Sáng ngày 24/4/2019, CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019, Đại hội nhận được sự quan tâm của nhiều cổ đông.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết: "Masan không hoàn hảo và không phải người giỏi nhất, Masan luôn học hỏi từ thảo luận của mọi người". Masan muốn Keep Going, và con đường đang đi rất nhiều chông gai, thử thách.
Hướng đến hệ sinh thái bao gồm cả Y tế, Giáo dục, Thông tin liên lạc…
Trong tương lai, bên cạnh 4 mảng hiện nay là Đồ ăn & Thức uống, Thịt, Tài chính, Khoáng sản, Masan dự kiến thành lập hệ sinh thái Masan với các mảng khác bao gồm Y tế, Giáo dục, Thông tin liên lạc và một số lĩnh vực khác.
Đồng thời, Tập đoàn cũng xác định hai mảng ghép chiến lược là (1) Sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình và (2) Bán lẻ. Trong đó, với nhóm Sản phẩm chăm sóc cá nhân & gia đình, Masan đánh giá Việt Nam có chi tiêu bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, sản phẩm đang bị định giá cao và hơn hết đang bị doanh nghiệp nước ngoài thống lĩnh. Masan sẽ thông qua M&A để tiếp cận thị trường này.
Còn với mảng Bán lẻ, theo Masan bài toán của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay là phân mảnh với hơn 1,5 triệu tạp hoá bán lẻ. Theo đó, người tiêu dùng đang phải trả giá cao cho những nhu cầu vật chất cơ bản, với chi phí tăng thêm khoảng 20-25%. Trong bối cảnh đó, Masan áp dụng mô hình kết hợp với Kênh truyền thống – Kệnh hiện đại – Thương mại điện tử. Trong đó, Kênh truyền thống hiện Masan đang có 11.000 cửa hàng Masan Shop tại từng xã trên toàn quốc và 5.000 điểm bán MEATDeli. Đặc biệt, với kênh Thương mại điện tử, Masan lên kế hoạch hợp tác chiến lược nhằm tìm kiếm nền tảng công nghệ vượt trội.
Riêng năm 2019, Masan đặt mục tiêu tăng doanh thu thuần 20-30% đạt mức từ 45.000 - 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty đạt 5.000 - 5.500 tỷ đồng, tăng 40-60% so với năm 2018 (trong điều kiện đã loại bỏ thu nhập bất thường 1.438 tỷ đồng từ đánh giá lại khoản đầu tư vào TCB - lợi nhuận thực tế của năm 2018 là 4.916 tỷ đồng).
Nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN cùng đại diện 2 quỹ KKR và SK được đề cử vào HĐQT
Đáng chú ý, Masan dự kiến HĐQT năm nay sẽ có 6 thành viên, trong đó đề cử 3 thành viên mới bao gồm:
1. Ông Nguyễn Đoan Hùng: Ứng cử vào vị trí Thành viên HĐQT. Ông Hùng sinh năm 1953, ông có 20 năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước, một thời gian làm việc cho Ngân hàng Thế giới. Giai đoạn từ 2004-2013, ông Hùng từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Hiện, ông Hùng đang nắm giữ vị trí Thành viên HĐQT Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
2. Ông David Tan WeiMing sinh năm 1980, quốc tịch Singapore. Trước đó, từ năm 2008-2019, ông David Tan WeiMing nắm giữ ghế Giám đốc Công ty Kohlberg Kravis Roberts (KKR). Được biết, KKR được thành lập vào năm 1976, KKR được xem là công ty sáng lập nên ngành công nghiệp quản lý quỹ vốn tư nhân hiện đại và là người đi tiên phong trong lĩnh vực mua lại công ty bằng vốn vay (leverage buyout). Tháng 4/2011, KKR lần đầu rót 159 triệu USD vào Masan Consumer, đến năm 2013, đơn vị này tiếp tục đầu tư 200 triệu USD để tăng sở hữu tại Masan Consumer, tăng cường quan hệ hợp tác với Masan Group. Đây là thương vụ đầu tư vốn tư nhân lớn nhất từng có ở Việt Nam và cũng là khoản đầu tư lớn nhất của KKR ở khu vực Đông Nam Á.
Đến ngày 3/4/2017, KKR tiếp tục rót 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science, bao gồm 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri Science ("MNS") để sở hữu 7,5% cổ phần, và 100 triệu USD mua lại cổ phần Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch. Năm 2018, Bloomberg đưa tin KKR đã thu về gần 210 triệu USD nhờ việc bán 54,8 triệu cổ phiếu tập đoàn Masan.
Ông Nguyễn Đoan Hùng và ông David Tan WeiMing là TV HĐQT độc lập.
3. Ông Woncheal Park, quốc tịch Hàn Quốc, đại diện cho quỹ SK. Về SK, mới đây quỹ này đã đầu tư trị giá 470 triệu USD, sở hữu 9,5% cổ phần của Masan. Từng chia sẻ về thương vụ này, ông Woncheol Park - Giám đốc đại diện của SK tại Đông Nam Á - chia sẻ Việt Nam là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của SK, trong đó Masan Group là đối tác lý tưởng nhất cho kế hoạch phát triển đó.
Một nội dung khác Tập đoàn xin ý kiến cổ đông là phương án phát hành cổ phần ESOP cho cán bộ công nhân viên, thời gian trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020. Số lượng phát hành tương đương 0,5% số cổ phần đang lưu hành với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.