Vào sáng ngày 14/3, CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 để thảo luận về kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như phương án thưởng cổ phiếu và trả cổ tức.
Với tỷ lệ tham dự đạt 84,28% cổ phần có quyền biểu quyết, đại hội đủ điều kiện để tiến hành.
Tăng vốn điều lệ lên 1.335 tỷ đồng
Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành thêm 54,2 triệu cp để thưởng cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển.
Cụ thể, tỷ lệ phát hành là 3:2 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận 2 cổ phiếu thưởng). Công ty sẽ thực hiện ngay sau cuộc họp ĐHĐCĐ lần này. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến là 1.355 tỷ đồng.
Mục tiêu lãi trước thuế 2018 hơn 400 tỷ đồng
Trong năm 2017, Cao su Phước Hòa cho biết tổng sản lượng khai thác đạt 14.620 tấn, sản lượng thu mua đạt 17.429 tấn và tổng sản lượng tiêu thụ đạt 29.511 tấn. Tổng doanh thu công ty mẹ cả năm đạt 1.582 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 338,4 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, công ty đã quyết định trích quỹ đầu tư phát triển tỷ lệ 20%, quỹ khen thưởng phúc lợi 20% và tiến hành chia cổ tức năm 2017 tỷ lệ 23%. Việc chia cổ tức 23% dự kiến được thực hiện trong quý II và số tiền chi ra khoảng 187 tỷ đồng.
Qua năm 2018, PHR đặt chỉ tiêu tiêu thụ 32.713 tấn mủ với giá bán bình quân hơn 37 triệu đồng/tấn. Doanh thu công ty theo đó dự kiến đạt 1.605 tỷ và lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 400,5 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức 2018 ở mức 20%.
HĐQT cũng trình việc số lượng thành viên HĐQT là 5 thành viên đều là các ủy viên của nhiệm kỳ trước 2013-2017.
Q&A:
Kế hoạch lãi 400 tỷ là an toàn
Vấn đề bán cây cao su thanh lý chưa minh bạch chỉ 30% bán đấu giá và 70% bán chỉ định. Yêu cầu làm rõ và việc bán chỉ định có làm thất thoát doanh thu?
Đại diện PHR:Nguồn lợi chính của PHR đúng là thanh lý cao su. Thu thanh lý đã được thể hiện trong thu nhập khác khoảng 203 tỷ đồng năm 2017. Tỷ lệ 3:7 hiện là chính xác, các công ty cao su đều có công ty chế biến gỗ và để tạo vòng tuần hoàn sản xuất khép kín, Phước Hòa phải đảm bảo cho các công ty chế biến gỗ.
Việc tổ chức đấu giá thực hiện tại Trung tâm đấu giá và đảm bảo mọi quy định.
Chuyển giao 1.000 ha cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) thuê và mở rộng VSIP 3, vấn đề đền bù và doanh thu cụ thể ra sao?
Đại diện PHR:Việc chuyển giao là chưa chính xác, đây là luân canh với TTC, thời gian xen canh là 3 năm để tái cơ cấu hoạt động sản xuất với giá thuê đất là 16,5 triệu/ha/năm.
Việc hợp tác với TTC là có lý do. Thời gian trồng cao su từ khi trồng đến khi khai thác là khoảng 7 năm với suất đầu tư 50 triệu/ha. Tuy nhiên sau 3 năm cho TTC thuê, PHR sẽ thực hiện trồng tiếp cây cao su từ vườn ươm 3 năm trước. Như vậy, cây cao su cũng chỉ cần 4 năm để khai thác mà công ty lại thu được tiền thuê đất, giảm suất đầu tư và đem lại nguồn lợi lớn cho công ty từ việc tiết giảm chi phí. Đây là hoạt động rất hiệu quả được áp dụng tại nhiều đơn vị khác. VSIP 3 hiện đang trong quá trình mở rộng, PHR có 691 ha, mỗi ha trả 1 tỷ và được nhận 20%/năm trong suốt chu trình.
Cao su Trường Phát thu lãi 7 tỷ có quá thấp? Xem lại hoạt động của Cao su Phước Hòa Đắc Lắc, KCN Tân Bình?
Đại diện PHR:Cần phân biệt Gỗ Trường Phát có lợi nhuân là công ty gỗ chứ không phải cao su, năm qua giá cây cao su nguyên liệu cao nên doanh thu đạt được là hợp lý.
Về Cao su Phước Hòa Đắc Lắc được quy hoạch giao quản lý 24.000 ha, trong đó đất cao su là 8.000 ha và tiến độ bàn giao dần theo năm. Năm 2018 tỉnh sẽ bàn giao thêm 3.000 ha cho Phước Hòa.
KCN Tân Bình đang thực hiện mở rộng giai đoạn 2 và vẫn nằm ở quy hoạch.
Chuyển nhượng và đền bù tại KCN Nam Tân Uyên ra sao?
Đại diện PHR:Hiện nay, PHR đang nắm hơn 32% NTC và chỉ mới có chủ trương thoái vốn cho tập đoàn mẹ chứ chưa có kế hoạch chi tiết.
Công ty đã bán và giao trên 300 ha cho NTC nhưng chưa thu tiền vì NTC chưa thực hiện đầu tư.
Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục giữ tỷ lệ sở hữu tại PHR trên 66%, tổng tỷ lệ sở hữu tại NTC cũng ko thay đổi. Hiện đầu tư ngoài ngành của PHR còn 2 công ty thủy điện và đang trong lộ tình thoái vốn chung của Tập đoàn VRG. Công ty cũng có kế hoạch bán cổ phần tại các doanh nghiệp khác.
Giá mủ cao su đầu năm ra sao và kế hoạch lãi năm 2018 ra sao?
Đại diện PHR:Giá mủ cao su 2 tháng đầu năm 2018 ở mức thấp, có lúc xuống còn 35 triệu/tấn. Kỳ vọng giá sẽ tăng lên trong thời gian tới đảm bảo 37 triệu/tấn. Về kế hoạch lợi nhuận năm 2018, chỉ tiêu của công ty là có lãi 6 triệu/tấn từ hoạt động cao su.
Do vậy, công ty có kế hoạch lãi 400 tỷ đồng là an toàn nhằm đảm bảo cổ tức 20% và lợi nhuận có thể tăng cao hơn.
Đại hội kết thúc với việc tất cả nội dung HĐQT trình đều được thông qua.