Sáng nay (18/4), Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Đại hội có sự tham dự của các cổ đông đại diện 87,84% số lượng cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện tiến hành.
Chưa bán cổ phiếu quỹ
Đại hội thảo luận
Đóng góp các ngành hàng trong kế hoạch 2018?
Các ngành hàng tạo ra khoảng 12.000 tỷ đồng doanh thu, trong đó các ngành hàng mới mục tiêu 10%. Tỷ trọng doanh thu vẫn ở các ngành hàng chính như dầu ăn, kem, Vocarimex.
Tại sao room nước ngoài còn mà phải mở room?
Ông Trần Lệ Nguyên: Nhiều đối tác nước ngoài quan tâm cổ phiếu KDC. Về phía HĐQT muốn mở room để NĐTNN, quỹ đầu tư có cơ hội tham gia vào đầu tư cổ phiếu KDC.
Chia cổ tức 16% bằng tiền mặt, có thể trả 8% bằng cổ phiếu không?
Ông Trần Lệ Nguyên: KDC có 50 triệu cổ phiếu quỹ nên không trả bằng cổ phiếu. Ngoài ra còn hơn 2.000 tỷ đồng thặng dư tiền mặt, chưa cần phải trả bằng cổ phiếu.
Chiến lược M&A của công ty ra sao?
Ông trần Lệ Nguyên: Năm 2018, công ty sẽ M&A một công ty dầu thực vật mà Vocarimex liên doanh với 1 công ty của Malaysia. KDC đang hoàn thiện thủ tục trong năm nay để mua 51% sở hữu công ty này. Năm nay, doanh số 12.000 tỷ đồng chưa bao gồm mảng M&A. Chiến lược 2018 sẽ có ngành hàng nước uống, mì gói, nước chấm. Doanh số ngành mới này chỉ chiếm 10% tổng doanh thu.
Tiềm năng thống lĩnh ngành dầu trong dài hạn? Nghiên cứu sản phẩm mới có phải thế mạnh KIDO không?
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Ngành dầu là ngành thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên KDC sẽ tiếp tục đầu tư. Về việc phát triển sản phẩm mới, KDC có đội ngũ chuyên gia riêng về ngành hàng, tìm hiểu thị trường để làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Dự án Lavenue Lê Duẩn khi nào thực hiện?
Đang hoàn thiện thủ tục, nếu không có gì thay đổi thì quý III hoặc quý IV thực hiện dự án. KDC không đầu tư mà hợp tác, NĐT bỏ tiền ra thực hiện. Vốn thặng dư công ty dùng để triển khai ngành thực phẩm.
Kế hoạch tận dụng CPTPP?
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: KDC đã có hoạt động xuất khẩu từ lâu. Với CPTPP, KDC có cơ hội để giao thương với các nước trong hiệp định như Úc, Canada, New Zealand. KDC có nền tảng xuất khẩu thường xuyên nên CPTPP tạo thuận lợi hơn trong xúc tiến thương mại.
Cạnh tranh ra sao với các đối thủ?
KDC có lợi thế về kênh phân phối, 450.000 điểm bán kênh khô và 70.000 điểm bán kênh lạnh. Sản phẩm của KDC là nhóm sản phẩm thiết yếu như dầu, kem, sắp tới tiếp tục tung ra mì gói, nước chấm. Thị trường chắc chắn cạnh tranh, KDC sẽ xây dựng kênh, đội ngũ phục vụ rộng khắp, đa dạng được sản phẩm thiết yếu.
Vì sao KDC lại mua Goden Hope?
Ông Trần Lệ Nguyên: Mỗi năm Goden Hope có doanh số 1.600 tỷ đồng, nhưng vấn đề về quản trị không tốt dẫn đến hiệu quả kém. Điều này sẽ khác khi KIDO tiếp quản, sự tăng trưởng của Tường An trong 2 năm qua là minh chứng.
Thị phần dầu ăn KIDO?
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu: Thị phần 30%, đứng thứ hai trên thị trường, về cả dầu chai, dầu đông lạnh.
Khi nào bán cổ phiếu quỹ?
Ông Trần Lệ Nguyên: Các đối tác sắp tới đang có mong muốn đầu tư vào KDC. Nếu thị trường phản ứng tốt, KDC sẽ bán cho các cổ đông chiến lược, đối tác tham gia đầu tư. Hiện tại, quỹ tiền mặt còn hơn 2.000 tỷ đồng nên chưa đến thời điểm bán cổ phiếu quỹ.
