CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, tại đây chính thức bầu ông Nguyễn Sỹ Công vào vị trí Chủ tịch HĐCQt với tỷ lệ đồng ý khoảng 82%. Được biết, ông Nguyễn Sỹ Công là 1 trong số bộ sậu chủ chốt tại Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương. Năm 2017, ông Nguyễn Sỹ Công được bổ nhiệm làm CEO Coteccons. Đến năm 2020, trước sức ép của nhóm cổ đông lớn Kusto, ông Sỹ Công chính thức từ nhiệm khỏi Coteccons vào tháng 8.
Cùng với đó, Ricons cũng tiến hành bầu ông Trần Quang Quân vào vị trí Tổng Giám đốc. Được biết, ông Quân là Chủ tịch Ricons nhiệm kỳ trước đó, và thuộc trong số chiến tướng cuối cùng rút khỏi Coteccons sau khi Kusto nắm quyền.
Trước đó, ông Võ Thanh Liêm vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Ricons, quyết định có hiệu lực từ 29/3. Được biết, ông Liêm nắm Quyền Tổng giám đốc Coteccons từ ngày 6/8/2020, sau khi ông Nguyễn Sỹ Công rời đi. Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, HĐQT Coteccons đã thống nhất không gia hạn nhiệm kỳ vị trí quyền Tổng Giám đốc với ông Liêm, đây cũng là thời điểm nhóm Kusto "thay máu" toàn bộ dàn lãnh đạo liên quan đến tướng cũ là ông Nguyễn Bá Dương.
Ông Nguyễn Sỹ Công (trái).
Là đơn vị được sinh ra và "nuôi nấng" từ "bầu sữa" Coteccons, Ricons những năm đầu mang chuẩn hình hài của mẹ: Doanh thu lợi nhuận tăng mạnh mẽ, cơ cấu không nợ vay. Từ năm 2017, lợi nhuận Coteccons liên tục sụt giảm, trong khi con số tại các đơn vị thành viên, đặc biệt là Ricons vẫn tăng trưởng khiến nội bộ Coteccons lục đục. Cụ thể là sự phản ứng gay gắt từ nhóm cổ đông lớn Kusto.
Ngay lùm xùm Coteccons với nhóm Kusto, Ricons đã tách khỏi hệ sinh thái Coteccons Group và tuyên bố sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty. Ricons cũng đã tự phát triển hệ sinh thái Ricons Group và thay đổi nhận diện thương hiệu.
Năm 2020, Ricons ghi nhận 7.955 tỷ doanh thu, lợi nhuận ròng 251 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 30% so với năm 2019. So với kế hoạch 7.500 tỷ doanh thu và 250 tỷ lãi ròng, Công ty đi đúng với chủ trương ban đầu.
Sang năm 2021, Ricons đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.100 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến giảm phân nửa, còn 150 tỷ đồng.
Chỉ tiêu thấp được đưa ra trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ban lãnh đạo cho biết, con số được đưa ra trên cơ sở các hợp đồng đã ký kết, đang thực hiện và những Hợp đồng đang đàm phán sắp tới.
Liên quan đến giá thép tăng 50-60%, ban điều hành đã có nhiều biện pháp cùng triển khai: Bổ sung điều khoản trượt giá, xin chủ đầu tư điều khoản bổ sung mới, có kế hoạch và đặt hàng thép trước (giữ giá); đề nghị các nhà cung cấp hay thầu phụ cùng chia sẻ...
Cuối cùng, về kế hoạch niêm yết liên tục trễ hẹn, ông Trần Quang Quân cho biết hồ sơ đã nộp nhưng tình hình dịch bệnh và một số lý do khác nên đang bị chậm lại. Hiện, các thủ tục vẫn đang được triển khai và sẽ thông tin đến cổ đông khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.