Chiều ngày 24/4/2019, Masan Consumer (MCH) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 nhằm thông qua một số nội dung từ kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, phát hành cổ phiếu thưởng…
Được biết, 2018 được xem là năm đầu trong quá trình tái cấu trúc của Masan Consumer, chuyển đổi từ chủ trương "bán hàng hóa" sang "xây dựng thương hiệu", tập trung nguồn lực vào tăng trưởng bền vững. Kết quả thu về, doanh thu thuần năm 2018 đạt 17.006 tỷ đồng, tăng trưởng 28,7%; trong đó doanh thu từ gia vị, mì ăn liền tăng trưởng trở lại, với mức tăng lần lượt 35% và 29% so với năm 2017. Nước tăng lực cũng đạt mức tăng trưởng 36%. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.397 tỷ đồng, tăng 51% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Với kết quả đạt được, HĐQT Công ty sẽ chia cổ tức tỷ lệ 4%% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 4.500 đồng. HĐQT công ty cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP – tỷ lệ tối đa 0,5% - nhằm tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn lưu động. Song song, Công ty cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%, nguồn vốn phát hành lấy từ thặng dư vốn cổ phần của Công ty.
Lên chiến lược hành động cho thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ:
+ Phát triển các dòng sản phẩm nước tăng lực mới;
+ Gia tăng thị phần mì ăn liền phân khúc bình dân tại thị trường miền Nam;
+ Phát triển dòng sản phẩm mì ăn liền thế hệ mới nhằm gia tăng thị phần phân khúc trung cấp trên toàn quốc;
+ Phát triển dòng sản phẩm thịt chế biến cho bữa ăn chính đầy đủ dinh dưỡng;
+ Phát triển dòng sản phẩm xúc xích đặc trưng phong cách, hương vị ẩm thực Việt;
+ Xây dựng mô hình kinh doanh và thâm nhập thị trường cà phê rang xay.
Theo đó, năm 2019 Masan Consumer đặt mục tiêu đạt 20.400 đến 22.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng mức tăng trưởng 20% đến 31% so với doanh thu thực hiện năm 2018, Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty ước đạt từ 4.050 tỷ đồng đến 4.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 20% đến 25% so với lợi nhuận đạt được năm 2018.
Dài hơi hơn, mục tiêu 5 năm 2019-2023, Masan Consumer dự kiến thâm nhập sản phẩm chăm sóc cá nhân vào năm 2020, năm 2021 sẽ gia nhập thị trường sữa và dược phẩm dự kiến tham gia trong năm 2022.
Chi tiết, với mảng ngành đồ uống, Masan Consumer dự mở rộng danh mục sản phẩm nước tăng lực, tiến tới thị phần 12% đến cuối năm 2019; tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối tăng số lượng điểm bán lên 200.000; mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng 40-50% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.
Với mảng thịt, Công ty hiện đang thành công với thương hiệu Ponnie, dự kiến thúc đẩy sản phẩm Heo Cao Bồi, mục tiêu gấp đôi doanh số trong năm nay với tỷ lệ tăng trưởng 75-100% trong 5 năm tới.
Đáng chú ý với lĩnh vực mới cà phê rang xay, Công ty sẽ xây dựng mô hình kinh doanh bao gồm sản phẩm chiến lược và mô hình kinh doanh. Song song, Công ty cũng sẽ đẩy mạnh mảng cà phê hòa tan với mục tiêu thị phần 51% trong 5 năm tới.
Thảo luận tại đại hội
Phương án sử dụng vốn như thế nào sau khi phát hành tăng vốn, trả lời điều này Công ty dự kiến dùng đầu tư vào tài sản cố định, cụ thể là nhà máy.
Cổ đông thể hiện quan tâm đến nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân, ông Trương Công Thắng cho biết lùi sang năm 2020 để đủ thời gian làm rất nhiều thứ, từ nhãn hiệu đến sản phẩm, từ kênh phân phối đến vận chuyển...
Trước đó chúng tôi đặt kế hoạch triển khai trong năm 2019, tuy nhiên đến nay đại diện Masan Consumer cho biết nếu sớm sẽ triển khai vào quý cuối năm nay, hoặc dời sang năm 2020.
Trong chiến lược 5 năm, Homecare được xác định là ngành hàng chiến lược.
Cùng với đó, đi cùng việc phát triển dòng Homecare và Péonalcare, ông Thắng cho biết Công ty sẽ hiểu thị trường hơn, "chính người Việt sẽ làm người Việt đẹp hơn".
Về thị trường cà phê rang xay, nhận định bởi ông Thắng đang có sự dịch chuyển khi ngày người tiêu dùng đang trả nhiều tiền hơn cho một ly cà phê rang xay, hướng đến dòng sản phẩm nguyên chất hơn, uy tín hơn.
Thị trường này nước ta đang tiến đến ngang hàng với thị trường nước ngoài, Việt Nam có lợi thế về trồng cà phê do đó Masan Consumer sẽ tham gia, tuy nhiên nói về tính thành công thì còn tùy vì sẽ có rất nhiều khó khăn.
Dòng hàng cao cấp sẽ đi vào kênh siêu thị, dòng hàng thấp hơn sẽ đi vào kênh bên ngoài, đó là chiến lược của Masan để làm hài hòa giữa các kênh phân phối.
Masan khẳng định không dùng sản phẩm kênh này để lấn át kênh kia.
Ponnie đang nhập khẩu là Ponnie cao cấp, nhà máy Bình Dương thì tháng 3 mới xây xong và hãng Ponnie đang sản xuất ở Việt Nam. Hiện MCH đang nhập khẩu từ đối tác Nhật (hợp tác xây dựng nhà máy Bình Dương) để cung ứng cho thị trường.