Sáng ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên và thông qua các tờ trình HĐQT về kế hoạch kinh doanh cùng một số nội dung khác.
Mục tiêu tăng trưởng lãi 47%, cổ tức tối thiểu 11% trong 2018
MBB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm dự kiến đạt 347.600 tỷ đồng, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế, tăng 11% đạt 245.400 tỷ đồng; dư nợ cho vay tăng 15% đạt 212.500 tỷ đồng và giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.
Về vốn điều lệ, MBB có kế hoạch tăng lên 21.605 tỷ đồng trong năm, tức tăng 19% bao gồm chi trả cổ tức đợt 2/2017 tỷ lệ 5% và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 14%. Lượng vốn tăng thêm ước ngân hàng chi 1.319 tỷ đồng đầu tư tăng năng lực và chi 2.130 tỷ đồng cho các hoạt động kinh doanh. Dự kiến việc chia cổ tức và thưởng cổ phiếu sẽ được MBB thực hiện trong quý II hoặc III.
ĐHĐCĐ MBB sáng ngày 29/03
Về hoạt động kinh doanh, nhà băng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2017. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng là 6.500 tỷ đồng, tăng 21%. MBB dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức trên 11%.
MBB đã tham gia vào các lĩnh vực mới có tiềm năng tăng trưởng và hiệu quả cao như kết hợp với Shinsei thành lập Tài chính MB Shinsei (Mcredit). Mcredit đặt mục tiêu Top 5 công ty tài chính tiêu dùng.
Theo CTCK VietinbankSc, năm 2018, MCredit đặt mục tiêu tổng dư nợ 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, Mcredit đã chuẩn bị thử nghiệm 1 năm các sản phẩm tài chính phù hợp nhất là đối với đối tượng quân nhân và kỳ vọng các sản phẩm này sẽ tăng trưởng doanh số nhanh trong các năm tới.
MB Aegus Life (MBAL), công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập của MBB đã ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm là 300 tỷ trong năm 2017 và đặt mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Lần đại hội này, MBB tiếp tục xin ủy quyền cho HĐQT thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập/ hợp nhất nếu có phù hợp với chiến lược của ngân hàng và chủ trương Nhà nước về tái cơ cấu, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, nhà băng xin cổ đông về vấn đề này.
Ngoài ra, MBB cũng thông qua việc thành lập ngân hàng 100% tại Lào và Campuchia trên cơ sở chuyển đổi từ chi nhánh.
Cuối cùng, đại hội tiến hành miễn nhiệm chức danh thành viên BKS nhiệm kỳ 2014-2019 đối với bà Nguyễn Thanh Bình và bầu bổ sung ông Đỗ Văn Hưng vào vị trí trên.
Q&A
Trong phần thảo luận, ban lãnh đạo đã giải đáp các thắc mắc của cổ đông về hoạt động kinh doanh và chiến lược của công ty.
Cụ thể, liên quan đến định hướng áp dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, ban lãnh đạo cho biết MBB đã xác định xu hướng ngân hàng số là tương lai, việc áp dụng công nghệ giúp ngân hàng đạt được những kết quả tích cực, năng suất tăng 33% so với 2016. Với sản phẩm dịch vụ số hóa, MBB cũng phát hành nhiều sản phẩm cho khách hàng, đẩy mạnh đầu tư sử dụng các sản phẩm số.MBB đặt mục tiêu 2018, ngân hàng số sẽ đóng góp 28 triệu giao dịch với doanh số 200 nghìn tỷ đồng, đóng góp 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đối với chiến lược ngân hàng cộng đồng trong hoạt động kinh doanh đã được triển khai từ 2016, chi nhánh của MB bám rất sát địa bàn và được thiết kế phù hợp nhu cầu chung của các doanh nghiệp, cá nhân địa phương.
Về vấn đề đầu tư tài sản, ngân hàng đang hoàn thiện trụ sở mới tại 63 Lê Văn Lương với quy mô 5.000 m2, đồng thời mở rộng mạng lưới nhân viên và các chi nhánh cơ sở trong nước.
Liên quan đến những đơn vị mới, ban lãnh đạo cho biết, MB Aegus Life (MBAL) - công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập - trong năm 2017 đã lọt top10 công ty có doanh thu cao nhất thị trường, lợi nhuận trước trích lập đạt 5 tỷ đồng. Năm 2018, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.100-1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước trích lập khoảng 200 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với năm trước. Đến 2020, ngân hàng đặt mục tiêu đưa MB Aegus Life (MBAL) trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đứng đầu Việt Nam.
Đối với MBCredit, hiện được sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận 300 tỷ đồng với lợi thế hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro và chi nhánh mạng lưới ngân hàng, tận dụng kinh nghiệm của đối tác Nhật.
Đối với chủ trương tìm kiếm cơ hội sáp nhập, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng đang nghiên cứu và tìm kiếm một số ngân hàng phù hợp trong đó có PGBank. Hiện nay hai bên vẫn đang tiến hành trao đổi và chưa đi đến giao ước văn bản nào. Năm nay, ban lãnh đạo vẫn xin ủy quyền cho HĐQT việc thực hiện tìm kiếm, quyết định và sẽ thông báo cho cổ đông khi có kết quả.
Mặt khác về vấn đề nới room và tìm kiếm đối tác chiến lươc, ban lãnh đạo cho biết, ngân hàng đã triển khai trong nhiều năm nhưng không dễ để thực hiện. Thời gian tới, ngân hàng sẽ mở rộng đối tượng chào bán hơn ra các quỹ đầu tư lớn, các tổ chức tài chính lớn.
Liên quan đến câu hỏi của cổ đông vê việc triển khai phát hành ESOP, năm 2017, ngân hàng đã triển khai với nhân viên có thành tích suất xắc, không làm đại trà, đây mới là phương án tốt để giữ chân nhân tài.
Đối với việc chào bán cổ phần tại Bảo hiểm MIC, ngân hàng chưa xác định giá cụ thể. Tuy nhiên chủ trưởng của ngân hàng là cấu trúc lại vốn để hoạt động tốt hơn và tìm đối tác chiến lược, không có tư tưởng thoái vốn hoàn toàn.