Ngày 12/6/2019, Kido Foods (KDF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, nhằm thông qua kế hoạch doanh thu thuần 1,464 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, tăng vọt 376% so với năm 2018. Công ty dự kiến chia cổ tức 14% theo đề xuất của cổ đông, tức tăng so với mức kế hoạch trước đó là 12%.
Ngành FMCG tăng trưởng chậm lại năm 2018
Mở đầu Đại hội, đại diện Kido Foods cho biết, năm 2018, Công ty đã có những dự báo lạc quan về triển vọng phát triển của nền kinh tế và đặc biệt là thị trường FMCG. Do đó, Kido Foods đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở rộng ngành hàng thông qua hai nhà máy tại Bắc Ninh, Củ Chi và thông qua quá trình hợp tác, liên doanh với các đối tác trong lĩnh vực thực phẩm đông lạnh.
Tuy nhiên, ngành hàng FMCG trong năm qua đã không tăng trưởng như dự báo. Trong khi chỉ số GDP đạt mức tăng trưởng khả quan và tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức thấp thì ngành hàng FMCG lại có sự tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt 1,9%. Đặc biệt, ngành thực phẩm đông lạnh đã đối diện với nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của Kido Foods trên tất cả các mảnh kem, sữa chua và thực phẩm lạnh.
Trong bối cảnh đó, Kido Foods đã giảm mạnh hoạt động đầu tư mới, tiết giảm chi phí sản xuất, thực hiện dịch chuyển kế hoạch sản xuất giữa hai nhà máy Bắc Ninh và Củ Chi... Đồng thời, Công ty cũng cẩn trọng trong việc ra mắt sản phẩm mới.
Tuy nhiên, các khoản chi phí sản xuất cố định, chi phí đầu tư mở rộng kênh phân phối và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trong nửa đầu năm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi nhuận của Kido Foods trong cả năm 2018.
Kết thúc năm 2018, doanh thu của Kido Foods đạt 1.258 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 665 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 31,5 tỷ đồng. Đây là một năm kinh doanh không hiệu quả của Kido Foods và kết quả này không phản ánh đúng với tiềm lực của Công ty trên thị trường.
5 tháng thực hiện được 57% chỉ tiêu lợi nhuận 2019
Về tình hình năm 2019, ban lãnh đạo Kido Foods dự báo kinh tế Việt Nam năm nay có nhiều triển vọng như tăng trưởng GDP dự báo là 6,7%, CPI được kiểm soát ở mức 4%, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thu nhập bình quân đầu người được dự báo tăng lên 3.400 USD/năm.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của ngành lạnh tiếp tục được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kép là 7% cho giai đoạn 2017-2022. Qua đó cho thấy triển vọng của nền kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội mở rộng phát triển trong năm 2019, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành lạnh như Kido Foods.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, đặc biệt là tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lạnh. Trong khi mức tăng lương cơ bản chỉ 7,2% thì các chỉ số giá tiêu dùng thiết yếu lại được dự báo tăng mạnh như giá điện dự kiến tăng 7-9,7% và giá xăng dầu được dự báo tăng ở mức 8,1%-9,5%. Tất cả các chỉ số này sẽ tác động đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng.
Từ những dự báo về xu hướng biến động và phân tích các chỉ số kinh tế, Kido Foods đặt kế hoạch năm 2019 với doanh thu thuần 1.464 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, tăng mạnh 376% so năm 2018.
Để hoàn thành kế hoạch này, Kido Foods cho biết, đối với ngành kem, Công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, tiếp tục chiến lược cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường phát triển khẩu vị địa phương. Với ngành hàng sữa chua, Công ty chủ trương cơ cấu danh mục sản phẩm để thâm nhập lại thị trường. Còn với ngành thực phẩm lạnh, Kido Foods mở rộng quy mô kinh doanh khi điều kiện thị trường được cải thiện.
Kết thúc 5 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 601 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 41% và 57% kế hoạch năm 2019.
Thảo luận
1. Công ty có chiến lược gì để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới?
Ban lãnh đạo cho biết đang có sự chuyển biến lớn trong xu hướng tiêu dùng và Công ty cũng đang nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trong sự thay đổi này. Trong đó, kênh bán hàng hiện đại (MT) cũng đang thay đổi và Kido Foods sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm kem qua kênh này.
2. Giá sữa có xu hướng tăng từ 2018, Kido Foods đã làm gì để kiểm soát?
Đầu năm 2018, Kido Foods đã lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, chủ động đặt mua sản lượng nguyên năm để đảm bảo giá thành nguyên liệu không tăng so với xu hướng thị trường. Đồng thời Công ty quản lý sản xuất chặt chẽ.
3. Kế hoạch niêm yết trên HoSE như thế nào?
Do năm 2018 không thuận lợi. Nếu năm 2019 kết quả kinh doanh tốt thì năm 2019 sẽ làm được.
4. Kế hoạch phát triển thêm ngành hàng nào để cuối năm 2019 thu lãi về 150 tỷ đồng?
5 tháng đầu năm lợi nhuận Công ty đã vượt kế hoạch đề ra cho 6 tháng. Công ty vẫn phát triển kem và sữa chua, trong đó kem sẽ phát triển cả phân khúc cao cấp và trung cấp (trà sữa…). Sữa chua sẽ tập trung phân khúc biên lợi nhuận và lãi gộp cao để đạt kế hoạch đề ra.
5. Thực phẩm đông lạnh còn quá ít, Công ty có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm này?
Ngành lạnh đầu tư ban đầu chi phí lớn nên năm 2018 Công ty đã đầu tư một phần nên lợi nhuận quý 1 và 2 không khả quan. Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu, một khi điều kiện ngành thịt heo thuận lợi, Công ty sẽ phát triển thêm. Bởi Công ty có lợi thế về hệ thống phân phối nên chắc chắn sẽ tham gia ngành này.
6. Kết quả 5 tháng khả quan, cổ đông đề nghị cổ tức nên giữ ở mức 14% thay vì 12% như tờ trình đưa ra?
Ban lãnh đạo ghi nhận giữ mức 14% là hợp lý và cổ đông có thể biểu quyết vấn đề này.