Sáng ngày 18/04, Tổng CTCP Hóa dầu Petrolimex (HNX: PLC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua kế hoạch kinh doanh và một số vấn đề khác.
Năm 2018, trên cơ sở giá dầu thế giới, dao động quanh mức 60-70 USD/thùng và có thể tăng vào nửa đầu năm, ổn định ở nửa cuối năm, PLC đặt mục tiêu sản lượng 359.280 tấn, tăng 5% so với năm trước với doanh thu thuần 5.531 tỷ đồng, tăng trưởng 10%. Lợi nhuận sau thuế ở mức 189,4 tỷ đồng, tăng 11%. Công ty dự kiến sẽ chi trả cổ tức tối thiểu 80% lợi nhuận sau thuế của năm 2018.
Năm nay, công ty ước tính sẽ chi 394,8 tỷ đồng đầu tư dự án, tương đương 58% tổng mức đầu tư. Trong đó chi 350 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư mới và 44,5 tỷ đồng cho các hạng mục sửa chữa lớn. Năm trước, công ty đã đầu tư 258 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch.
Với các chỉ tiêu năm 2018, ban lãnh đạo cho rằng, công ty hoàn toàn có thể đạt được với những ước tính về thị trường như hiện nay. Tuy nhiên, trong quý I, công ty chỉ mới đạt khoảng 22% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm do vướng kỳ nghỉ tết và mảng nhựa đường, dầu nhờn chưa đóng góp nhiều vào kết quả của công ty.
Ông Phạm Bá Nhuân, Chủ tịch HĐQT của PLC cho biết, doanh thu và lợi nhuận của mảng nhựa đường sẽ tập trung vào quý II và cuối năm, trong khi mảng hóa chất tập trung vào quý IV là chủ yếu.
Năm 2017, PLC đạt doanh thu gần 5.053 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 88% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, tương đương 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Công ty chi trả cổ tức tỷ lệ 20%.
Nguyên nhân không thể hoàn thành kế hoạch theo HĐQT là do năm trước nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng khó khăn, Chính phủ chưa có vốn đối ứng, nên các công trình đầu tư giao thông ngừng trệ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh ngành hàng nhựa đường. Đồng thời, nhu cầu dầu mỡ nhờn cho công nghiệp và phương tiện thi công cũng giảm. Bên cạnh đó, mảng xuất khẩu hàng hải của công ty cũng sụt giảm khi chỉ đạt 1.000 tấn trong khi kế hoạch là 3.500 tấn, và những năm trước có thời điểm đạt 13.000 tấn.
Mặt khác, theo ban lãnh đạo, chỉ tiêu năm ngoái cũng không phải do PLC đặt ra mà do tập đoàn Petrolimex – công ty mẹ chỉ đạo xuống, bản thân công ty cũng nghĩ khó có thể hoàn thành.
Mảng "nhựa đường" vẫn chưa khởi sắc trở lại
Phân tích những khó khăn của mỗi mảng, lãnh đạo của PLC cho biết, ở lĩnh vực nhựa đường hiện nay PLC là công ty dẫn đầu trong số 8 công ty cùng ngành tại Việt Nam (gồm 5 công ty nội và 3 đơn vị ngoại), với hơn 30% thị phần.
Năm 2017 là một năm khắc nghiệt của ngành do nhu cầu cho các dự án rất hạn chế đã có 2 doanh nghiệp phá sản (1 đơn vị trong nước và 1 đơn vị nước ngoài). Nhựa đường là một mảng có tính mùa vụ rất lớn, nếu không thể có nền tảng tài chính tốt sẽ không thể trụ được.
Trong năm 2018, PLC sẽ bán nhựa đường cho 3 dự án là dự án Hạ Long- Vân Đồn; dự án A1-A5 (Tam kỳ - Quảng Ngãi); và dự án La Sơn - Quý Lang. Mặt khác đối với dự án đường Bắc Giang – Lạng Sơn hiện đang tắc vốn.
Theo dự báo 2019-2020, các dự án hạ tầng giao thông có thể sẽ sôi động trở lại, tuy nhiên theo ban lãnh đạo đến năm 2020-2022 cũng chưa chắc đã có thể trở lại thời đỉnh cao như năm 2015, vì hiện nay nhiều ngân hàng đang ngừng tài trợ cho các dự án BOT. Kế hoạch xây dựng đường cao tốc rất hay nhưng để huy động vốn thì rất khó. “Trong thực tế hiện trường là chưa có gì”, Giám đốc mảng nhựa đường của PLC, ông Vũ Văn Chiến cho biết.
Về hoạt động đầu tư, PLC đang tiếp tục xây dựng các nhà máy nhũ tương tại 3 miền, bổ sung thêm nhà máy tại Cửa Lò và Trà Lóc, năm 2018 xây dựng nhà máy tại Quy Nhơn và Cam Ranh, nâng số lượng lên 5 nhà máy.
Với mảng dầu nhờn, năm 2018 giá dầu tăng, dẫn đến nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá bán không thể tăng tương ứng, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của mảng này. Tuy nhiên, công ty cũng đã xây dựng lộ trình xây dựng kho nhiên liệu nhập theo từng chu kỳ, tạo tồn kho tại thời điểm giá dầu tốt. Công ty đang xây dựng các nhà máy tại Hải Phòng và TP HCM là nhà máy trữ dầu gốc. Năm 2018, công ty dự kiến sản lượng dầu nhờn sẽ đạt khoảng 31.600 tấn, tăng 6,7% so với năm trước.
Liên quan đến chủ trương phát hành cổ phiếu (từng đề cập năm 2016) để cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn gần 1.600 tỷ đồng (tại BCTC kiểm toán năm 2017), ban lãnh đạo PLC cho biết, HĐQT đã trình văn bản lên tập đoàn mẹ để xin chỉ đạo, và hiện đang đợi ý kiến trả lời. Nếu được sự nhất trí của thì công ty sẽ thông báo tới cổ đông.