Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng, giảm 4% so với thực hiện trong năm 2021. Nói về chỉ tiêu đi lùi này, ban lãnh đạo cho biết thực tế Công ty không phải lên kế hoạch giảm, mà chính là sự cam kết tối thiểu với cổ đông và Công ty luôn nỗ lực vượt kế hoạch trong nội bộ.
Được biết, tại ĐHĐCĐ năm 2021, LTG đã công bố một kế hoạch kinh doanh dài hơi (đến năm 2024) cho tập đoàn, với cam kết lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng mỗi năm và kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 12%-20%-25%-30% lần lượt cho các năm 2021 - 2024. Có thể hiểu, kế hoạch lợi nhuận 400 tỉ đồng mà ban lãnh đạo LTG mới đề ra cho năm 2022 hoàn toàn nằm trong chiến lược dài hơi mà họ đã xây dựng và công bố công khai.
"Khi lợi nhuận thực hiện được cao hơn 400 tỷ đồng, Công ty sẽ trích quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng cho nhân viên, mỗi quỹ là 360 tỷ đồng, khi nào quỹ này được trích đủ thì lợi nhuận sẽ được tăng thêm, 2 quỹ này thuộc tài sản của Công ty", phía LTG cho biết.
Quý 1 ước lãi 180 tỷ đồng, việc chấm dứt hợp đồng với Syngenta không tác động đến tình hình kinh doanh hiện tại
Ước tính tình hình kinh doanh quý đầu năm, LTG cho biết doanh thu thuần dự đạt hơn 2.300 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 180 tỷ đồng. Công ty cũng nói thêm, việc chấm dứt hợp đồng với Syngenta không tác động đến tình hình kinh doanh hiện tại cũng như đối tác phân phối của Công ty, bằng chứng là quý 1/2022 lợi nhuận của LTG và mảng vật tư nông nghiệp không bị ảnh hưởng.
Hiện, cơ cấu doanh thu của LTG bao gồm 6 ngành gồm: nông sản, dịch vụ nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, cây giống, nghiên cứu và phát triển. Riêng mảng kinh doanh gạo, LTG báo cáo hiện có 1.300 kỹ sư nông nghiệp liên kết bà con nông dân trồng lúa, ký kết 110 ngàn ha bao tiêu tại tỉnh An Giang. Công ty đã tiêu thụ 1 triệu tấn lúa, doanh số đạt 12.000 tỷ đồng với đối tác sẵn có.
Đại hội lần này cũng thống nhất gia hạn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Trước đó, Công ty dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn tất niêm yết cổ phiếu LTG trên HoSE. Nguyên nhân LTG đưa ra là hiện nay, điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thuận lợi khi niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Chào bán 10 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược
Năm 2022, LTG còn lên kế hoạch chào bán 10 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tương ứng tỷ lệ 12,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành hiện nay. Đối tượng phát hành là tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Công ty và có cam kết hợp tác với Công ty trong thời gian ít nhất 5 năm.
Cổ phiếu phát hành theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ của LTG sẽ tăng từ 806 tỷ đồng lên 906 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Kết thúc năm 2021, LTG đạt hơn 10.224 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 36% so với năm 2020. Khấu trừ chi phí, LTG đạt gần 418 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 14% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 năm qua của doanh nghiệp này.
Trước đó, Công ty cũng đã bỏ kế hoạch thưởng cho HĐQT được trình bày trong tài liệu cũ. Thay thế, LTG trình phương án chi trả thù lao cho HĐQT và BKS lần lượt là 1% và 0,1% của lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Ngoài ra, ngân sách hoạt động cho HĐQT và BKS lần lượt là 1 tỷ đồng và 0,5 tỷ đồng.