cốt lõi, bao gồm 2 hướng chính BĐS thương mại tạo ra dòng tiền và BĐS nhà ở. Theo định hướng của HĐQT, HAR vẫn cố gắng duy trì tỷ trọng chính của BĐS thương mại. Nếu có thương vụ M&A khác HAR cũng sẽ làm và đặt mục tiêu tăng quỹ đất.
Quản lý rủi ro từ hoạt động tài chính?
Hoạt động tài chính ở HAR không phải là mua cổ phiếu, trái phiếu, cho vay. Doanh thu tài chính đến từ tái cơ cấu, bán tài sản ở phần góp vốn tại các công ty có sở hữu đất, chuyển nhượng và tập trung nguồn lực cho các dự án lớn hơn. Việc tái cơ cấu đều mang lại lợi nhuận 15 - 18%/năm.
Tất cả các khoản đầu tư đều có rủi ro. Nhưng trong 2017, HĐQT giao ban điều hành là phải có chuyên trách, trong kế hoạch sẽ có ban kiểm soát nội bộ. Bộ phận này sẽ được xây dựng trong các năm tới. Các thương vụ thoái vốn hoặc M&A xảy ra không quá thường xuyên. HAR cũng thuê các đơn vị kiểm định tài chính để giảm bớt rủi ro trong các thương vụ M&A. Năm 2018 HAR tiếp tục hoàn thiện nhân sự chuyên trách về kiểm soát nội bộ.
Về các dự án BĐS dự kiến ghi nhận lợi nhuận ra sao?
Ngoài các mảng kinh doanh cốt lõi đang có, trong quý II hoặc trễ nhất là quý III sẽ đưa vào vận hành khu khách sạn hơn 100 phòng. Còn 3 dự án xây dựng hiện tại cũng là kết quả của các thương vụ M&A trong năm 2017. Dự án biển ở Khánh Hòa nằm trong vịnh có đảo san hô đẹp khi HAR xây dựng dự án đang cố gắng khai thác tối đa tiện ích. Theo kế hoạch 2018, khu vực này tạo ra doanh thu từ hoạt động dịch vụ cho công ty con Đảo San Hô, đem lại lợi nhuận cho công ty mẹ. Giá bán phòng tăng, tỷ lệ lấp đầy cố gắng duy trì sẽ tạo ra doanh thu cốt lõi của công ty. Kỳ vọng công ty con Đảo San Hô sẽ tạo ra từ hoạt động kinh doanh, bán hàng và lưu trú khách sạn. HAR sẽ chia phân đoạn, hy vọng 2018 - 2019 hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận.
Kế hoạch phát triển thương hiệu xà bông Cô Ba sẽ được xây dựng thế nào? Mảng kinh doanh FMCG sẽ đẩy mạnh ra sao?
Việc phân phối hóa mỹ phẩm là tái sản xuất và gây dựng thương hiệu xà bông Cô Ba. Mua lại Phương Đông vì có quỹ đất 10.000 m2 ở ngay trung tâm. HAR sẽ cố gắng biến dự án BĐS đó thành cốt lõi, tạo lợi nhuận cho cổ đông. Ngoài ra tiềm năng thứ hai rất lớn là thương hiệu Cô Ba - thương hiệu lâu đời. Tuy nhiên FMCG không phải là thế mạnh của HAR nên phương án thực hiện là đàm phán, kết hợp với đối tác. HAR giữ giá trị thương hiệu và câu chuyện xà bông, trước mắt không có kế hoạch mở rộng sản xuất và tham gia thị trường FMCG. Tất nhiên Phương Đông đã dừng sản xuất hơn 1 năm qua, do đó HAR sẽ cho sản xuất lại để đảm bảo tính liên tục. Sản phẩm xà bông theo khảo sát được đang được chào đón nhiều ở phía Nam.
Năm 2018, HAR đặt mục tiêu khiêm tốn cho ban điều hành Phương Đông, khôi phục được kênh phân phối truyền thống của thương hiệu Cô Ba và xây dựng thương hiệu. Sau đó sẽ làm marketing, sales phù hợp với thương hiệu.
Vì sao HAR không chia cổ tức năm 2017?
LNST chưa phân phối còn 24 tỷ đồng, trong đó sẽ trích quỹ đầu tư phát triển. Sau 5 năm hoạt động HAR chuyển thành công ty holdings, chuyển từ căn hộ cho thuê hướng sang khách sạn, condotel và khách sạn biển. HAR sẽ dùng quỹ này trong 3 năm, để tái cơ cấu công ty mẹ và hợp tác với nước ngoài nghiên cứu các sản phẩm mới.
Nếu chia cổ tức, phương án chỉ có thể chia 1,5%. Nhưng HĐQT nhận thấy các thương vụ M&A còn nghĩa vụ thanh toán đến năm 2018, cộng với nhiều khoản trái phiếu hiện tại với ngân hàng khoảng 70 - 100 tỷ đồng. HĐQT cho rằng việc chia cổ tức không phù hợp thời điểm này. Tất nhiên việc chia cổ tức hay không phụ thuộc vào quyết định cổ đông.