Sáng ngày 8/6/2020, Tổng Công ty dầu Việt Nam (PV OIL, OIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020. HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu đạt 52.200 tỷ đồng giảm 35% so với thực hiện 2019, LNST sẽ vẫn tăng trưởng 8% và đạt 376 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ tiêu 2020 được Công ty xây dựng trên cơ sở giá dầu thô trung bình ở mức 60 USD/thùng, chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và sụt giảm giá dầu. Theo đó, PV OIL kiến nghị ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT Tổng Công ty căn cứ tình hình thực tế, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch SXKD năm 2020 vào thời điểm phù hợp.
Kết thúc quý 1/2020, PV OIL báo lỗ ròng gần 538 tỷ; lỗ lũy kế lên tới gần 1.167 tỷ đồng.
Tại Đại hội, trả lời thắc mắc của cổ đông chi tiết kết quả kinh doanh quý 1 khi sản lượng giảm 4%; đồng thời tình hình quý 2-4/2020 sản lượng sẽ như thế nào, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Cao Hoài Dương cho hay: "Sản lượng quý 1/2020 giảm 4% so với cùng kỳ, giảm 10% so với kế hoạch đặt ra ban đầu. Vì sao lại giảm như vậy, do quý 1/2019 thì giá dầu tăng rất mạnh, đây cũng là quý Tết nguyên đán – theo đó để đảm bảo tình hình vĩ mô Chính phủ đã can thiệp điều hành giá xăng dầu trong nước (tăng nhưng không tăng nhanh), khiến chiết khấu thị trường không lớn dẫn đến các chủ cây xăng không quá mặn mà việc bán, sản lượng toàn thị trường giảm".
Quý 1/2020 sản lượng bán lẻ giảm mạnh, chủ yếu ở các cây xăng Tp.HCM với mức giảm 50-60%
Sang quý đầu năm nay, thì dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đên tình hình kinh doanh, với phương châm "Ở nhà là yêu nước" dẫn đến sản lượng giảm. So với kế hoạch Công ty đặt ra chưa hề tính đến Covid-19, nên giảm mạnh 10%.
Hệ thống 600 cây xăng của OIL nằm ở các tỉnh, thành phố nhỏ. Thời gian qua do dịch Covid-19, sinh viên nghỉ học, người lao động nghỉ và người ta về quê. Kết quả, cây xăng ở tỉnh của PV OIL thì không giảm nhiều. Còn những cây ở thành phố giảm đến 59-60%, cá biệt có cây xăng giảm đến 80% sản lượng.
Mặc dù vậy, sản lượng mảng công nghiệp cũng bù đắp một phần cho mảng bán buôn, nên toàn cảnh thì sản lượng PV OIL của quý 1/2020 giảm 4%.
Quý 2/2020 dự kiến giảm 12% về sản lượng
Nói về quý 2/2020, đặc biệt có tháng 4 là tháng sụt giảm khủng khiến do thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, các giao thông đều dừng 100%... sản lượng theo đó giảm đến 18% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, PV OIL cũng đang ghi nhận những tín hiệu tích cực về sản lượng, khi tháng 5 thì giãn cách nới dần. Tuy nhiên, tháng 5 sản lượng vẫn còn giảm 7% so với kế hoạch. Nhìn chung quý 2/2020 sản lượng dự sụt giảm 12%.
Quý 3-4 còn là dấu chấm hỏi, kịch bản xấu có thể giảm đến 18% - rất lớn!
Nói về 2 quý cuối năm, ông Dương nhận định còn là một dấu hỏi. Trên thế giới mỗi ngày số ca nhiêm vẫn tăng lên, số người chết cũng tăng dù tốc độ có giảm. Nhiều chuyên gia còn đặt ra khả năng bùng phát lần thứ hai trên thế giới. Như vậy, dù Việt Nam có kiểm soát tốt nhưng nếu dịch bùng lần 2 thì biên giới vẫn đóng cửa.
Riêng PV OIL lúc này đặt ra 2 kịch bản:
Thứ nhất, diễn biến dịch tích cực trên thế giới, dần dần chúng ta sẽ lấy lại tăng trưởng. Trong đó, ông Dương nhấn mạnh đến tình hình du lịch, khi mà thời gian qua việc tiêu thụ xăng dầu cho phương tiện du lịch giảm khủng khiếp. Hiện nay, Chính phủ đang kích cầu du lịch nội địa, cùng với tình hình dịch thế giới tốt thì khả năng sản lượng 2020 sẽ giảm khoảng 8-10%.
