Sáng nay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX) tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2019.
Năm 2018, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp, giá xăng dầu biến động khó lường, sản lượng xăng dầu xuất bán của Tổng công ty đạt 12,87 triệu m3,tấn, vượt 2,7% kế hoạch, doanh thu thuần đạt 191.932 tỷ đồng, vượt kế hoạch 21%, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 5.043 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.
Năm 2018, tập đoàn đầu tư mới 120 cửa hàng xăng dầu, hoàn thành 79 cửa hàng xăng dầu, chính thức đưa vào sử dụng 75 cửa hàng xăng dầu, vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2018, tập đoàn chi trả cổ tức 26% bằng tiền mặt.
Từ ngày 1/10/2018, Petrolimex đã chuyển giao Chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công Thương về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN).
Về việc thực hiện thoái vốn lại PGBank, năm qua HĐQT Petrolimex đã chỉ đạo tổ chức thoái vốn tại PGBank và được NHNN chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập PGBank - HDBank. Hai ngân hàng bổ sung đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được NHNN phê duyệt.
Petrolimex đã được Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước chấp thuận đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho Petrolimex tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 35,1% vốn điều lệ tại Pjico. Tập đoàn cũng đề nghị giãn tiến độ thoái vốn Nhà nước xuống 51% sang năm 2019-2020, với phương án giảm vốn nhà nước tại Tập đoàn thông qua hình thức phát hành tăng vốn điều lệ để có nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm trong các năm tới của Tập đoàn.
Kế hoạch 2019
Năm 2019, Petrolimex đặt kế hoạch sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất đạt 12,23 triệu m3,tấn, giảm 5% so với thực hiện 2018 do tác động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ảnh hưởng đến sản lượng bán của công ty TNHH 1 thành viên Petrolimex Singapore bị sụt giảm. Mặc dù vậy, tập đoàn vẫn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 195.000 tỷ đồng, tăng 2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.250 tỷ đồng, tăng 4% thực hiện 2018. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu 12%.
Theo Petrolimex, mức độ cạnh tranh trên thị trường tăng dần hàng năm; Tình trạng vi phạm thương hiệu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi khó kiểm soát và chưa được đẩy lùi.... Số lượng thương nhân phân phối (TNPP) tăng nhanh (đạt 200 TNPP vào cuối năm 2018) gây ra sự cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến hệ thống trung gian, đặc biệt đối với kênh bán lẻ. Các TNPP có nhiều điều kiện để thu hút, lôi kéo hệ thống phân phối tiếp theo, tạo điều kiện cho cửa hàng xăng dầu xã hội có thể áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá trực tiếp ... cho khách hàng, nguy cơ ảnh hưởng trọng yếu đến tốc độ gia tăng sản lượng bán lẻ của Tập đoàn.
Thù lao HĐQT hơn 7 tỷ đồng
HĐQT Tập đoàn trình ĐHCĐ thông qua thù lao và quỹ tiền lương của HĐQT (8 thành viên) năm 2018 là 7,74 tỷ đồng, năm 2019 là 8,36 tỷ đồng. Tổng thù lao của ban kiểm soát là 3,84 tỷ đồng, năm 2019 là 4,5 tỷ đồng.
Năm 2019 Petrolimex dự kiến chi gần 1.300 tỷ xây dựng Tòa nhà Petrolimex Tower tại số 1 Khâm Thiên, Hà Nội. Theo đó từ ngày 16/5/2019 Tập đoàn sẽ chuyển trụ sở đến tầng 23,24,25 tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (Siêu ủy ban) đánh giá Petrolimex vẫn là doanh nghiệp chủ đạo của Siêu ủy ban, trong năm 2018 Petrolimex đã nộp thuế cho Nhà nước 38.200 tỷ đồng. Về cơ bản Siêu ủy ban thống nhất với các kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn, tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý Petrolimex thực hiện đúng lộ trình thoái vốn nhà nước (PLX được điều chỉnh thoái vốn năm 2018 sang 2019, 2020).
Thảo luận tại đại hội:
Việc triển khai cửa hàng tiện lợi?
PLX đang nghiên cứu cách đây 5 năm về cửa hàng tiện lợi, PLX sẽ tự triển khai dịch vụ này, khoảng 1.500-2000 mặt hàng. Nếu không có kinh nghiệm không làm được việc này, chúng tôi đang đánh giá có đối tác phối hợp để triển khai. Chúng ta có gần 2.500 cửa hàng trực thuộc PLX không thể triển khai hết tiện ích, đang phân loại cửa hàng, đánh giá lại hệ thống cửa hàng có thể triển khai được cửa hàng tiện ích, JX đối tác chiến lược sẽ hỗ trợ PLX triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi hiệu quả nhất. JX đang tổ chức hệ thống car service ở Nhật bao gồm cả đăng kiểm, đó là chương trình PLX nghiên cứu và đòi hỏi việc đánh giá kỹ lưỡng. Hiện nay mới chỉ bán các sản phẩm trong ngành như bảo hiểm, dầu nhớt...
