Sáng ngày 19/6/2020, CTCP Kỹ Nghệ Lạnh (Searefico, SRF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, báo cáo kế hoạch ngắn hạn với doanh số kỳ vọng 2.000 tỷ đồng, doanh thu 1.500 tỷ và LNTT 60 tỷ đồng. Kế hoạch này được đề ra dựa trên cơ sở giả định là kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong quý 3-4/2020. Với chỉ tiêu này, Công ty đề xuất cổ tức 2020 ở mức 10%.
Năm 2020 dùng phân nửa nguồn lực để giải quyết công nợ
Kết thúc quý 1/2020, Công ty ghi nhận LNST 8,1 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Nói về kết quả này, đại diện SRF cho hay quý đầu năm Công ty đâu đó thực hiện được 10% kế hoạch cả năm, mặc dù đây thông thường là quý thấp nhất trong năm do có tháng nghỉ Tết.
Tuy nhiên năm 2020, quý 1 không phải là quý thấp nhất mà có thể là quý 2-3, thậm chí cả quý 4 nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng dự kiến tại Nhà máy mới sẽ phải điều chỉnh so với kế hoạch ban đầu, được biết dự án có tổng mức đầu tư 10 triệu USD.
Dù vậy, trong nguy có cơ, đại diện Công ty nhận thấy dịch bệnh đang thay đổi thói quen người tiêu dùng, dẫn đến mảng kho lạnh, dây chuyền chế biến cấp đông nhanh IQF có cơ hội tăng trưởng. Hay kho thông minh và tự động hóa trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng tăng mạnh. Tận dụng cơ hội, Công ty cũng tiến hành R&D sản phẩm mới giữa đại dịch Covid-19.
Ước tính quý 2, phía SRF nhận định sẽ không quá tích cực, hiện Công ty chưa có thống kê cụ thể nên chưa thể công bố với cổ đông. Mới đây, Công ty cũng vừa trúng thầu thu công dự án với tổng giá trị hợp đồng gần 253 tỷ đồng.
Mặt khác, một trong những vấn đề hiện nay của SRF là khoản phải thu khá lớn. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hường thẳng thắn trao đổi: "Khoản phải thu khác cao đúng là cao, và chúng tôi cũng khẳng địnhh rằng lo ngại lớn hiện nay của Công ty là quản trị công nợ. Do đó, năm 2020 chúng tôi sẽ chỉ dùng 50% nguồn lực cho bán hàng, đến 50% còn lại sẽ chi để giải quyết dứt điểm công nợ. Đặc biệt, tại một vài dự án có dính đến pháp lý, SRF cũng chi mời luật sư tham gia để nhanh chóng thu hồi đầu tư tại các dự án này. Báo cáo với cổ đông năm 2019 Công ty đã thu hồi được 2 khoản đầu tư tại dự án có ách tắc".
"Đây là thời điểm cá nhanh nuốt cá chậm!"
Được biết, năm 2019 là năm đầu tiên SFR hoạt động theo mô hình mới holdings, theo ban lãnh đạo tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao thế hệ và bước đầu tái tổ chức hoạt động, tuy nhiên Công ty cũng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, doanh số ký hợp đồng vượt 15% kế hoạch với 2.412,4 tỷ đồng, doanh thu tương ứng đạt 1.706 tỷ, LNST 72,5 tỷ đồng. Công ty theo đó đề xuất chi cổ tức 2019 bằng tiền với tỷ lệ 15%/mệnh giá.
SFR đang có lợi thế cạnh tranh từ hệ thống nhà máy tại Tp.HCM và Đà Nẵng có thể thực hiện trọn gói từ khâu thiết kế, xây dựng đến lắp đặt, vận hành...
Năm 2020, SFR sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý, tổ chức theo mô hình holdings, tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp, phát hành tăng vốn điều lệ... Công ty cũng lên lộ trình mở rộng và đa dạng hóa hoạt động sản xuất vật liệu xanh, thân thiện môi trường, công nghệ cao nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao chuỗi giá trị hoạt động.
Điển hình, Công ty đã và đang đầu tư Nhà máy sản xuất Panel Cách nhiệt PIR (Polyisocyanurate) sản xuất sản phẩm VLXD có đặc tính cách nhiệt, cách âm, cách ẩm và đặc biệt có khả năng chống cháy cao dùng trong xây dựng. Đây là loại vật liệu không nung để thay thế dần các loại vật liệu nung truyền thống, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho công trình công nghiệp và dân dụng. Dự án được đầu tư xong và đưa vào hoạt động chính thức từ tháng 4/2020.
Nhấn mạnh về định hướng phát triển nhanh nhạy mới của SRF, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hường cho hay: "Bây giờ nguyên tắc cá lớn nuốt cá bé theo tôi không còn phù hợp với tình hình kinh doanh hiện nay. Mà thay vào đó là Cá nhanh nuốt cá chậm".
Tại Đại hội, Công ty cũng trình thông qua việc bầu bổ sung Thành viên HĐQT độc lập với ông Lê Quang Phúc theo đề nghị của nhóm cổ đông Công ty. Trước đây, ông Phúc chưa từng tham gia tại SRF.