Chiều ngày 10/04, Tổng CTCP Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018, thông qua kế hoạch kinh doanh năm và một số vấn đề thuộc thẩm quyền đại hội.
Quý I ước lãi khoảng 200 tỷ đồng
Năm 2018, Tổng CTCP Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.600 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện của năm trước. Về lợi nhuận sau thuế, Công ty đặt chỉ tiêu 800 tỷ đồng, tăng gần 30% so với thực hiện 2017.
Cũng cần đề cập, năm trước, doanh thu của KBC đạt 1.260 tỷ đồng, giảm hơn 36%, nhưng nhờ chuyển nhượng số cổ phần ở Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen với giá trị lên tới 1.854 tỷ đồng, nên KBC vẫn ghi nhận lãi ròng tăng trưởng 5%, đạt 584,5 tỷ đồng.
Lý giải về việc đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cao trong 2018, ban lãnh đạo của KBC cho biết rất tự tin vào kế hoạch đề ra. Năm nay 2.600 tỷ đồng doanh thu sẽ bao gồm từ bán 100ha diện tích KCN thu về 1.600 tỷ đồng, cho thuê tại dự án KCN Phúc Ninh ước thu về khoảng 800 tỷ đồng và 200 tỷ doanh từ điện nước, mảng khác.
Trong đó, với 1.600 tỷ đồng thu diện tích KCN, công ty đã bán được cho khách hàng và nhận đặt cọc 30% tiền. Hiện nay việc còn lại của công ty là xây dựng cơ sở hạ tầng thật nhanh để bàn giao cho khách hàng.
Lãnh đạo KBC cho rằng thực chất lợi nhuận của năm 2018 có thể cao hơn nữa, tuy nhiên ban lãnh đạo xây dựng kế hoạch trên phương án cẩn trọng nhất nên đưa ra con số 800 tỷ đồng.
Trong quý I/2017, KBC đã bán được 400ha diện tích KCN và ước tính doanh thu khoảng 650 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng.
Đang cân nhắc lựa chọn khách hàng cho KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh
Tại đại hội, ban lãnh đạo chia sẻ, hiện nay công ty đang đẩy mạnh xây dựng phần hạ tầng tại các khu công nghiệp để bán cho khách hàng.
Tại KCN Phúc Ninh có tổng diện tích 136.47 ha, KBC sẽ tiếp tục mở bán 1.5ha còn lại của tiểu khu 6.27ha và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục bàn giao đất, tiếp tục mở bán cho tiểu khu 22ha thuộc Khu đô thị Phúc Ninh. Tất cả đã được khách hàng đặt mua.
Hiện công ty đang đẩy nhanh tiến độ và khẳng định có thể hoàn thành trong năm nay, để bán cho khách hàng.
Tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, hiện có 2 khách hàng tiềm năng trong đó một doanh nghiệp logistic đăng ký mua 20ha và một doanh nghiệp điện tử có quy mô “tỷ đô” muốn mua 100ha. Hiện nay, ban lãnh đạo chưa thể tiết lộ cụ thể, và vẫn đang cân nhắc.
Hiện KCN đã được san lấp xong mặt bằng và sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư sau khi hoàn thiện toàn bộ phần hạ tầng, phương án này sẽ có giá bán cao hơn. Dự kiến, tiến độ dự án sẽ hoàn thành rất sớm, vì nằm tại vị trí đắc địa nên công ty muốn hướng đến chọn nhà đầu tư tầm cỡ cho KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Liên quan đến KCN Tràng Duệ, ban lãnh đạo cho biết Chính phủ đang xem xét, bổ sung vào khu kinh tế. Hiện nay Bộ Xây dựng đang yêu cầu chỉnh sửa lại một số chi tiết, tương lai không xa sẽ có thêm khu kinh tế tại Hải Phòng.
Với dự án JA tại KCN Quang Châu, nhà máy, trang thiết bị đầu tư hiện đại, đây là một trong những dự án lớn của tỉnh Bắc Giang và dự kiến tháng 9 sẽ đi vào sản xuất.
Mặt khác, dự án Ngoại giao đoàn đã triển khai từ năm ngoái thuận lợi, không vướng mắc pháp lý do công ty đầu tư giá vốn rất thấp nên không cần xây cao tầng vẫn có lãi. Doanh thu của dự án phụ thuộc vào tiến độ, nên không đưa ra con số trước. HĐQT sẽ định hướng giá bán phụ thuộc vào thị trường.
Tại đại hội, bà Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc KBC cho biết, Thủ tướng đã chấp thuận phương án phát triển khu công nghiệp tại Hải Dương. Theo đó, tỉnh Hải Dương đang yêu cầu KBC đẩy nhanh hoàn tất hồ sơ và xây dựng cơ sở hạ tầng để đầu tư. Vì thế trong tương lai, công việc của KBC sẽ liên tục phát triển, với tiềm năng rất lớn.
Bên cạnh những khách hàng chính là công ty con của tập đoàn lớn như LG, Samsung..., KBC cũng liên tục tìm kiếm và thu hút những doanh nghiêp mới làm đối tác của công ty, không bị phụ thuộc vào bất cứ đơn vị nào.
Về kế hoạch huy động vốn, năm 2018, Tập đoàn dự kiến thu xếp nguồn vốn khoản 2.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và mới đồng thời bổ sung nguồn vốn lưu động. Số vốn này sẽ được huy động thông qua vay tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo cho biết, việc đưa ra kế hoạch huy động 2.000 tỷ đồng là để dự phòng cho tất cả kịch bản. Trước mắt với lượng tiền mà khách hàng đã đặt cọc thì có thể KBC sẽ sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Việc huy động vốn sẽ nhằm tập trung vào cơ cấu lại khoản nợ và mở rộng quỹ đất, đầu tư vào dự án mới của công ty.
Liên quan đến vấn đề cổ tức, KBC dự kiến sẽ chia tỷ lệ cổ tức 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ khiến cổ phiếu trên thị trường bị pha loãng ảnh hưởng đến thị giá nên ban lãnh đạo sẽ cân nhắc. Mặt khác, hiện nay công ty có rất nhiều dự án cần vốn để đầu tư do đó nếu cân đối được nguồn vốn thì có thể sẽ chi trả cho cổ đông.
Đề cập đến tình trạng khối ngoại bán ròng cổ phiếu KBC, ban lãnh đạo cho biết lượng cổ phiếu bán ra chủ yếu từ các quỹ. Một số quỹ cơ cấu lại danh mục hoặc hết thời hạn đầu tư nên tiến hành thoái vốn, đến nay tình trạng này đã không còn nữa.