Ngày 29/6, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã tổ chức ĐHĐCĐ 29/6, với nhiều nội dung sau khi phát hành cho Mitsui - hiện nắm 35,1% vốn.
Chi tiết, MPC trình cổ đông danh sách HĐQT gồm 9 thành viên, trong đó gồm 5 người cũ là ông Lê Văn Quang, bà Chu Thị Bình (vợ ông Quang), ông Lê Văn Điệp, bà Hồ Thu Lê (TV HĐQT độc lập) và ông Phan Thanh Lộc (TV HĐQT độc lập); bầu bổ sung 2 thành viên Mitsui là ông Osada Tsutomu, ông Tsukahara Kciichi. Công ty cũng thay đổi điều lệ cùng một số điều khoản về lĩnh vực hoạt động.
Kế hoạch kinh doanh cũng có thay đổi với kỳ vọng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1.430 tỷ đồng, giảm 38% so với kế hoạch ban đầu là 2.300 tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận từ nhà máy Cà Mau là 750 tỷ, nhà máy Hậu Giang khoảng 500 tỷ và lợi nhuận nuôi tôm 180 tỷ đồng. Ngược lại, chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu là 77.400 tấn với doanh số 850 triệu USD không thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Giải trình tại Đại hội, Chủ tịch Lê Văn Quang chia sẻ do tình hình kinh doanh không thuận lợi nên Công ty điều chỉnh lại kế hoạch so với chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm.
Mặt khác, Công ty cũng đề xuất điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn từ đợt phát hành 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Mitsui. Tổng số tiền mà doanh nghiệp thu về là gần 3.038 tỷ đồng.
Trong đó, Minh Phú sẽ dùng hơn 1/2 để chi trả các khoản nợ vay ngắn hạn (1.755 tỷ đồng), mua cổ phần Minh Phú Hậu Giang, trả tiền mua tôm nguyên liệu, thành phẩm…
Thảo luận tại đại hội
Giải trình rõ liên quan đến khoản doanh thu ở Công ty con MSeafood USA đã ghi nhận quý 1/2019 chưa? Con số cụ thể là bao nhiêu?
Theo chuẩn mực hợp nhất, khi bán hàng trong nội bộ các công ty, doanh thu và lợi nhuận phải hoãn lại. Trong đó, Mseafood là công ty con, nên hàng của MPC và Minh Phú Hậu Giang giao sang để MSeafood nhận và giao hàng cho khách và thu tiền. Nếu MSeafood chưa nhận được thì không ghi nhận.
MPC có hai hình thức bán ra nước ngoài, hình thức qua công ty con và ký gửi, trong đó hình thức ký gửi chậm hơn do chờ đối tác bán được hàng. Chính vì vậy, doanh thu bán cho Mseafood cũng bị hoãn lại thường là vào quý 4, đến quý 2 năm sau được hoàn nhập lại.
Kế hoạch MPC đã chia sẻ trước đây với vùng nuôi 10.000 ha, lộ trình kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận như thế nào?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, MPC đã bắt đầu khu quy hoạch 12.500 ha khu phức hợp, trong đó 10.000 ha nuôi tôm. Hiện đã gần 2 năm nhưng dự án vẫn chưa được phê duyệt.
Trước mắt, MPC làm trước 600 ha nuôi tôm công nghệ cao để tiết kiệm thời gian do thủ tục chỉ cần tỉnh phê duyệt, hiện cơ bản khu nuôi tôm này đã xong.
Công nghệ nuôi tôm công nghệ cao 2-3-4 tiến độ đã đến đâu? Mục tiêu sản lượng như thế nào?
Tổng diện tích nuôi tôm của MPC hiện tại 900 ha với công nghệ cũ tương đối tốt, nhưng từ khi phát sinh bệnh EMS thì MPC phải tìm công nghệ mới. Và Công ty đã thử nghiệm công nghệ 2-3-4 với gần 1.500 ao, chi phí đầu tư khoảng 900 triệu/ao.
Nguồn vốn đầu tư cho vùng nuôi lớn nhưng MPC lại không vay ngân hàng, nên lấy tiền từ phát hành để đầu tư. Đến giờ này kế hoạch, MPC Lộc An nuôi 760 ao/vụ, Kiên Giang 580 ao/vụ… Như vậy, tổng sản lượng cả công nghệ mới và cũ là khoảng 23.080 tấn (chiếm khoảng 20% sản lượng của MPC), trong đó công nghệ mới MPC Lộc An 5.800 tấn, MPC Kiên Giang khoảng hơn 4.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2020 nuôi tôm lấp đầy hết 900 ha theo công nghệ mới.
Công nghệ nuôi tôm mới của MPC thành công 100%. Nhiều người nói không tin được, nhưng ông Quang cũng trả lời lại "Tôi cũng còn không tin được nữa là". Lợi nhuận một ao đạt 300 triệu đồng/vụ.
MPC đặt mục tiêu tự chủ nguyên liệu 50%, còn lại mua của nông dân.
Kế hoạch xây dựng 3 nhà máy để tăng công suất lên 200.000 tấn/năm, lộ trình đầu tư năm 2018 hơn 13 triệu USD, nhưng thực tế chỉ hơn 7 triệu USD, tiến độ xây dựng đang chậm so với kế hoạch, vậy có ảnh hưởng đến kế hoạch chung của MPC?
Nhà máy Minh Quý vẫn quyết tâm xây nhưng chờ Mitsui & Co vào để thống nhất. MPC sẽ có những giải pháp để đảm bảo sản lượng tăng, đáp ứng nhu cầu khách hàng. MPC không muốn nhất hay nhì thế giới, mà là đáp ứng nhu cầu của khách hàng.