Thứ hai, kịch bản xấu dịch bùng phát lần 2 trên thế giới, thì sản lượng PV OIL dự kiến cho năm 2020 thì sụt giảm 18%. Ông Dương nhấn mạnh 18% này là con số kinh khủng, rất lớn!
Toàn ngành năm 2020 sẽ chưa thể quay về tăng trưởng bình thường, kịch bản xấu sản lượng có thể giảm đến 10%
Nói về tăng trưởng sản lượng của ngành trong năm 2020, theo ông Dương, nếu như không có dịch Covid-19, các chuyên gia dự báo tăng trưởng sản lượng của toàn thị trường xăng dầu sẽ đạt khoảng 4-5%/năm.
Nhưng, năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19, trong kịch bản tốt thì dự đến cuối năm vẫn không thể lấy lại được mức tăng bình thường (tức ~4-5%). Còn kỳ vọng Việt Nam đón nhận dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc thì cũng cần thời gian chứ không thể xảy ra ngay. Nhìn chung, toàn thị trường sẽ giảm.
Đặc biệt, trong kịch bản thứ 2, bản thân ông Dương cho rằng không thể nhận định được lúc này, theo tính toán cá nhân thì thị trường sẽ giảm khoảng 10% về sản lượng.
PV OIL cũng có tăng hàng tồn để có thể đầu cơ giá dầu lên, nhưng chỉ ở mức hợp lý, thận trọng
Nói về kế hoạch tăng hàng tồn nhằm đầu cơ giá, đại diện PV OIl cho hay quý 1 Công ty lỗ, và PV OIL đã trích lập hơn 270 tỷ đồng thua lỗ trên. So với mặt bằng ngành, con số lỗ PV OIL hiện được đánh giá là thấp. "Một trong những lý do cơ bản giúp PV OIL ít lỗ là kiểm soát chặt hàng tồn kho, mua nhanh bán nhanh", ông Dương nói.
Thời gian tới nếu giá dầu lên, PV OIL hiện cũng đã tính đến việc tăng tồn kho để nếu giá lên sẽ cải thiện được lợi nhuận. Nhưng, PV OIL nhìn chung vẫn rất thận trọng, theo dõi sát sao thị trường.
Đến nay, ông Dương cho biết PV OIL cũng đã bắt đầu tăng hàng tồn, nhưng chỉ ở mức hợp lý. Nhằm phòng ngừa trường hợp giá giảm thì cũng không phải chịu tổn thất nhiều.
Để phát huy hết tiềm năng, PV OIL cần phải được "cởi trói" Nhà nước, trước mắt PV OIL sẽ trình tái cấu trúc cắt phân nửa số công ty con
Cũng theo cổ đông đánh giá, năng lực Công ty còn rất lớn nhưng Công ty có vẻ chưa khai thác hết hiệu quả. Liệu rằng PV OIL có kế hoạch phát huy như thế nào, cổ đông đặt vấn đề.
Ông Dương cho hay PV OIL hiện có lợi thế về hệ thống xăng dầu, sở hữu nhiều đất (dù có thể không nằm tại đất vàng của Tp.HCM nhưng trải dài ở các tỉnh lẻ), cùng với các kho cảng… Tuy nhiên để có thể phát huy hết tiềm năng PV OIL, ông Dương phân trần nằm ở cơ cấu sở hữu. Theo kế hoạch, sở hữu Nhà nước tại PV OIL sẽ giảm xuống 35% sau khi cổ phần hoá, đây cũng là xu thế chung giảm bớt sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào quy định Nhà nước. Nhưng, rất tiếc PV OIL vẫn đang trong quá trình thoái vốn Nhà nước, do câu chuyện quyết toán cổ phần hóa chưa xong, Tổng Giám đốc bày tỏ.
"Khi Nhà nước chi phối sở hữu dẫn đến việc ra quyết định bị chậm. Ngoài ra, việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh của Công ty cũng bị tụt mất", ông Dương nói.