Việc bán cổ phiếu quỹ?
Việc bán cổ phiếu quỹ được tập đoàn lập phương án và lộ trình, chúng tôi gặp trên 100 NĐT nước ngoài thông qua roadshow tại Anh, Singapore bao gồm nhiều NĐT tên tuổi lớn như Blackrock, JP Morgan...do đó nhiều NĐT nước ngoài quan tâm. Năm ngoái PLX đã bán 12 triệu cổ phiếu quỹ, 123 triệu cổ phiếu quỹ còn lại tập đoàn đang thảo luận quỹ để trình Ủy ban quản lý vốn phương án thời gian tới. Chúng tôi đang tìm NĐT, quỹ nước ngoài có hoạt động kinh doanh phù hợp với tập đoàn, sau đại hội này chúng tôi sẽ báo cáo ủy ban quản lý vốn để bán 123 triệu cp quỹ.
Tập đoàn chia sẻ việc thoái vốn Pjico và PGBank?
PLX đang sở hữu 40,9% Pjico, tập đoàn đã báo cáo Ủy ban quản lý vốn và tổng hợp ý kiến các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ việc thoái vốn tại Pjico. PLX mong muốn giữ lại 35,1% vốn tại Pjico và Chính phủ đang nghiên cứu chưa có quyết định chính thức.
Với PGBank, hồ sơ sáp nhập PGBank và HDBank đã trình NHNN, năm 2018 NHNN đã đồng ý về nguyên tắc nhưng do các nguyên nhân khách quan vẫn đang chờ NHNN có quyết định cuối cùng về việc sáp nhập.
Đối tác JX có nâng tỷ lệ sở hữu tại PLX nữa hay không?
Đại diện PLX: Chúng tôi vẫn giữ ý định nắm giữ cổ phần tại PLX và mong muốn sở hữu 20% cổ phần, lộ trình tăng vốn sẽ xem xét trong thời gian tới.
Các dự án đầu tư của PLX?
Dự án đầu tư về khí tự nhiên LNG: Việc phát triển năng lượng sạch rất cần thiết, tập đoàn có nghiên cứu và ký hợp tác toàn diện với EVN cùng cung cấp cho các nhà máy điện Việt Nam, dự án đang đi theo hướng tốt, EVN và PLX đã ký biên bản ghi nhớ để triển khai dự án này. PLX có kho ngoại quan ở Vân Phong, đây là cảng nước sâu có lợi thế cung cấp năng lượng thay thế cho than vào khu vực miền TRung và miền Nam. Dự án có chi phí đầu tư khoảng 700 triệu USD.
Thứ hai, việc đầu tư mở rộng các cửa hàng xăng dầu: PLX có 2.500 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu, hiện tại việc đầu tư cửa hàng xăng dầu có chi phí rất lớn đặc biệt các cửa hàng tại các thành phố lớn và trục cao tốc. Việc đầu tư hệ thống cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc là kế hoạch dài hạn, hàng năm PLX dành ra 1.000 - 1.500 tỷ cho việc đầu tư cửa hàng này. Năm qua PLX đầu tư 120 CHCD và đưa vào hoạt động 70 cửa hàng.
Thứ ba, việc tự động hóa và hiện đại hóa các kho xăng dầu trên toàn quốc. PLX có hệ thống kho cảng trên toàn quốc, với 2 nhà máy lọc dầu PLX phải dành một nguồn kinh phí lớn tự động hóa trong khâu xuất xăng dầu. Tại thời điểm này việc quản trị tại hệ thống xăng dầu và kho xăng dầu phải quản trị trực tuyến từ văn phòng tập đoàn.
Thứ tư, việc đầu tư các kho cảng mới phục vụ nhiên liệu hàng không rất quan trọng, PLX đang sở hữu 65% vốn tại PLX Aviation, công ty nhiên liệu hàng không có lợi nhuận mang lại rất lớn. Tập đoàn đang đầu tư các kho cảng mới phục vụ nhiên liệu hàng không.
Thứ năm, hệ thống tòa nhà văn phòng đã báo cáo cổ đông.
Thứ 6, việc nghiên cứu lọc hóa dầu, nhu cầu xăng dầu VN chúng ta có 2 nhà máy xăng dầu, nhưng với tốc độ phát triển của VN nhu cầu lọc hóa dầu gia tăng, việc nghiên cứu phát triển là chủ đề cần quan tâm. Cổ đông chiến lược JX có bề dày kinh nghiệm về việc này, JX đang quản lý 11 nhà máy lọc dầu tại Nhật bản, chúng tôi đang hợp tác nghiên cứu về vấn đề này.
(tiếp tục cập nhật)