KIDO không hối tiếc vì bán mảng bánh kẹo
Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Kim Thành nhận định Việt Nam đang ở chu kỳ thuận lợi có cơ hội phát triển và thu hút nước ngoài đầu tư nhiều. Mô hình hoạt động cũ của KDC không còn phù hợp. Khi chuyển giao mảng bánh kẹo ban lãnh đạo cảm thấy rất tiếc nhưng giờ suy nghĩ lại không còn gì hối tiếc. Khi làm bánh, ban điều hành luôn nghĩ có thể làm thêm loại bánh gì nữa. Trong mấy chục năm, doanh số KDC chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng. Khi mảng bánh không còn nữa, KDC suy nghĩ lại và tìm hướng đi mới, song song tiến hành M&A.
Doanh số 7.000 tỷ đồng năm 2017 đến từ Tường An, Vocarimex, KIDO Food. KDC sẽ tiếp tục làm M&A để rút ngắn thời gian thực hiện. Năm 2018, doanh số tăng thêm 5.000 tỷ đồng để đạt 12.000 tỷ đồng, con số tăng thêm bằng doanh số hàng năm của nhiều năm trước khi làm bánh kẹo. Các ngành hàng mới trong năm 2018 chưa dám kỳ vọng doanh thu lợi nhuận cao nhưng các năm tới sẽ có hiệu quả cao hơn.
Tổng hợp lại, KDC sẽ tiếp tục đưa vài ngành mới vào chiến lược kinh doanh trong một năm để tăng doanh số. Với KDC, công tác quản trị và đào tạo người là mấu chốt trong quá trình phát triển, áp dụng công nghệ vào quản trị.
Nội dung tờ trình
Tiếp tục xin nới room 100%
Điểm đáng chú ý trong tờ trình đại hội năm nay là HĐQT trình cổ đông tiếp tục thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài (nới room) lên mức 100% và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục cần thiết, bao gồm cả việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh nếu ngành nghề bị hạn chế nới room.
Việc nới room không phải vấn đề mới được đề cập ở KIDO, trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2017 đã thông qua, tuy nhiên vì một số lí do khách quan mà chưa hoàn tất.
KIDO hiện còn sở hữu cổ phần tại hai doanh nghiệp liên quan bất động sản gồm CTCP Đầu tư Phát triển Phong Thịnh (nắm 34%) và CTCP Đầu tư Lavenue (50%). Bất động sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên có thể đây là rào cản cho KIDO trong việc nới room.
Trong năm 2017, KIDO cũng đã bán toàn bộ 80% vốn góp tại Công ty TNHH Tân An Phước, đơn vị sở hữu dự án Nhà ở cao tầng Hiệp Bình Phước - Thủ Đức trên diện tích đất 51.287 m2. Khu nhà bao gồm 18 đơn nguyên cao từ 14 - 20 tầng với 1.811 căn hộ.
Kế hoạch lãi 800 tỷ đồng, tăng 43%
HĐQT trình kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu thuần 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng; tăng lần lượt 71% và 43% kết quả thực hiện năm trước.
Trong buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2018, ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc có chia sẻ cơ cấu doanh thu đóng góp từ Tường An khoảng 5.600 tỷ đồng, Vocarimex khoảng 4.400 tỷ đồng, KDF khoảng 1.800 tỷ đồng và liên doanh giữa KIDO và Công ty thực phẩm Dabaco 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Nguyên nói KDC cũng có kế hoạch đàm phán mua lại một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm có doanh số hàng năm gần 2.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào kế hoạch này, tỷ lệ cổ tức chi trả dự kiến là 16% bằng tiền. Tỷ lệ này tương đương mức chi trả cho năm 2017.
Trình bày tại đại hội, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc KDC cho biết lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam chỉ khoảng 11,3 kg/năm, thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO (13,5 kg/năm). Về kem, lượng tiêu thụ kem ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ 444 gram/người/năm. Đây là cơ hội cho tập đoàn thực hiện các ngành hàng chủ lực trong thời gian tới.
Năm 2017, KDC đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VOC lên 51%, mua 50% cổ phần Dabaco và chính thức IPO, niêm yết KDF lên UPCoM vào tháng 8.
Doanh thu năm 2017 đạt 7.016 tỷ đồng, đến từ các mảng chính như ngành lạnh, dầu ăn... Trong đó có sự tăng trưởng mạnh của mảng dầu ăn từ 778 tỷ đồng lên 5.434 tỷ đồng, tức gấp 7 lần. Mảng kem cũng tăng từ 1.019 tỷ đồng lên 1.178 tỷ đồng.
Trong tương lai, tập đoàn sẽ tiếp tục tái cấu trúc mô hình hoạt động, nghiên cứu thâm nhập ngành hàng mới, tăng cường hệ thống kênh phân phối về chiều rộng lẫn chiều sâu cũng như tăng cường mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh.