Chiều ngày 21/6/2021, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 181% so với năm 2020. Với chỉ tiêu trên, Công ty dự chia cổ tức với tỷ lệ 5%, hình thức sẽ bằng cổ phiếu hoặc/và tiền mặt.
6 tháng đã thực hiện hơn 9.400 tỷ giá trị thầu trên tổng kế hoạch 14.000 tỷ đồng
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết chủ trương năm nay Công ty sẽ thoái vốn khỏi các dự án đầu tư bất động sản, tập trung vốn phát triển lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng và đặc biệt là bất động sản cao tầng tại thị trường nước ngoài.
"Vắc-xin đã bắt đầu được phân phối trên một số nước sẽ tạo điều kiện mở cửa kinh tế tiếp đón dòng vốn FDI. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch chuyển sản xuất và nhà máy từ Trung Quốc, Châu Âu sang Việt Nam sẽ hâm nóng thị trường bắt động sản công nghiệp. Du lịch quốc tế hồi phục sẽ làm tăng nhu cầu xây dựng bất đông sản du lịch trong nước", ông Hải nói.
Theo đó, năm 2021, HBC đặt mục tiêu trúng thầu 14.000 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, giá trị trúng thầu của HBC đã đạt 9.408 tỷ đồng.
Dù vậy, hiện nay tình hình cấp phép vẫn chưa cải thiện. Mặt khác, Covid-19 cũng tác động lên các mảng của HBC liên quan đến du lịch... hiện các đối tác của Công ty cũng đang phải tạm ngưng tiến độ. Covid-19 cũng gây tác động khiến HBC chưa thể đẩy nhanh chiến lược mở rộng sang nước ngoài, ông Hải nói thêm.
Chưa kể, thời gian qua HBC cũng bị ảnh hưởng bởi việc biến động của giá VLXD. "Dự kiến 2 năm tới tình hình sẽ cải thiện nhiều, và giá cổ phiếu cũng sẽ cải thiện", vị này chốt lời.
Huy động tối đa 2.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu, cổ phiếu
Để có nguồn lực đầu tư, HĐQT cũng trình phương án phát hành chứng khoán bao gồm trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 2.000 tỷ đồng. Trong đó, giá phát hành cổ phiếu không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Thời điểm phát hành sẽ được quyết định cụ thể khi điều kiện thị trường phù hợp.
Mặt khác, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2018, Công ty sẽ phát hành 3,25 triệu cổ phiếu ESOP với giá bằng mệnh giá, thời điểm có thể trong năm nay hoặc các năm sau.
Đồng thời, Công ty cũng phát hành 4,62 triệu quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên đang làm việc.
Đại hội cũng thông qua đơn từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT độc lập của ông Đặng Hồng Anh.
Thảo luận tại Đại hội
1. Theo công bố HBC đã thăng kiện FLC nhưng FLC có đơn kiện ngược lại. Tình hình thực hiện tranh toán của FLC đến nay như thế nào?
Ông Hải: Có thể nói vụ kiện HBC-FLC thì phía HBC đã thành công tốt đẹp và kết thúc. Ngày mai biên bản thoả thuận giữa hai bên sẽ chính thức ký tại Cục thi hành án Tp.Hà Nội. Theo đó, FLC sẽ trả 285 tỷ cho HBC (nợ gốc 192 tỷ đồng).
Vừa qua FLC đã thanh toán được 20 tỷ đồng cho HBC ở Hợp đồng 27, còn lại khoảng 15 tỷ đồng.
Mặt khác, tại Hợp đồng 18, nợ gốc là 162 tỷ thì theo phán quyết của toà, FLC sẽ thanh toán 234 tỷ nhưng do phát sinh lãi thanh toán chậm, do đó giá trị lên đến 250 tỷ đồng.
Chắc chắn FLC sẽ phải thanh toán đúng theo tiến độ cam kết. FLC cũng cam kết rút tất cả các đơn kiện đã gửi các nơi, cũng như không đưa vụ kiện tại Hoà Giấy lên các cấp nữa.
Nhìn chung, HBC đã chấm dứt các vụ kiện với FLC. Nếu FLC không thực hiện đúng với cam kết đã được hoạch định chi tiết theo từng tháng, thì một lần trễ thì mỗi lần phát sinh sẽ tính từ đầu. Kế hoạch chi tiết:
+ Tháng 6: 15 tỷ đồng;
+ Tháng 7 – 12/2021: 20 tỷ đồng;
+ Sang năm 2022 mỗi năm 25 tỷ cho 3 tháng đầu;
+ Còn lại sẽ thanh toán vào tháng 4.
Tính chung, từ nay cho đến tháng 4 năm sau HBC sẽ nhận về 265 tỷ từ FLC.
2. Thoái vốn khỏi các dự án bất động sản nào?, năm 2021 sẽ thu về khoảng bao nhiêu?
Hiện HBC đầu tư khoảng 11 dự án, trong đó có 4 dự án lớn. Đặc biệt, 1 dự án tại số 1C Tôn Thất Thuyết có khả năng thu về 400 tỷ đồng.
Nhìn chung tổng thoái vốn 4 dự án lớn thì khả năng HBC sẽ thu về trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên để đạt được mức thoái vốn hiệu quả nhất thì phải định giá từng dự án với một bên thứ ba.
Ngoài ra HBC cũng thoái vốn tại một số công ty con trong mảng chứng khoán, sản xuất betong sợi thuỷ tinh…
3. HBC có thành lập Công ty TNHH MTV HBIC có mục tiêu gì?
Vị trí công ty tại quận 9, tương lai nếu thành phố Thủ Đức hình thành thì đây sẽ là vị trí đắc địa. Diện tích hiện nay của khu đất tại đây là 24.500 m2, HBC đã đóng đủ tiền thuê đất cho 50 năm. Mục tiêu dự án là để phục vụ cho chiến lược lâu dài khi HBC phát triển ra thị trường nước ngoài với lợi thế ban đầu là về giá, lâu dài HBC cũng chuẩn bị lợi thế về cả công nghệ kỹ thuật. HBC mục tiêu có những bằng phát minh về kỹ thuật để có thể đảm bảo lợi thế cạnh tranh sau này, sau khi không còn cạnh tranh về giá.
4. Kế hoạch kiểm soát các khoản phải thu cũng như xử lý nợ xấu như thế nào?
CEO Lê Viết Hiếu: Kiểm soát các khoản phải thu cũng như xử lý nợ xấu là trọng tâm của HBC. Trong đó, đến 50% chỉ tiêu tài chính là sẽ cải thiện dòng tiền, cơ cấu khoản phải thu và trả nợ. Hàng tháng các nhóm cũng họp để cập nhật kịp thời các khoản phải thu, để có những động thái phù hợp cải thiện dòng tiền…
Năm 2021, HĐQT đặt chỉ tiêu xử lý 500 tỷ nợ xấu, hiện đã thực hiện được 400 tỷ nên khá tự tin về chỉ tiêu vượt nợ xấu.
5. CEO Lê Viết Hiếu từ khi lên vị trí này có đóng góp gì nhiều cho Công ty không?
Thành viên HĐQT Đặng Doãn Kiên: Ông Hiếu dù tuổi đời còn nhỏ tuy nhiên đã gắn bó với HBC từ rất lâu, cả thị trường miền Nam và Bắc. Ông Hiếu cũng có khả năng gắn kết ban lãnh đạo rất tốt, cùng với đó nhiệt huyết tuổi trẻ cũng là điều đáng ghi nhận.
Về đóng góp, thực tế thì tình hình HBC hoạt động rất hiệu quả bất chấp dịch Covid-19. Tính đến hiện tại, Công ty đã trúng được khoảng 10.000 tỷ giá trị thầu, so với tổng kế hoạch năm là 14.000 tỷ đồng.
6. Hiện giá cổ phiếu HBC thấp, ban lãnh đạo có nhận định gì không và có ai thao túng giá không?
Ban lãnh đạo HBC đồng ý giá cổ phiếu giảm, tuy nhiên trên thị trường có nhiều đơn vị giá thị trường không phản ánh đúng với giá trị sổ sách. Hiện, với thị giá khoảng 15.000-16.000 đồng/cp thì đang ngang bằng với giá trị sổ sách HBC.
Chưa kể, xu hướng thị trường cũng đi theo dòng khác nhau, và như thế nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu khác (bất chấp tốt hay xấu) để lấy tiền về và đi theo xu hướng mới. Tại HBC, cổ đông nhỏ lẻ rất nhiều, nên dễ bị ảnh hưởng bởi tân lý này của cổ đông.
7. Cổ phiếu HBC liên tục bị bán mạnh phiên ATC, gây ảnh hưởng lên cổ đông. HBC có kế hoạch cải thiện gì không?
Giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố:
+ Tình hình vĩ mô: Chính sách thuế, xây dựng...
+ Nội tại doanh nghiệp: Có làm ăn tốt không, ngành nghề có được quan tâm không;
+ Tính chất cổ đông: Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng chỉ toàn cổ đông nhỏ lẻ, giao dịch lướt sóng... về điều này thì HBC không thể tác động được, vì tuỳ thuộc vào ý chí và khẩu vị của cổ đông.
HBC thời gian cũng có chính sách quan hệ cổ đông chặt chẽ hơn, trong đó sẽ công bố thông tin rõ ràng, kịp thời hơn. Song song, HBC cũng sẽ tạo thêm những buổi gặp gỡ đối thoại với ban lãnh đạo để cổ đông hiểu hơn về doanh nghiệp.
8. Liệu HBC có còn hợp tác với FLC thời gian tới?
Ông Hải: Sau khi kết thúc vụ kiện, phía FLC cũng đã có những chia sẻ cảm thấy tiếc nuối về sự cố vừa qua. Phía HBC thì luôn mở lòng, tuy nhiên cũng nhấn mạnh sẽ không để sự việc như vừa qua tái diễn. Nhìn chung, HBC vẫn mong hợp tác với FLC nếu có cơ hội.