Lấy ví dụ, khi giá dầu lên, ai có sự nhạy bén về kinh doanh sẽ tiến hành đầu cơ bắt đáy – dù vậy doanh nghiệp cũng đang đặt cược vào tương lai vì có thể thay vì bắt đáy lại quay sang bắt dao. Với những doanh nghiệp Nhà nước, ông Dương nhấn mạnh phải làm kinh doanh thận trọng, những kế hoạch tăng dự trữ - gọi thẳng là đầu cơ – phải được phê duyệt bởi nhiều cấp, cân đong đo đếm đến trường hợp lỡ tương lai không đúng dự báo.
Khác với doanh nghiệp tư nhân, họ chấp nhận rủi ro, chấp nhận lỗ nếu giá đảo chiều. Tuy nhiên, nếu đầu cơ thành công doanh nghiệp sẽ có lời. "Nhiều ông chủ tư nhân quyết định ngay trong một nốt nhạc, chơi luôn 5 thắng – 5 thua".
Còn doanh nghiệp Nhà nước, chắc chắn phải có lời, không thể đem tiền Nhà nước đi đầu cơ lỡ thua lỗ thì không được. Nhìn chung, theo ông Dương vấn đề PV OIL là phải "cởi trói". Hiện, PV OIL đang trình Nhà nước trước mắt tái cấu trúc bằng cách gộp các công ty con lại thành đơn vị lớn hơn. Thông qua đó, giảm đầu mối từ 21 về 13 đầu mối – giảm hơn một nửa, có thể phát huy được nguồn lực của Tổng Công ty.
Liên quan đến tỷ giá, hiện nay PV OIL mua của 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất do đó không ảnh hưởng bởi thị giá. Còn về việc nhập khẩu, PV OIL hiện nay vay của ngân hàng và được xác định tỷ giá kỳ hạn, do đó Công ty không chịu rủi ro về tỷ giá nhiều.
PV OIL có cơ hội cực lớn để tham gia cung cấp nhiên liệu tàu bay
Tại Đại hội lần này, Công ty cũng trình tham gia vào nhiên liệu máy bay. Theo PV OIL, hiện nay thị trường hàng không đang tăng trưởng nóng, nhưng hiện chỉ có 2 nhà cung cấp nhiên liệu. Đây là cơ hội lớn cho PV OIL, khi mà Công ty được phép tham gia, có cơ sở vật chất về kho xăng, Công ty còn có nhà sản xuất là Lọc hóa dầu Bình Sơn (sản xuất Jet A1 lớn nhất Việt Nam)…
Với những điều trên, ông Dương khẳng định PV OIL có cơ hội cực lớn để tham gia thị trường này. Theo đó, Công ty xin điều chỉnh điều lệ để được tham gia lĩnh vực này.
Hiện nay PV GAS và PV OIL vẫn chỉ đang thương thảo việc mua lại PETEC
Mặt khác, năm 2020, PV OIL cũng lên kế hoạch thoái hết vốn tại PETEC và xử lý triệt để các vấn đề liên quan các nhà máy NLSH. "PV GAS dự kiến mua đất tại Thị Vải, hiện nay tiến độ như thế nào và có khó khăn gì chuyển nhượng hay không? Và bản thân PV OIL có muốn bán phần đất này không?"
Trả lời cổ đông, PV OIL khẳng định sẽ thoái vốn khỏi PETEC. Hiện nay, PETEC chủ yếu bán buôn với 90% tỷ trọng doanh thu, do đó số cay xăng bán lẻ không nhiều. Ngược lại, PETEC sở hữu các kho xăng rất lớn, ví dụ kho ở Thị Vải, Vũng Tàu…
Do đó khi nghe kế hoạch PV OIL sẽ thoái vốn tại PETEC, thì PV OIL nhận rất nhiều lời tham gia, trong đó có PV GAS. GAS hiện muốn mua lại cổ phần PETEC của PV OIL, ông Dương nhấn mạnh đây là một việc tốt cho cả hai bên. Có thể OIL chưa khai thác tốt, bây giờ chuyển nhượng lại cho GAS phát triển.
Hiện nay, hai bên vẫn đang thỏa thuận, chưa có kết quả cuối cùng. Ông Dương khẳng định với cổ đông sẽ thực hiện thoái vốn một cách minh bạch, chặt chẽ.