Sáng ngày 7/4, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đã tiến hành tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 để tổng kết kết quả kinh doanh 2017 và định hướng 2018.
Số cổ phần có quyền biểu quyết tại đại hội là hơn 108 triệu cổ phiếu, chiếm 83,2% số cổ phần đang lưu hành. Đại hội NKG đủ điều kiện tiến hành.
Kế hoạch lãi 750 tỷ đồng, tăng trưởng 6%
Tại đại hội, công ty đã trình kế hoạch kinh doanh 2018 với chỉ tiêu doanh thu 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 750 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 6% so với kết quả năm trước. Kế hoạch cổ tức tối đa 50% bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Nam Kim lý giải kế hoạch doanh thu tăng mạnh là do Nhà máy Nam Kim 3 sẽ đi vào hoạt động đóng góp lớn vào doanh thu. Trong khi kế hoạch lãi chỉ tăng thấp 6% là do bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, kế hoạch lãi này là phù hợp.
Trong năm 2018, NKG sẽ tiếp tục triển khai hoàn thành dây chuyền mạ công suất 350.000 tấn (dự kiến tháng 9/2018 đi vào sản xuất); dự án đầu tư CTCP Nam Kim Corea, dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu.
Đối với nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ giai đoạn 1, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng trên diện tích 150.000 m2. Nhà máy sản xuất bốn dây chuyền với 1 dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm và hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm và dây chuyền mạ màu. Tại ngày 20/3/2018, Nam Kim và CTCP Đại Dương đã ký kết hợp đồng thuê đất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương. Công ty đang đánh giá tác động môi trường để hoàn tất thủ tục pháp lý.
HĐQT trình cổ đông thông qua dự án Tôn Nam Kim Phú Mỹ giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, diện tích 176.851 m2. Dự án có địa chỉ tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các sản phẩm thép cán nguội, nguồn nguyên liệu thép cán nóng. Dự án sản xuất các sản phẩm dây chuyền: dây chuyền tẩy rửa 450.000 tấn/năm; 2 dây chuyền cán nguội 450.000 tấn/năm và 400.000 tấn/năm.
Trong năm 2017, NKG ghi nhận doanh thu đạt 12.619 tỷ đồng, tăng trưởng 41%. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng 37% đạt 707 tỷ đồng.
Với những kết quả đã đạt được, công ty quyết định cổ tức 2017 tỷ lệ tối đa 50% bằng tiền và cổ phiếu. Trong đó công ty tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền vào ngày 21/12/2017. Còn lại, công ty sẽ chi trả cổ tức 40% bằng cổ phiếu.
Phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược
HĐQT trình kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để huy động vốn. Giá phát hành dự kiến sẽ do HĐQT đàm phán với từng đối tác cụ thể. Đối tượng phát hành là NĐT trong nước và/hoặc nước ngoài.
Về giá cổ phiếu, đại diện NKG cho biết sẽ thảo luận và thương lượng với các nhà đầu tư, tuy nhiên công ty sẽ cân nhắc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu.
Số cổ phần phát hành bị hạn chế chuyển nhượng nhưng không ngắn hơn thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phát hành. Toàn bộ số vốn thu được 300 tỷ đồng sau đợt phát hành dự kiến bổ sung vốn lưu động đầu tư cho kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trước đó năm 2017, Thép Nam Kim cũng đã thực hiện phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, phát hành cổ phiếu trả cổ tức 50% và phát hành gần 950.000 cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng.
Thảo luận
Kết quả hoạt động kinh doanh quý I?
Theo công ty, doanh thu quý I dự kiến đạt 3.496 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 207.400 tấn sản phẩm. Sản lượng thép mạ là 176.000 tấn và xuất khẩu 109.000 tấn sản phẩm.
Về lợi nhuận ròng sau thuế, NKG ước đạt tầm 100 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 156 tỷ của cùng kỳ 2017. Nguyên nhân của sự suy giảm này là khoản 43 tỷ chênh lệch tỷ giá; ngoài ra còn do chi phí mua cán nóng chênh lệch 100 đô/tấn.
Vì sao hàng tồn kho và nợ của NKG tăng gấp đôi?
Trong cuối năm 2016, công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền cán nguội 410.000 tấn/năm, đầu năm 2017 đưa tiếp dây chuyền 200.000 tấn/năm, dây chuyền mạ lạnh 200.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu và nhà máy sản xuất thép Long An. Do đó, cần phải gia tăng hàng tồn kho để đảm bảo hoạt động sản xuất từ việc tăng công suất và cũng ảnh hưởng đến vòng quay hồn tồn kho; mức hàng tồn kho hiện tại được đánh giá là hợp lý.
Ngoài ra, đầu năm 2017 giá thép cán nóng chỉ khoảng 380-420 đô la nhưng đến cuối năm đã tăng lên đến 580 đô la và hiện trên 500 đô dẫn đến giá trị hàng tồn kho cũng gia tăng theo do giá nguyên liệu tăng.
Nợ phải trả tăng cao là do các khoản nợ để đầu tư tăng lên. Hiện nay, việc đầu tư các nhà máy chỉ sử dụng 30% vốn tự có, còn lại 70% là các khoản đi vay. Nợ tăng cao nhưng ban lãnh đạo tin rằng vẫn đang kiểm soát tốt và ở mức hợp lý.
Nhà máy Nam Kim 3 hoạt động ra sao?
Nhà máy (NM) vẫn hoạt động bình thường, hiện NM đã nhận được đơn hàng trước cho cả quý II/2018; các NM khác cũng luôn luôn có các đơn đặt hàng như vậy để sản xuất. Sau đợt sản xuất quý II, NM sẽ tiếp tục nhận đơn hàng cho quý III.
Chiến tranh thương mại và kế hoạch đối phó bảo hộ thương mại?
Về chiến tranh thương mại Mỹ Trung, hiện Nam Kim không bán vào thị trường Mỹ nhiều mà chia sẻ qua nhiều thị trường khác, do đó chiến tranh thương mại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công ty.
Hiên NKG đang phân bổ sang các thị trường khác như Indonesia, châu Âu, châu Mỹ,… Tuy nhiên các thị trường mới này có giá bán chưa tốt nên ảnh hưởng đến lợi nhuân của công ty.
Về việc các nước bảo hộ thương mại là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên nhiều nước vẫn có bình quân tiêu thụ thấp đây là cơ hội cho công ty như Malaysia. Nếu không xuất được quốc gia này thì NKG vẫn có thể xuất sang quốc gia khác và NKG khẳng định “tất cả sản lượng chắc chắn sẽ được tiêu thụ hết, cổ đông có thể yên tâm”.
Kế hoạch cạnh tranh với Hoa Sen khi công ty nào vào mảng tôn mạ?
Việc sản xuất thì rất nhiều doanh nghiệp cũng làm được nhưng ai tồn tại lâu nhất mới là quan trọng. Sự phát triển trong 5 năm qua của Nam Kim chính là câu trả lời cho vấn đề này; hiện chuỗi hoạt động của NKG đã thực hiện khép kín và đã chứng minh được lợi thế cạnh tranh. Công ty sẽ kiên trì và đầu tư sâu hơn vào mảng mạ này chứ không như các nhà máy khác mà công ty không tiện nêu tên.
Giá phát hành cho cổ đông chiến lược?
Công ty sẽ cân nhắc và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông hiện hữu; giá phát hành sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược đặc biệt là DC. Ngoài ra, công ty cũng tìm kiếm thêm các đối tác khác trong ngành thép, sau đó là các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính chứ không phụ thuộc vào một đối tác nào.